Thủ tướng chỉ đạo, thời gian tới, NHCSXH cần phải tập trung vào các chương trình “quả đấm thép” nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động, đồng thời xem xét tăng doanh số cho vay từ mức 6,5% của năm nay lên mức 10% nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn xóa đói giảm nghèo…
Tín dụng chính sách – “điểm sáng” trong xóa đói giảm nghèo
Ông Dương Quyết Thắng - Tổng giám đốc NHCSCH - cho biết, sau hơn 12 năm hoạt động, với mạng lưới hoạt động trải rộng từ trung ương đến cơ sở và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được 136.750 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến 31/12/2014 đạt 129.456 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với thời điểm thành lập, với gần 6,9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ.
Trong thời gian qua, đã có trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt trên 285 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, trong đó có trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 6 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, gần 700 nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo tại 7 tỉnh miền Trung, trên 102 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quôc…
Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân. Hoạt động của NHCSXH là một trong những điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo. Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH là nguồn lực nòng cốt để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những kết quả mà NHCSXH đã đạt được sau hơn 12 năm thành lập, hoạt động và phát triển. Tín dụng chính sách là giải pháp căn cơ, tạo cần câu cho hộ nghèo thoát nghèo.
“Tới đây Việt Nam xây dựng chuẩn nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều: không chỉ căn cứ thu nhập, mà còn cả tiếp cận giáo dục, y tế, thông tin… Nỗ lực của 9 nghìn cán bộ nhân viên người lao động NHCSXH góp phần tích cực trong việc đạt được những mục tiêu đề ra trong công tác xóa đói giảm nghèo” – Thủ tướng Chính phủ nói.
Tập trung nguồn lực để tăng hiệu quả các chương trình quan trọng
Thủ tướng Chính phủ mong NHCSXH phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, hoạt động tốt hơn. Về đối tượng, rà soát đối tượng để tập trung nguồn lực, tập trung cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững. HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được vay vốn học tập.
Về nguồn lực, phải xem xét tăng doanh số cho vay từ 6,5% lên 10%, tập trung một số đối tượng để thoát nghèo. Cần coi tín dụng chính sách là giải pháp đột phá giảm nghèo nhanh và bền vững.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH, thay mặt 9 nghìn cán bộ viên chức, người lao động trong toàn hệ thống NHCSXH hứa với Chính phủ đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao, nhằm góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo.
“Với những nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra, NHCSXH đang nỗ lực đạt được.” – ông Nguyễn Văn Bình nói – “Về nguồn vốn, dù kinh tế vĩ mô có khó khăn, nhưng bằng nhiều cơ chế khác nhau, chúng tôi luôn nỗ lực đảm bảo nguồn vốn cho NHCSXH, như đảm bảo tiền gửi 2% của các Ngân hàng thương mại tại NHCSXH, địa phương chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH cho người nghèo tại địa phương vay, có cơ chế khuyến khích người nghèo, cơ chế huy động tiết kiệm 5 – 10 nghìn đồng. Về các chương trình cho vay, chúng tôi đang rà soát để tập trung vào một số chương trình trọng điểm là “quả đấm thép” của ngân hàng để có thêm vốn cho các đối tượng chính sách.
Với nguồn vốn khoảng 136 nghìn tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 129 nghìn tỷ, so với thực tiễn hoạt động của ngân hàng thương mại , trên thế giới đây là nguồn vốn rất lớn giành cho người nghèo. Chưa có nước nào dành đến 7 tỷ đô – la thường xuyên để phục vụ người nghèo thông qua một tổ chức tín dụng.