Tuy nhiên, chính Bùi Tùng Chi đã chỉ ra rằng, Trần Thọ “muốn nói quân của Tào Công ít để thấy rõ cái lạ kỳ, không phải là chép thật vậy”.
Trò lừa nhiều ít
Tam quốc chí, Vũ đế kỷ nói rằng quân Viên Thiệu có mười vạn, muốn đánh úp huyện Hứa. Sau đó, đến khi hai bên gặp nhau ở Quan Độ, Trần Thọ cho biết Tào Tháo không đầy một vạn. Trận chiến Quan Độ là trận đánh lấy một chọi mười.
Tào Tháo thì anh minh thần võ, Viên Thiệu thì liên tiếp mắc lỗi, hơn nữa, còn toàn là những lỗi ngớ ngẩn. Kỳ thực Bùi Tùng Chi đã đưa ra ba chứng cứ cho thấy Trần Thọ bịa đặt số quân của Tào Tháo.
Một là, Tào Tháo lúc cất quân đã có năm ngàn quân, về sau phá Khăn Vàng lại thu thêm ba chục vạn người. Viên Thiệu lập quân doanh dài mấy trăm dặm, Tào Tháo cũng chia quân chống cự, thì số quân Tào chẳng thể kém hơn quân Viên đến mười lần.
Hai là, quân Thiệu nếu đông gấp mười thì phải vây hãm, khiến quân Tào không còn lối ra vào. Thế mà quân Tào hai lần xuất kích vào hậu phương đánh xe lương của quân Viên, mà quân Viên không ngăn cản nổi. Đủ thấy quân số hai bên không thể quá chênh lệch.
Ba là, sau khi Viên Thiệu thua, Tào Tháo đã bắt được bảy, tám vạn tù binh. Muốn bắt được số tù binh lớn như thế thì quân đội không thể quá ít.
Tính toán của các sử gia hiện đại ước định quân Tào khoảng chừng bốn, năm vạn. Đó vẫn là nằm trong khuôn khổ quan niệm trận chiến Quan Độ là lấy ít thắng nhiều. Kỳ thực đối với Tào Tháo thì đây là trận chiến giữ mạng, tất nhiên phải dốc hết toàn lực, không thể cứ chăm chăm lấy ít thắng nhiều.
Từ nói xấu người già ...
Để đối lập với sự anh minh của Tào Tháo, thì Viên Thiệu phải được mô tả thành kẻ ngu ngơ. Ghi chép của Trần Thọ cho ta cảm giác Viên Thiệu chỉ cậy quân đông, mạnh mà không hề có một chiến lược nào cả. Nói như Điền Phong thì Thiệu “chỉ cầu may trong một trận đánh” mà thôi.
Thực ra thì Viên Thiệu có một chiến lược hết sức rõ. Bài hịch đánh Tào mà Trần Thọ bỏ không chép đã viết rất rõ ràng. Thiệu dự định sẽ “từ Tinh Châu vượt núi Thái Hàng, từ Thanh Châu lội sông Tế, Tháp, đại quân bơi thuyền trên sông Hoàng Hà đánh mặt trước, quân Kinh Châu xuống Uyển, Diệp giữ mặt sau, sấm động hổ vồ, cùng tụ ở ổ giặc”. Thực tế đã cho thấy chí ít đã có quân Viên Đàm từ Thanh Châu tới hội họp ở Quan Độ.
Trần Thọ không chỉ phớt lờ chiến lược tổng thể của Viên Thiệu, mà còn tích cực phá hoại một số khía cạnh liên quan đến việc thực thi chiến lược ấy. Chẳng hạn như vai trò của cánh quân Kinh Châu. Trần Thọ nói rằng trong trận chiến Quan Độ, Lưu Biểu đã giữ thái độ nước đôi (“Biểu hứa giúp Thiệu nhưng không đến, cũng chẳng giúp Thái Tổ”).
Lưu Biểu là mắt xích quan trọng trong kế hoạch diệt Tào của Viên Thiệu. |
Thủ hạ của Lưu Biểu là Hàn Tung, Lưu Tiên đã khuyên Lưu Biểu đừng “nắm giữ mười vạn quân, lại ngồi yên trông ngóng, thấy người này hiền mà chẳng chịu giúp, kẻ kia xin hòa cũng chẳng xong”. Trần Thọ quy điều này cho sự thiếu sót về nhân cách của Lưu Biểu. Có điều Trần Thọ lại tự vạch trần sự dối trá của mình ở một chỗ khác. Trong khi khen ngợi Hoàn Giai, ông ta nói rằng trong trận Quan Độ “Biểu đem cả châu hưởng ứng Thiệu”.
Hoàn Giai lại khuyên Thái thú Trường Sa là Trương Tiễn phản Lưu Biểu để hưởng ứng Tào Tháo. Trương Tiễn đã đem bốn quận phía nam Trường Giang chống lại Lưu Biểu. Chính trong quyển 6 là chỗ mà Trần Thọ phê phán Lưu Biểu, ông ta cũng thừa nhận chiến dịch bình định Trương Tiễn kéo dài hơn một năm.
Tuy nhiên, Trần Thọ lại mô tả trận đó như thể là diễn ra trước chiến dịch Quan Độ. Lưu Biểu sở dĩ không giúp đỡ Viên Thiệu là do nội bộ phát sinh biến cố rất lớn. Nhưng ngược lại Trần Thọ bẻ cong ngòi bút viết thành Lưu Biểu là kẻ nước đôi.
... đến mượn danh trẻ con
Gần như là mỗi bước đi, Viên Thiệu và những người ủng hộ ông ta đều gặp phải sự bịa đặt, vu khống. Ngay trước khi Viên Thiệu phát binh, vẫn còn có một câu chuyện kinh điển. Đó là lúc Tào Tháo đông chinh Lưu Bị. Điền Phong đã khuyên Viên Thiệu nhân thời cơ này đánh úp phía sau Tào Tháo, thế nhưng “Thiệu vì con nhỏ bị ốm mà từ chối”. Điền Phong uất ức vì bỏ lỡ cơ hội tốt, đã đập gậy xuống đất. Tất nhiên, đó lại là câu chuyện bịa đặt xằng bậy khác.
Khi ca ngợi tướng Tào là Vu Cấm, Trần Thọ đã để lộ sự thật. Vu Cấm là viên tướng tiên phong được Tào Tháo phái đi chống cự Viên Thiệu ở Diên Tân. Trần Thọ nói: “Lưu Bị đem Từ Châu làm phản, Thái Tổ sang đông đánh Bị. Thiệu đánh Cấm, Cấm giữ chắc, Thiệu không hạ nổi”.
Viên Thiệu chưa từng vì một lý do vớ vẩn mà bỏ qua cơ hội tốt. Viên Thiệu đã nhân lúc Tào Tháo đánh Lưu Bị mà tập kích Diên Tân. Diên Tân là bến vượt sông quan trọng trên dòng Hoàng Hà, đó là lý do Viên Thiệu tập kích Vu Cấm.
Tuy nhiên, Viên Thiệu đã không thành công, ngược lại còn bị Vu Cấm phản kích. Nguyên nhân có thể là do phát động vội vàng và chuẩn bị chưa đủ. Trận đánh mở màn đó giúp Viên Thiệu đánh giá lại tình huống. Sau khi chuẩn bị đủ lực lượng, Viên Thiệu đã cho đại quân vượt sông từ phía Bạch Mã, rồi đánh úp sau lưng Diên Tân. Đó chính là sự kiện mà Trần Thọ cho là mở màn của chiến dịch Quan Độ.
Nhân lúc Tào Tháo đánh Lưu Bị, thì Viên Thiệu đã thử đánh phá tuyến phòng thủ Diên Tân của phe Tào. |
Ngựa, sói, trâu và đại cục
Trận đánh vây thành Bạch Mã do ba tướng Quách Đồ, Thuần Vu Quỳnh và Nhan Lương thực hiện, nhưng Trần Thọ chỉ nhắc đến vai trò của viên tướng thứ ba là Nhan Lương. Ngay từ khi ra quân, Thư Thụ đã kiến nghị không nên để Nhan Lương một mình gánh trọng trách. Trần Thọ bảo rằng Viên Thiệu không nghe, nhưng thực tế Viên Thiệu đã nghe, vì người đứng đầu là Quách Đồ chứ không phải Nhan Lương.
Tào Tháo đem quân đi cứu Bạch Mã, nghe theo kế của Tuân Du, một mặt giả vờ vượt sông ở Diên Tân, mặt khác phái Quan Vũ, Trương Liêu đem kỵ binh tập kích Bạch Mã. Viên Thiệu một mặt tăng viện cho Diên Tân, mặt khác lại chuẩn bị vượt sông ở hướng Lê Dương. Nhan Lương khinh địch, đi xa mấy chục dặm để đón đánh quân Tào, bị Quan Vũ tập kích chém chết.
Trần Thọ nói rằng Tào Tháo giải vây cho Bạch Mã, “dời hết dân ở đấy, men sông đi về phía tây”. Đó cũng lại là chuyện bịa đặt. Sau này Tào Tháo đã thú nhận với Tưởng Tế rằng: “Trước kia Cô cùng với Viên Bản Sơ đối trận ở Quan Độ, dời dân ở huyện Yên và Bạch Mã, dân chẳng trốn, mà giặc cũng không dám cướp”.
Trên thực tế chỉ có quân Lưu Diên là thoát ra được. Nhưng kỵ binh của Văn Xú (chữ này có một âm đọc khác là Sửu) và Lưu Bị cũng đuổi theo bén gót, đến tận chiến lũy của Tháo ở phía nam Diên Tân. Tào Tháo giao chiến, chém được Văn Xú.
Trảm Nhan Lương, tru Văn Xú là hai chiến công mà phe Tào thường rêu rao, nhưng đối với thực tế chiến trường lúc đó thì chỉ là hai hạt muối bỏ biển. Nhan Lương, Văn Xú được phe Tào tâng bốc là “danh tướng của Viên Thiệu”, nhưng trên thực tế danh tiếng của hai kẻ này chỉ thấy nhắc đến một lần duy nhất trong trận Bạch Mã, Diên Tân!
Xét về đại cuộc, phòng tuyến của Tào Tháo đã bị quân Viên Thiệu đánh nát. Từ mùa thu năm trước, sau khi Viên Thiệu phá xong Công Tôn Toản, Tào Tháo đã bày binh ở Lê Dương, sai Vu Cấm đóng đồn ở mé trên Hoàng Hà (tức địa điểm Diên Tân), phái Tang Bá khuấy rối Thanh Châu và đặt đại bản doanh ở Quan Độ. Tào Tháo chiến thắng liên tiếp, nhưng cũng bỏ chạy liên tiếp. Đòn đánh vu hồi từ bên hông của Viên Thiệu đã phá tan phòng tuyến vững chắc Diên Tân.
Mặc dù vậy, một số nhà bình luận hiện đại như Dịch Trung Thiên vẫn ca ngợi Tào Tháo, nói Tào Tháo phóng khoáng, đại khí, không tính toán sự được mất của thành nọ thành kia. Tào Tháo rút lui là để đường tiếp tế của Viên Thiệu dài ra, giá thành cuộc chiến sẽ cao lên. Nhưng chẳng lẽ Viên Thiệu không tính toán đến điều đó?
Tất nhiên, việc Tào Tháo rút lui cũng nằm trong ý đồ của Viên Thiệu. Rốt cuộc Tào Tháo cũng không thể rút lui mãi. Tháo lui tới Quan Độ, tự dưng biến thành người khác, đâm ra hẹp hòi, tính toán sự được mất của thành nọ thành kia. Tào Tháo phải dừng lại bày doanh trại đối địch, kết quả là “cùng giao chiến, gặp bất lợi”. Nói cách khác, Viên Thiệu bị Tào Tháo đánh cho sấp mặt…
(Mời xem tiếp số sau).