10 năm, 6 phiên tòa các cấp
Theo hồ sơ vụ án, cụ Nguyễn Mô (mất năm 1993) và cụ Bùi Thị Chảnh (mất năm 1973) có sáu người con là ông Nguyễn Hai, ông Nguyễn Ba, bà Nguyễn Thị Tư, ông Nguyễn Văn Xít, bà Nguyễn Thị Bảy và bà Nguyễn Thị Lui.
Khi mất, vợ chồng cụ Mô để lại tài sản gồm: Một thửa đất khoảng 3.000m2 (trên đó có nhà từ đường và khu đất mộ tại tổ 7, thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang; một thửa đất màu diện tích 1.500m2 liền kề thửa đất có nhà từ đường.
Cụ Mô, cụ Chảnh không để lại di chúc nên năm 2003, các thừa kế thỏa thuận với nhau chia thửa đất màu (1.500m2). Còn lại đất mộ và đất có từ đường thì không phân chia (vẫn do vợ chồng ông Nguyễn Hai quản lý).
Năm 2004, vợ chồng ông Hai, bà Cân đã làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với thửa đất 2.526 m2 có nhà từ đường. Ngày 10/9/2004, UBND TP Nha Trang đã cấp GCNSDĐ theo đề nghị này. Sau khi ông Nguyễn Hai chết vào năm 2006, bà Cân tự ý chia nhà đất cho các con.
Cho rằng gia đình ông Hai, bà Cân đã vi phạm nghĩa vụ của người quản lý di sản, tự ý định đoạt di sản của bố mẹ mà không có ý kiến của các đồng thừa kế, ông Xít và các đồng thừa kế đã khởi kiện yêu cầu Tòa chia thừa kế. Nguyên đơn và bà Tư, bà Bảy, bà Lui xin nhận chung, phần từ đường để lo hương hỏa tổ tiên.
Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm 1 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế của cụ Mô, cụ Chánh theo pháp luật. Tuy nhiên, hai bản án bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy.
Bản án sơ thẩm lần 2 năm 2017, TAND tỉnh Khánh Hòa quyết định chia thừa kế di sản của cụ Mô, cụ Chánh. Bản án phúc thẩm lần 2 đã sửa án theo hướng không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Tại phiên giám đốc thẩm mới đây, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ để TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm lại.
Mấu chốt vụ kiện khiến xử đi xử lại
Trong vụ kiện này, bà Cân có đơn phản tố cho rằng, thửa 2.526m2 đất đang tranh chấp là di sản của cụ Mô nhưng đã chia cho vợ chồng bà. Còn bốn thửa số 718, 719, 720, 721(diện tích 3.000m2) mà ông Xít đang sử dụng là do cụ Mô chia cho.
Trong khi đó, nguyên đơn đều khẳng định thửa 2.526m2 có từ đường là di sản chưa phân chia. Cụ Mô cũng không cho tặng nhà đất này cho vợ chồng ông Hai như bà Cân nói.
Về chi tiết này, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận định: “Ngoài lời khai, bà Cân, anh Ninh không xuất trình được tài liệu chứng minh việc tặng cho nhà đất giữa cụ Mô với vợ chồng ông Hai, bà Cân. Ông Xít, bà Tư, bà Bảy, bà Lui cũng không thừa nhận việc cụ Mô chia đất cho các con trước khi chết”.
Tại biên bản xác minh ngày 25/5/2010, địa chính xã Vĩnh Ngọc cũng xác nhận “nguồn gốc đất di sản của cụ Mô để lại hiện do vợ chồng bà Cân kê khai, quản lý… Năm 2002, các con cụ Mô đã tự phân chia theo tờ Trích tương phân lập ngày 20/5/2002”.
Hội đồng Thẩm phán nhận định: “Có căn cứ xác định 2.526m2 đất, trên đất có nhà từ đường là di sản của cụ Mô, cụ Chảnh để lại. Do đó, việc vợ chồng bà Cân đăng ký, kê khai mà không có văn bản đồng ý của các thừa kế của vợ chồng cụ Mô thì việc cấp GCNQSĐ cho vợ chồng bà Cân là không đúng theo quy định của pháp luật… Tòa án sơ thẩm đã chia thừa kế đối với 2.526m2 đất và hủy Quyết định cấp GCNQSDĐ cho bà Cân, anh Ninh là có căn cứ”.
Vấn đề thứ hai là diện tích 3.000m2 đất do ông Xít sử dụng có phải là di sản của cụ Mô, hay cụ Mô chia cho ông Xít từ khi còn sống? Trong bản trình bày ý kiến gửi đến Tòa án, cũng như những lời khai nhiều năm qua, ông Xít cho biết: Diện tích đất 3.000m2 của gia đình ông tại 4 thửa 718, 719, 720, 721 không phải là di sản thừa kế của cha mẹ. Trong đó hai thửa 718, 720 tổng diện tích 1.850m2 là đất trồng lúa do hợp tác xã giao theo Nghị định 64/CP năm 1993.
Chứng minh nội dung này, ông Xít nộp cho Tòa một bản sao Thông báo nộp vụ 3 năm 2001 của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Ngọc ghi rõ diện tích nhận khoán là 1.850m2.
Còn thửa đất 721 diện tích 1.360 m2 vốn là của cụ Nguyễn Thị Phú (em của ông nội ông Xít). Cụ Phú không có chồng con nên khi chết giao lại cho cụ Mô với yêu cầu cháu nào bằng lòng thờ cúng cụ Phú và cụ Bốn thì giao đất. Ông Xít đồng ý lo hương hỏa cho hai cụ nên được cụ Mô giao đất. Năm 1997, khi lập hồ sơ kê khai ông Xít khai nguồn gốc đất “do cha Nguyễn Mô cho” nhưng thực chất là cha “giao đất để cúng giỗ hai bà”. Đối với thửa đất 719 không có trong GCNQSDĐ của ông Xít, thực tế là ao thiên nhiên.
Vụ án xử đi xử lại nhiều lần, đã kéo dài 10 năm. Hy vọng với chứng cứ và nhận định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC vừa qua, vụ kiện sẽ sớm chấm dứt ở “vòng xét xử” lần thứ 3 này.