Cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một trẻ bị xâm hại tình dục
Chiều 14/3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã chỉ đạo Phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở đến làm việc với trường tiểu học có bé gái nghi bị xâm hại tình dục tại quận Thủ Đức để có biện pháp hỗ trợ ổn định tâm lý, tinh thần cho bé. Việc hỗ trợ ổn định tâm lý này sẽ kéo dài một thời gian cho đến khi có kết quả tốt để bé tiếp tục việc học tập của mình trong thời gian tiếp theo.
Trước đó, ngày 13/3, Sở cũng đã có công văn đề nghị UBND quận Thủ Đức chỉ đạo cơ quan Công an quận và chính quyền địa phương nhanh chóng làm rõ nội dung sự việc bé gái lớp 1 nghi bị xâm hại tình dục.
Khi có kết luận cuối cùng, cơ quan điều tra phải thông báo công khai nhằm kịp thời thông tin ổn định tình hình dư luận. Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi để xem kết luận cuối cùng như thế nào.
Cách đây mấy hôm, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) đã gửi bức tâm thư kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này. Bức tâm thư đã nhắc đến 4 vụ xâm hại tình dục gây chấn động, phẫn nộ trong dư luận thời gian gần đây.
Đó là vụ cháu bé ở Vũng Tàu bị một người đàn ông cao tuổi xâm hại. Đã hơn một năm trôi qua mặc dù đã có đủ bằng chứng nhưng vụ án vẫn chưa được khởi tố. Thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí còn đe doạ gia đình nạn nhân.
Ngay sau Tết Đinh Dậu 2017, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý dù gia đình đã báo cáo. Gần đây nhất là vụ cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại nhiều lần bởi một người đàn ông 34 tuổi.
Hai tháng trôi qua, gia đình đã tố cáo với cơ quan pháp luật nhưng kẻ thủ ác vẫn không bị xử lý còn ngang nhiên thách thức dư luận. Rồi vụ cháu bé 7 tuổi ở Thủ Đức (TP HCM) bị kẻ xấu ở trường xâm hại dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Thế nhưng một thời gian dài kẻ xấu vẫn không bị vạch mặt…
Những vụ việc mà GBVNet nhắc đến chỉ là một phần nhỏ trong “bức tranh đen” về nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho thấy, mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%.
Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một trẻ bị xâm hại tình dục. Nạn nhân thậm chí bị giết chết để bịt đầu mối hoặc bị đe doạ để không dám tố cáo.
Ảnh minh họa. |
Rào cản về thể chế?
Ở góc độ pháp luật, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về Quyền Trẻ em năm 1990. Hiến pháp Việt Nam cũng khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo vệ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của công dân
. Việt Nam cũng là nước có riêng bộ luật về trẻ em và nhiều quy định luật pháp, chính sách tiến bộ về bảo vệ trẻ em, có một bộ máy khá toàn diện về chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ trung ương đến địa phương. Thế nhưng trong rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, kẻ xấu vẫn chưa bị vạch mặt. Phải chăng hiện vẫn còn tồn tại nhiều rào cản về thể chế hay cách thức xử lý “có vấn đề” khiến cho bạo lực tình dục nói chung và bạo lực tình dục với trẻ em nói riêng không những không giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp?
Nói về khúc mắc này, GBVNet cũng chỉ ra trong lá tâm thư rằng “nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, dù đã có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự, lại được xử lý theo cách “hòa giải’”. Theo các nhà xã hội, quy trình tố tụng thiếu chặt chẽ và thiếu nhạy cảm gây thêm tổn thương và thiệt thòi cho nạn nhân và gia đình.
Nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực. Thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý bạo lực và lạm dụng tình dục lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình…
Được biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND Hà Nội khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc nêu trên. Cơ quan chức năng sớm đưa người liên quan ra xử lý nghiêm, báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
Trước đó, ngày 12/3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp điều tra sớm việc một người đàn ông bị tố cáo nhiều lần có hành vi dâm ô bé gái tại khu chung cư ở phường Nguyễn An Ninh (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Dâm ô với trẻ em”, xảy ra tại địa bàn phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai theo Điều 116 Bộ luật Hình sự.