15/3 - ngày vui của những cặp vợ chồng hiếm muộn
Ngay sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014 được Quốc hội thông qua, trong đó cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không ít vợ chồng tìm đến các bệnh viện phụ sản lớn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh làm đơn xếp hàng được áp dụng. Nhưng họ khá thất vọng khi bác sĩ cho biết phải đến đầu năm 2015 Luật HN&GĐ mới có hiệu lực, cùng với các văn bản hướng dẫn dưới luật mới đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Theo Khoản 22 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.
Ngày 15/3 tới đây, khi Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực, các cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Như vậy, không sai khi nói rằng ngày 15/3 là ngày vui của những cặp vợ chồng hiếm muộn, không còn khả năng tự mang thai vì bắt đầu từ thời điểm này, cơ sở pháp lý về mang thai hộ đã tương đối hoàn chỉnh để các bệnh viện có cơ sở thực hiện, giúp họ đạt được “giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Vẫn băn khoăn vì “cửa hẹp”
Được coi là một trong những điểm mới và khá táo bạo của Luật HN&GĐ 2014 nhưng cũng phải thẳng thắn nói rằng, theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý và y tế, tới đây tỷ lệ được chấp nhận cho mang thai hộ sẽ rất hạn chế so với nhu cầu thực tế, bởi “cánh cửa” pháp lý quá hẹp.
Theo phân tích của chuyên gia, để có được đứa bé chào đời nhờ kỹ thuật mang thai hộ, cặp vợ chồng phải vượt rất nhiều ải như: vợ chồng đang không có con chung; người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng…).
Trả lời báo giới trước khi Luật HN&GĐ 2014 có hiệu lực, bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM – Hosrem đã từng nhận định, trong việc mang thai hộ, kỹ thuật y tế rất đơn giản nhưng lại khá phức tạp về mặt xã hội - pháp lý. Trong lịch sử y học, chưa bao giờ có một kỹ thuật mà trước khi thực hiện lại cần chữ ký của nhiều người, nhiều ban bệ đến thế.
Nhận định của bác sĩ Tường không phải là không có lý bởi không phải tất cả các cặp vợ chồng hiếm muộn, không có khả năng tự mang thai đều hội tụ đủ các điều kiện như luật yêu cầu để được đáp ứng nguyện vọng về mang thai hộ.
Ví dụ như, một cặp vợ chồng tuy không còn khả năng tự mang thai nhưng trước đó họ đã có một con chung. Tuy nhiên đứa trẻ này bị bệnh tật nặng như bại não, hội chứng down… rất khao khát có thêm con, nhưng với yêu cầu của luật “vợ chồng đang không có con chung” khi muốn thực hiện việc mang thai hộ, họ đành ngậm ngùi.
Rồi cũng có không ít cặp vợ chồng vì quy định của luật là “người được nhờ mang thai hộ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần…” mà cũng đành gạt bỏ mơ ước có con vì gia đình cả hai bên đều neo người, chị em ruột, họ hàng người thì tâm thần, người già yếu, hay nghiện ngập…
Và cuối cùng, quy định “trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng” cũng là rào cản tương đối lớn bởi quan điểm sống truyền thống và tâm lý chung của các gia đình Việt Nam, chẳng mấy ông chồng lại có thể dễ dàng gật đầu đồng ý cho vợ mình đi mang thai hộ cho người khác cho dù đó là chị em gái ruột, hay họ hàng thân thích bên vợ, bên chồng...
Cần nhiều sự xác nhận trong hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Theo Điều 14 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, để hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cặp vợ chồng phải có rất nhiều sự xác nhận như:
Xác nhận của UBND nơi thường trú về tình trạng chưa có con chung của vợ chồng; xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về bệnh lý của người vợ dẫn đến không thể mang thai; xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai; xác nhận của UBND nơi thường trú về mối quan hệ giữa người nhờ mang thai hộ và người mang thai (hoặc hai bên tự chứng minh trên cơ sở giấy tờ hộ tịch); xác nhận của chồng người mang thai hộ về việc đồng ý cho vợ mang thai hộ; 03 bản xác nhận về tư vấn của bác sĩ sản khoa, chuyên gia tâm lý, luật sư, người trợ giúp pháp lý xung quanh các vấn đề nảy sinh trong quá trình mang thai hộ…