Trưa 27/7, phóng viên tìm đến nhà thương binh Võ Phốc. Tới nơi, gặp một cụ bà lưng đã còng bón cơm cho người con trai thứ 5 Võ Văn Thức (37 tuổi) với thân thể chỉ có da bọc xương, không biết nói. “Ổng đi dự Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ ngoài xã từ sáng đến giờ chưa về, ở nhà tôi vừa nấu cơm vừa trông nom các con”, bà Hồ Thị Quyết (74 tuổi, vợ ông Phốc) cho biết.
Mấy năm nay, bà Quyết bị viêm đa khớp, cao huyết áp, sa sút trí tuệ, lẩm cẩm do tuổi già nhưng vẫn phải chăm sóc 5 người con bị nhiễm chất độc da cam. Người con gái là chị Võ Thị Ý (42 tuổi) ngồi trên chiếc xe lăn muốn thay mẹ chăm em trai đành bất lực, bởi chân tay bị bại liệt từ nhỏ.
Câu chuyện vừa bắt đầu thì ông Phốc lạch cạch đạp xe về. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tình thương khá khang trang được Nhà nước hỗ trợ xây dựng làm mái ấm cho cả gia đình, ông Phốc ngậm ngùi kể về gia cảnh bi đát của mình. Sau thời gian tham gia quân ngũ, chiến đấu tại các chiến trường ác liệt, hòa bình ông trở về quê, lấy vợ, sinh con.
Vợ chồng ông sinh cả thảy 8 người con, 2 người đã mất từ hồi mới lọt lòng. Trong 6 người con còn sống, có tới 5 người bị nhiễm chất độc da cam. Anh Thức bị nặng nhất, từ nhỏ sinh ra đã mang đôi chân teo tóp, không phát triển, thiểu năng trí tuệ, chỉ nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt của anh Thức đều do vợ chồng ông Phốc thay nhau chăm sóc.
Anh Võ Tỳ (46 tuổi, bên phải ảnh) bề ngoài trông có vẻ bình thường nhưng lúc trở trời lại lên cơn động kinh, đập phá, chạy lung tung. Anh Võ Văn Trương (34 tuổi) ngớ ngẩn như anh trai. Cháu trai Võ Văn Dự (8 tuổi, con trai chị Luôn) cũng bị bại não, liệt chân tay như các cậu, dì của mình.
“Chiến tranh ác liệt, có những lúc cái chết kề bên nhưng mình luôn chắc tay súng, chân vẫn vững, chưa bao giờ chùn bước. Nhưng bây giờ nhiều lúc cùng quẫn quá, tôi muốn chết đi cho xong nhưng lại nghĩ mình chết đi các con biết dựa vào ai. Thôi đành ráng sống”, ông Phốc giãi bày trong nước mắt.