Tăng đột biến kéo theo nhiều chi phí
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có gần 105 nghìn học sinh (HS) học lớp 9, tăng 22.000 HS so với năm học trước. Sở GD-ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu cho 112 trường THPT công lập tuyển mới 64.990 HS, chiếm tỷ lệ 62%, tăng 12.330 HS so với năm học trước; giao chỉ tiêu cho 8 trường THPT công lập tự chủ tuyển mới 2.790 HS, chiếm tỷ lệ 2,7%, tăng 730 HS; giao chỉ tiêu cho 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tuyển mới 8.050 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%, tăng 1.770 HS. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT ngoài công lập năm học 2018 - 2019 cũng tăng hơn 10 ngàn HS; số HS hoàn thành chương trình THCS dự kiến tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề năm học 2018 - 2019 chiếm tỷ lệ khoảng 6,0%, tương đương 6.350 HS.
Hiện nhiều trường học bậc trung học cơ sở ở khắp nơi đều mở lớp ôn tập tại trường. Học sinh chủ yếu được đầu tư 3 môn thi trọng điểm Toán, Văn, Anh văn. Thông thường, lịch học của một học sinh lớp 9 từ sau học kì 1, học sinh sẽ học miệt mài từ sáng đến khuya. Sáng học bình thường trên trường, chiều đi học ôn, tối về học tại nhà giáo viên đã từng ôn được nhiều thí sinh điểm cao năm trước. Mỗi môn học tuần 2 buổi, ba môn phải học kín tuần.
Ngoài học ngay tại trường, nhiều em để chắc ăn còn tìm đến địa chỉ những thầy cô dạy có tiếng để xin học. Và do lớp quá tải đồng nghĩa với giáo viên có cơ hội tăng giá. Có giáo viên ra giá một cua dạy (khoảng 10 em) phải đảm bảo 3 triệu đồng mới nhận. Có giáo viên lấy 200 nghìn đồng/buổi, học buổi nào trả tiền buổi ấy. Có gia đình khá giả họ chấp nhận cho con theo học thời gian dài. Gia đình khó khăn thường để gần đến thời điểm thi mới cho con học tăng tốc để đỡ mất một khoản tiền.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Đại nhấn mạnh, những năm trước thi vào lớp 10 THPT chỉ hơn 80.000 HS, năm nay tăng đột biến, hơn 104.000 (tăng 22.000 HS). Các trường NCL, tự chủ tài chính phải có kế hoạch để xét tuyển, tuyệt đối không được tổ chức kỳ thi riêng, bởi đã có kỳ thi chung, có kết quả học bạ, đủ điều kiện để xét tuyển.
Lứa học sinh cuối được cộng điểm nghề
Từ kỳ tuyển sinh năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT cho phép các trường THPT công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập mở rộng cửa hơn để đón học sinh. Theo đó, các trường có thể lựa chọn phương thức tuyển sinh bằng một trong hai cách: tuyển sinh bằng kết quả của kỳ thi chung hoặc căn cứ theo kết quả học tập trên học bạ của học sinh ở cấp trung học cơ sở. Vì vậy, học sinh không phải tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vẫn có cơ hội học tập tại các trường này.
Bà Phạm Thu Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT cho hay: Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019, chỉ có học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức mới được cộng điểm. Mức điểm cộng cao nhất cho học sinh có chứng nhận nghề loại giỏi là 1,5 điểm. Đây là lứa học sinh cuối cùng được hưởng chế độ này.
Theo ông Phạm Văn Đại, các trường phải báo cáo Sở GD-ĐT kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019, hạn cuối vào ngày 15/5/2018. Ngoài hai phương thức tuyển sinh nêu trên, các trường không được tổ chức thi tuyển hay sử dụng bất cứ một phương thức nào khác để tuyển sinh. Bên cạnh đó, năm học 2018-2019, Hà Nội sẽ mở rộng việc thí điểm Chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (Chứng chỉ A-level) tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thay vì chỉ có tại Trường THPT Chu Văn An như hiện tại.