Mất hơn 1.000m2 đất nhưng không được bồi thường
Câu chuyện nói trên là trường hợp của vợ chồng ông Phan Văn Tro (SN 1963) và bà Nguyễn Thu Ba (SN 1965), cùng ngụ tại phường 3, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo PLVN, ông Tro cho biết, vợ chồng ông có 1 mảnh đất 9.000m2 tại các thửa 226, 135 tờ bản đồ số 04, tọa lạc tại ấp An Lộc, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, thửa đất này được ông Dương Văn Nghiệp sử dụng ổn định, liên tục, không ai tranh chấp từ năm 1975, sau này bán lại cho vợ chồng ông vào năm 2005.
Ông Tro và vợ sử dụng đất ổn định từ đó đến năm 2015 thì được cấp giấy chứng nhận hơn 5.300m2 đất trong tổng số diện tích đất đã nhận chuyển nhượng của ông Nghiệp.
Năm 2017, UBND huyện Đất Đỏ ra Quyết định số 443/QĐ-UBND về việc thu hồi 1.146,60m2 đất của vợ chồng ông Tro để xây dựng tuyến đường Phước Hải - Lộc An. Cùng ngày, UBND huyện Đất Đỏ cũng ra Quyết định số 463/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí bồi thường hỗ trợ với một số nội dung như không bồi thường 1.146,60m2 đất với lý do đất do Nhà nước quản lý. Không bồi thường các cây trồng trên đất vì cho rằng năm 2010 ông Tro có đơn xin trồng cây trên đất và cam kết không đòi quyền lợi khi Nhà nước yêu cầu thu hồi...
Ông Tro cho rằng, hơn 1.000m2 đất bị UBND huyện Đất Đỏ thu hồi nằm trong diện tích đất của gia đình ông nhận chuyển nhượng và sử dụng ổn định. Còn diện tích ông xin trồng cây để chắn gió cát cho bà con cả khu không thuộc phần đất của gia đình ông. Chính vì vậy, ông đã làm đơn kiện 2 quyết định hành chính của UBND huyện Đất Đỏ.
Tại cấp sơ thẩm, ông Tro bị xử thua. Ông Tro tiếp tục làm đơn kháng cáo lên TAND Cấp cao tại TP HCM.
Quá trình xét xử, TAND Cấp cao nhận định, do bản án sơ thẩm không xem xét nguồn gốc diện tích đất bị thu hồi là của ai quản lý, sử dụng; đồng thời cũng không xem xét UBND xã Phước Hải đăng ký quyền sử dụng đất và sổ mục kê có đúng quy định hay không? Trong khi đó, ông Nghiệp (sau này chuyển nhượng cho ông Tro) đã khai thác, quản lý, sử dụng liên tục ổn định, không có ai tranh chấp nhưng đã kết luận là đất do Nhà nước quản lý và cho rằng ông Nghiệp và ông Tro không có tên trong sổ mục kê, không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất phần đất còn lại nên không được bồi thường, hỗ trợ là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013.
Chính vì vậy TAND Cấp cao đã tuyên hủy Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND huyện Đất Đỏ về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; hủy Quyết định 1328/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ về việc giải quyết khiếu nại của ông Phan Văn Tro.
UBND huyện Đất Đỏ sau đó đã chấp hành bản án phúc thẩm bằng việc ra quyết định thu hồi lại quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường. Thế nhưng đến năm 2019, UBND huyện Đất Đỏ lại tiếp tục ra thêm 2 Quyết định thu hồi đất và phê duyệt kinh phí hỗ trợ bồi thường mới nhưng giữ nguyên quan điểm không hỗ trợ, bồi thường cho gia đình ông Tro.
Luật sư chỉ ra nhiều dấu hiệu phạm luật
Nhận định về vụ việc, Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP HCM nêu quan điểm: Đây là vụ án hành chính đã được Tòa án Cấp cao xét xử và có Bản án phúc thẩm 292/2018/HC-PT tuyên hủy Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND huyện Đất Đỏ về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Bản thân UBND huyện Đất Đỏ đã chấp hành thi hành bằng việc ban hành Quyết định 2945/QĐ-UBND ngày 5/12/2018 thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 463/QĐ-UBND.
Tuy nhiên, năm 2019 thì UBND huyện Đất Đỏ lại thực hiện việc ra các quyết định áp dụng lại không đúng, cụ thể: Thứ nhất, UBND huyện Đất Đỏ đã có Quyết định số 443/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 về việc thu hồi 1.146,6m2 đất của ông Phan Văn Tro nhưng năm 2019 lại có thêm một quyết định mới là Quyết định số 2996/QĐ-UBND ngày 22/10/2019 về việc thu hồi 1.146,6m2 đất này. Trong khi đó, không rõ việc thu hồi quyết định năm 2017 có hay không, phía ông Tro (người phải thực hiện) không nhận được, không thể cùng một thửa đất có tới hai quyết định thu hồi từ một cơ quan nhà nước là UBND huyện Đất Đỏ.
Thứ hai, việc UBND huyện Đất Đỏ ban hành quyết định bồi thường mới nhưng tiếp tục bỏ qua việc xem xét điều kiện của người sử dụng đất (điều kiện về sử dụng đất ổn định, lâu dài, không có tranh chấp từ năm 1975…) và chỉ bằng hình thức ban hành quyết định mới (bỏ lý do từ chối bồi thường so với quyết định bồi thường cũ Quyết định số 443/QĐ-UBND) là cách làm việc không theo quy định pháp luật, không căn cứ vào quy định pháp luật để giải quyết.
Thứ ba, theo các quy định, đối với đất người dân sử dụng ổn định, liên tục và cả trường hợp không lập thủ tục cấp giấy chứng nhận thì vẫn đủ điều kiện được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, đúng như nhận định trong Bản án phúc thẩm số 292/2018/HC-PT ngày 14/8/2018: “Trong khi đó, ông Nghiệp (sau này chuyển nhượng cho ông Tro) đã khai thác, quản lý, sử dụng liên tục ổn định, không có ai tranh chấp nhưng đã kết luận là đất do Nhà nước quản lý và cho rằng ông Nghiệp và ông Tro không có tên trong sổ mục kê, không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất phần đất còn lại nên không được bồi thường, hỗ trợ là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013”.
Luật sư Phượng khẳng định, theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 21, Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì ông Tro đủ điều kiện được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất. Ông Tro nên khởi kiện 2 Quyết định mới đây của UBND huyện Đất Đỏ ra TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để hủy hai quyết định trái pháp luật này. Đồng thời, ông Tro cũng nên gửi đơn đến cơ quan nhà nước tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét, thanh tra về việc giải quyết này của UBND huyện Đất Đỏ trong vụ việc này.