Khó xác định phần lãi suất để thi hành
Theo quy định về lãi suất cho vay tại Điều 466, 468 BLDS 2015, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 và Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Đối với các khoản vay của TCTD, ngân hàng thì cách tính lãi suất và thời điểm tính lãi suất sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật được tính theo nội dung quyết định của Tòa án và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng(HĐTD). Khi tổ chức thi hành án, Chấp hành viên phải nghiên cứu và căn cứ vào HĐTD để xác định mức lãi suất này.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi xem xét HĐTD thì Chấp hành viên như bị lâm vào một “ma trận”. Bởi vì những HĐTD của ngân hàng thường có rất nhiều điều khoản phức tạp với ngôn ngữ chuyên ngành rất khó hiểu. Mặt khác, trong HĐTD lại có quy định về rất nhiều loại lãi như lãi quá hạn, lãi phạt… và mức lãi khác nhau trên số tiền vay gốc khiến chấp hành viên không biết phải tính theo loại lãi nào.
Một trường hợp khác, phần lãi suất được xác định theo hợp đồng giữa đôi bên nhưng lại rất khó khăn trong việc tính toán, ví dụ:
Quyết định số 01/2015/QĐST- LĐ ngày 06/10/2015 của TAND huyện X tuyên: Công ty G phải thanh toán trả Bảo hiểm xã hội huyện X các khoản tiền: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và khoản tiền lãi phát sinh tính đến thời điểm 31/6/2015 tổng là
1. 643.705.072 đ. Công ty cổ phần G còn phải chịu toàn bộ tiền lãi (tính từ ngày 31/6/2015 cho đến ngày tất toán tiền còn nợ đọng) theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các văn bản có liên quan…
Trong trường hợp này, khi tính lãi suất đối với các khoản tiền nợ của công ty G, cơ quan THADS phải căn cứ vào các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các văn bản có liên quan. Trong khi đó việc nghiên cứu, tham khảo các văn bản chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội không hề là một việc dễ dàng với Chấp hành viên và cơ quan THADS. Đó là chưa kể đến trong quá trình thi hành án, các văn bản của Bảo hiểm xã hội có sự thay đổi, điều chỉnh về mức tính lãi nên Chấp hành viên khó có thể cập nhật kịp thời để tính toán chính xác.
Quy định của pháp luật còn thiếu rõ ràng
Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) quy định về việc tính lãi suất đối với trường hợp chậm thanh toán nghĩa vụ. Theo đó việc tuyên lãi suất của Tòa án được thực hiện theo hai phương thức:
Một là: theo thỏa thuận của đương sự: Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015;
Hai là: Nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015.
Tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015 quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 tại thời điểm trả nợ. Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Hiện nay, trong rất nhiều các bản án, quyết định của Tòa án có tuyên nội dung: “Người được thi hành án còn phải trả cho người phải thi hành án khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án”. Xem xét quy định trên có thể thấy việc tuyên áp dụng mức lãi suất theo khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 là rất chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS khi xác định rõ mức lãi suất cần phải thi hành.
Thứ ba: Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu các quy định về lãi suất chậm thi hành án. Mặc dù đây là nghĩa vụ được quy định tại Điều 305 BLDS năm 2005 và hiện nay là Điều 357 BLDS năm 2015. Do đó cần phải xem xét bổ sung các quy định về lãi suất chậm thi hành án trong quá trình xem xét sửa đổi bổ sung Luật THADS.
Có thể thấy việc tính lãi suất theo bản án tuyên là một vấn đề rất phức tạp, cần có sự nghiên cứu, trao đổi, phối hợp để có phương án giải quyết cụ thể. Nên xem xét bổ sung quy định Tòa án phải tuyên rõ mức lãi suất trên số tiền phải thanh toán trả nợ trong bản án để cơ quan thi hành án có cơ sở tính lãi suất một cách chính xác nhất. Góp phần rút ngắn quá trình đôn đốc thi hành án đối với các vụ án tín dụng, ngân hàng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác THADS .