Người ta sinh ra có được sinh mệnh, được sống đến ngày nay là nhờ vào tổ tiên, tổ tiên giống như gốc cây đại thụ nuôi dưỡng để cành lá khỏe mạnh xanh tươi, tượng trưng cho con cháu phát triển. Vì vậy, nếu không có tổ tiên duy trì nòi giống truyền từ đời này sang đời khác thì cũng không có con cháu ngày nay.
Tục thờ cúng tổ tiên chính là sự ghi nhớ công ơn và là cách để chăm chút cho cái gốc của mình, gốc có tốt thì cây mới phát triển ra hoa kết trái. Vì vậy, tiền nhân cho rằng vận nhà tốt xấu đều từ gốc mà ra cả.
Người xưa có câu “ẩm thủy đương tư tuyền nguyên đầu, thực mễ đang tư nông canh khổ, hữu tiền đang tư vô tiền thời, kiện khang đang tư phụ mẫu ân”, tức khi uống nước thì phải nhớ đầu nguồn suối, ăn cơm phải nhớ lúc cày cấy vất vả, giàu có phải nhớ lúc nghèo khổ, khỏe mạnh phải nhớ đến ân đức của cha mẹ.
Ban thờ chính là nơi để mỗi người thể hiện lòng tri ân tới tiền nhân, dạy dỗ con cháu lòng hiếu đạo Người Việt trước đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên đa phần tục thờ cúng đều liên quan đến nông nghiệp, thường được thực hiện vào các ngày lễ âm lịch như: đêm giao thừa, ngày mồng một tết, tết nguyên tiêu, tết thanh minh, tết đoan ngọ, rằm tháng 7… và các ngày giỗ.
Ngoài ra, trong lịch sử tín ngưỡng người Việt thờ cúng thần linh đã có từ lâu đời. Do cuộc sống dựa chủ yếu vào tự nhiên nên người xưa lập đàn kính tế quỷ thần, mong giảm bớt thiên tai đem đến phúc lộc. Dễ dàng nhận thấy, ngoài các ngôi đền lớn nhỏ ở khắp các địa phương thì ngày nay trong gia đình vẫn có bát hương thờ thần phật để tiêu tai nạp phúc, sự nghiệp thuận lợi, hưng vượng nhân đinh, gửi gắm niềm tin của cả gia đình.
Một ban thờ cúng gia tiên ngày Tết. |
Thần phật được thờ trong nhà giống như người khách quý nên người ta thường đặt ở sảnh giữa nhà áp lưng vào tường vững chắc hoặc để chung với bàn thờ gia tiên, cho dù đặt riêng hay đặt chung với bàn thờ gia tiên thì cũng đều có những nguyên tắc cần tuân thủ, gia tiên là chủ nhân, thần minh là khách quý, có thể chấp nhận có chủ nhân nhưng không có khách, không được có khách mà không có chủ. Nếu vừa có chủ vừa có khách cùng chung một bàn thờ là lý tưởng nhất. Nhưng cũng không phải tùy tiện thích đặt thế nào thì đặt.
Vì vậy, người xưa cho rằng chỉ cần nhìn vào nơi thờ cúng của gia đình cũng có thể biết gia chủ có tâm hay không. Cái tâm ở đây không được đo bằng mâm cao cỗ đầy như thế nào, vàng mã bao nhiêu mà là ở vị trí đặt bàn thờ, cách sắp xếp bàn thờ ra sao cho phù hợp, trang nghiêm và sạch sẽ.
Quan niệm phong thủy thì cho rằng, bàn thờ là nơi linh khí quy tụ, là chỗ để người trên dương thế liên hệ với người đã khuất, người chết thì thành thần, thần lại là trung gian giữa trời với người. Từ đó có thể thấy, khí trường của nó ảnh hưởng rất lớn đến người trong nhà.
Nếu nơi bàn thờ sắp đặt đúng cách thi khiến người đã khuất an định mà ở lại coi sóc phù hộ gia đình, nên bàn thờ cũng có những quy tắc nhất định, dưới đây là một số quan niệm của cổ nhân về cách bài trí bàn thờ và cách lau dọn bàn thờ. Bàn thờ nên quay ra cửa chính, không nên ngược với hướng nhà, gây âm dương tương phản, dễ gây bất trắc, nô bộc phản bội hoặc con cái không hiếu thuận, tài vận và gia vận bị ảnh hưởng.
Thông thường, bàn thờ thần phật đặt ở hướng chính hoặc quay bên trái, bên phải. Hướng tốt nhất của bàn thờ là đặt ở hướng may mắn và quay ra hướng may mắn của gia chủ, người xưa thường chọn hướng của cửa nhà là hướng như trên đã nói nên bàn thờ phải hướng ra cửa lớn của nhà. Bàn thờ tốt nhất nên đặt ở tầng một, gian chính giữa nhà, quay ra cửa lớn để khi vừa mở cửa vào đã nhìn thấy gia tiên, tiện bề chăm sóc.
Số lượng thần phật phải là số dương, do quan niệm “thác vẫn như còn” tức là đã mất mà vẫn như đang còn sống, vì vậy phải dùng số lẻ. Không nên thờ cùng lúc quá nhiều thần phật, hoặc thờ cùng lúc hai thần xung khắc nhau, dễ gây loạn linh khí khiến người trong nhà tinh thần bất an, dễ gặp tai họa, nếu có đặt tượng thần phật mà tượng ấy lại bị nứt thì nhanh chóng thay mới do tà khí xâm nhập vào.
Bàn thờ có thờ chung thần phật và bài vị tổ tiên thì thần phật đặt ở bên trái, tổ tiên đặt ở bên phải, nếu đặt ngược lại sẽ gây âm thịnh dương suy không tốt cho phong thủy, trong nhà dễ gặp thị phi kiện tụng, bệnh tật không dứt.
Thông thường người ta đặt nơi thờ cúng tổ tiên trước rồi mới đến thần phật. Tổ tiên được coi là chủ, thần phật được coi là khách quý, nếu mời thần phật trước rồi mới mời tổ tiên, người xưa cho rằng như vậy khiến tổ tiên nhà mình không dám vào cửa.
Bài vị tổ tiên cũng không được đặt cao hơn của thần phật. Bàn thờ phải có chỗ dựa lưng, tức kê sát vách tường, nếu có 3 mặt tường là tốt nhất do linh khí được hội tụ không bị tản mát.
(Đón đọc kỳ tới: Vị trí đặt ban thờ thế nào là hợp phong thủy?)