Cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1947, đã chết) từ năm 2008 sử dụng tài sản của công ty do cụ đứng tên để thế chấp vay vốn tại BIDV.
Do cụ Hiệp không đủ khả năng trả nợ nên ngân hàng trích lập quỹ dự phòng xử lý và phát mãi tài sản. Ông Khanh biết tin cụ Hiệp bán đất nên đến hỏi mua. Hai bên thỏa thuận giá, phương thức thanh toán, sang nhượng đất, được ngân hàng đồng ý. Từ năm 2012 đến năm 2015, ông Khanh mua 4 lần tổng cộng 18ha.
CQĐT và VKSND Bình Dương cho rằng cán bộ ngân hàng xử lý tài sản thế chấp không đúng luật và quy chế nội bộ, còn ông Khanh bị cáo buộc trả một phần tiền mặt cho cụ Hiệp là trái luật nên có vai trò giúp sức.
Từ khi bị bắt, ông Khanh đều kêu oan, cho rằng việc trả tiền là làm theo thỏa thuận với cụ Hiệp. Bất kể trả tiền vào tài khoản hay tiền mặt đều là trả cho cụ Hiệp, không phải cho ngân hàng. Giữa ông Khanh, cụ Hiệp và cán bộ ngân hàng không hề có sự bàn bạc, thỏa thuận, hưởng lợi nào từ việc mua bán trên.
Trước phiên xử, một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về việc khởi tố, truy tố với ông Khanh. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, có phiếu chuyển đơn kêu cứu của vợ ông Khanh đến Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC để xem xét giải quyết.
Theo đó, Đại biểu Quốc hội Pha có nhận được đơn của vợ ông Khanh, có nội dung bà và chồng mua đất của cụ Hồ Thị Hiệp là ngay tình, hợp pháp, không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương đã tìm mọi cách để khởi tố, truy tố ông Khanh và bắt tạm giam từ tháng 8/2018 đến nay.
Đại biểu Quốc hội Pha nêu: “Nghiên cứu các tài liệu gửi kèm theo đơn tôi nhận thấy vụ án này khá phức tạp. Vì thế, các cơ quan tiến hành tố tụng cần hết sức thận trọng trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tội danh để xử lý vụ án đúng pháp luật, không làm oan người vô tội”.