Trăm cảnh ngộ, ngàn nỗi lo
“Gà trống nuôi con” tại một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, một sớm mai thức dậy, anh Nguyễn Văn Long (40 tuổi) thấy cậu con trai 13 tuổi có vẻ bồn chồn lo lắng khác lạ. Gặng hỏi mãi cháu mới kể lại giấc mơ “đáng sợ” của mình đêm qua. Nghe qua câu chuyện, anh hiểu ngay tình trạng của con mình bởi đó cũng là câu chuyện anh đã từng gặp phải khi bước vào tuổi dậy thì.
Thực ra cậu bé bị chứng mộng tinh, một trong những biểu hiện của tuổi mới lớn, nhưng anh không biết làm cách nào để giải thích cho con hiểu về những biểu hiện đó. Trong khi đó cậu bé vô cùng lo lắng và nằng nặc đòi bố đưa khi bác sỹ vì nghĩ mình bị bệnh…
Chị Hoàng Hà ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thì lại gặp phải tình huống khác. Số là, cô con gái rượu của chị vừa bước vào tuổi 18 nhưng khác với vẻ “yểu điệu thục nữ” của các cô gái, dạo này con gái chị lại có vẻ thích thú với những bộ đồ hơi nam tính và những đôi giày “hầm hố” khác thường. Khi được hỏi thì cô trả lời đó là mốt bắt chước dân đồng tính. Chị thắc mắc không hiểu đó là mốt gì, và lo sợ con sẽ bị lệch lạc giới tính nếu vẫn tiếp tục giữ sở thích và thói quen đó…
Đọc báo, xem ti vi thấy nhan nhản thông tin về các vụ xâm hại tình dục vị thành niên, hiếp dâm trẻ em…, chị Lê Thùy Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không tránh khỏi hoang mang khi bé gái 5 tuổi con chị thường xuyên sang nhà mấy chú sinh viên thuê trọ gần nhà chơi. Mặc dù chị đã cấm đoán và nạt nộ con rất nhiều lần nhưng cứ lơ là một chút là cháu lại tót sang nhà hàng xóm. Nói với con thế nào về chuyện này và có nên lo lắng thái quá như vậy không là nỗi ám ảnh và hoài nghi của chị.
Không chỉ lo lắng, hoang mang, chị Nguyễn Mai Lan (ở Đống Đa, Hà Nội) còn vô cùng buồn chán và thất vọng khi phát hiện cô con gái mới 16 tuổi của mình có thai và lén lút đi phá thai tại một phòng khám tư nhân. “Thực sự, tôi cảm thấy thất vọng khi con mình đổ đốn như thế. Tôi không biết làm gì để nó đừng buông thả như thế nữa”, chị buồn bã chia sẻ.
Nên “vẽ đường” để “hươu chạy” đúng
Nỗi lo lắng của các bậc làm cha, làm mẹ nêu trên cũng là băn khoăn của hầu hết các phụ huynh hiện nay. Để dự phòng mọi hậu quả không mong muốn có thể xảy ra với con cái trong tình thế không phải lúc nào cũng có thể theo sát con cả ngày, nhiều ông bố, bà mẹ đã chọn giải pháp giảng giải ngọn ngành mọi khúc mắc về vấn đề giới tính cho các con ngay từ lúc chúng còn rất nhỏ. Có nên “vẽ đường” cho “hươu chạy” hiện nay vẫn là vấn đề đang gây tranh cãi.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Bàn về chuyện này, các chuyên gia y tế và tâm lý học cho rằng, không nên lẩn tránh thực tế đó và đã đến lúc, chúng ta phải “vẽ đường” để “hươu chạy” đúng đường. Cụ thể, với tình huống của anh Nguyễn Văn Long (ở Sơn La), bác sỹ Nguyễn Hoài Bắc (khoa Nam học, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, đây là một hoạt động bản năng, phù hợp với lứa tuổi sinh lý của các cháu. Vì thế, các phụ huynh nên tiếp cận một cách cởi mở, khoa học. Trong trường hợp này nên hiểu và chia sẻ với con.
Đối với trường hợp khó xử của chị Hoàng Hà, TS.Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học đưa ra lời khuyên: “Cháu đã 18 tuổi, chị có thể nói với con như hai người phụ nữ với nhau. Cụ thể, nên nói cho con biết rằng người đồng tính cũng là người bình thường và việc ăn mặc giống như người đồng tính chính là hành vi xúc phạm họ, nếu cho rằng họ không bình thường…”.
Để giải bài toán nan giải của phụ huynh Mai Lan, Hà Nội, theo TS. Vũ Thu Hương, chị Lan cần phải thay đổi quan niệm vì những cái cháu làm ở lứa tuổi này là nhu cầu bình thường của các cháu. Nhưng do không được dạy đầy đủ về giới tính khiến cháu mang thai ngoài ý muốn, đây là điều đáng tiếc. Trong trường hợp này, chị Lan nên gần gũi và chia sẻ với con nhiều hơn, nên nói cho con hiểu về những giá trị của bản thân, khi các cháu yêu nhau cần giáo dục trẻ lựa chọn, chủ động trong các mối quan hệ, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và người khác; cũng không nên khẳng định con “đổ đốn”, điều này sẽ khiến cháu phá phách và chán nản hơn…