Huyền bí bùa ngải của người Mán
Cơ duyên khiến anh Bùi Văn Hiển (SN 1958, trú tại thôn Thấu, xã Lạc Sĩ, huyện Yên Thủy, Hòa Bình) học được “bùa Mán” đến vào năm 1977, thời gian này anh nhập ngũ, đóng quân gần nhà một thầy dạy “bùa Mán” là ông Hà Văn Đặng (ngụ thôn Bái Chao, xã Tây Phong, huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Thấy anh là người dân tộc Mường hiền lành, say mê bùa phép nên ông Đặng đồng ý truyền nghề.
Khi xuất ngũ, anh Hiển lập 3 cái miếu ở xóm Thấu với mục đích hành nghề bói toán để lừa bịp người dân bằng mánh khóe đánh vào yếu tố tâm linh. Anh Hiển tâm sự: “Lúc lập miếu, bạn bè can ngăn nhưng nếu hành nghề mà không có miếu thì tôi sẽ chết. Bắt buộc phải lập miếu các anh à, vẫn biết mình làm sai”. Việc cúng bái, bùa phép mang lại cho anh Hiển khá nhiều lợi nhuận khiến anh lóa mắt, rồi sa chân vào những việc làm trái pháp luật lúc nào không biết.
Cũng theo anh Hiển, khi mới hành nghề, bà con đến chật kín nhà. Tuy nhiên, mỗi ngày anh chỉ được phép bói và chữa cho 8 người, sáng 3, chiều 5, người thứ 9 tuyệt đối không bói. Khi bói, anh chỉ xem mồ mả hoặc những bệnh liên quan đến “ma ám”. Do khách đông nên đa phần họ đều phải ngủ lại, đợi hôm sau lại bói tiếp.
Cách chữa bệnh của anh Hiển chủ yếu là lấy nước lã hoặc bất cứ lá cây gì ở ngoài vườn nhưng vẫn khỏi. Chiêu thuật mà anh hay sử dụng nhiều nhất là dán tiền vào trán hoặc mũ để bói và đoán bệnh. Sau khi biết chắc chắn bệnh do “ma làm”, anh bắt đầu lấy bất kể lá gì để “yểm phép”.
Anh có thể hơ lá đó vào ngọn lửa rồi đắp lên chỗ đau, hoặc nhai nhuyễn rồi phun vào người bệnh. Nếu bệnh nhẹ, anh chỉ cần dùng lá rồi bịt vào chỗ đau mấy tiếng đồng hồ là khỏi. Tất cả các bài thuốc này, anh đều phải đọc thần chú để tăng phần bí hiểm, linh thiêng.
Sau khi hoàn lương, anh Hiển thường làm rượu cần ở nhà. |
Theo anh Hiển, anh chỉ chữa bệnh “ma làm”, bệnh này y học không chữa được mà phải dùng bùa ngải!? Người dân hiểu biết hạn chế, cứ khó ở trong người là tưởng bị “ma ám” nên nườm nượp kéo đến thầy Hiển. Thầy ra giá bao nhiêu tiền họ cũng phải đưa, thậm chí bán trâu, bán bò để có tiền đưa thầy làm lễ cúng.
Đồng tiền khiến anh Hiển mờ cả mắt, đến khi “sáng mắt ra” thì bản thân đã phải lãnh 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
“Vua bùa phép” và cái giá của ngục tù
Anh Hiển chia sẻ: “Tôi bị tuyên án tù 7 năm, nhưng do có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có việc từng tham gia quân ngũ nên tôi được giảm án 2 năm, thụ án xong 5 năm thì được tha tù”.
Sau khi ra tù, anh Hiển trở về quê sinh sống bằng nghề làm ruộng và nấu rượu. Rất may khi trở về anh được chính quyền địa phương và anh em họ hàng tạo điều kiện giúp đỡ làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nghề làm rượu cần đã đem đến cho gia đình anh Hiển thu nhập ổn định, gia đình có bát ăn, bát để.
Khi được hỏi anh có định trở lại hành nghề bói toán không, anh Hiển nói: “Bây giờ tôi nhận thức được mình hành nghề mê tín dị đoan là phạm pháp nên không làm nữa. Mấy đứa cháu ruột muốn tôi dạy, nhưng tôi không cho phép. Chắc anh không tin nhưng bà con vẫn tin vào yếu tố tâm linh, vẫn tin bệnh ma làm chỉ có dùng thầy pháp, bùa ngải mới trị được. Nhiều cái phải cúng, các mế Mường trong bản ốm muốn chết nhưng được con cháu làm vía lại khỏe. Đây là yếu tố tâm linh, đấy còn là phong tục văn hóa của người dân chúng tôi nữa”.
Anh Hiển bảo khi già sẽ nói bí mật “bùa ngải” cho con cháu biết.
Trao đổi cùng Trưởng xóm Thấu, ông Bùi Văn Vịnh cho biết: “Trước kia chuyện “vua” Hiển dùng “phép Mán” chữa bệnh cho dân là có thật. Chuyện này cách đây cũng đã hơn 30 năm rồi, giờ ông Hiển làm rượu cần ở nhà, còn vợ con đi làm rẫy. Từ khi ra tù, tôi chưa thấy ông có ý định làm “bùa Mán” lại.
Hiện ông ấy đang là thành viên của Hội Cựu chiến binh của thôn, sống hòa nhập với hơn 60 hộ dân. Giờ không ai kỳ thị nữa, vì bà con cũng thông cảm cho những sai lầm mà ông mắc phải./.