Lời khai mâu thuẫn
Không phải khi TAND Tối cao có kháng nghị, trước đó, tại diễn biến trong phiên tòa phúc thẩm (ngày 21/3/2014), luật sư bào chữa cho anh Trần Minh Tư đã từng có luận điểm tranh tụng về một số những điểm mờ trong vụ án còn chưa được làm rõ nhưng HĐXX đã “bỏ qua” và vẫn giữ nguyên phán quyết tuyên phạt y án như cấp sơ thẩm.
Cụ thể, về phần anh Tư, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, bị cáo không thừa nhận thương tích ở vùng ngực, vùng cằm người bị hại là do bị cáo gây ra. Anh Tư chỉ thừa nhận có ném đá, còn thương tích ở vùng ngực, hàm mặt không thực hiện được do đã có người can ngăn giằng lại hung khí.
Bản thân anh Quang là người bị hại cũng khai báo không thống nhất, có lúc khai bị ném đá vào đầu bị ngất, không biết sự việc xảy ra tiếp theo, chỉ nghe gia đình kể lại việc bị cáo dùng cán xẻng chọc vào người gây thương tích, có lúc lại khai bị ném đá vào đầu, sau đó bị anh Tư chọc cán xẻng vào người bị ngất đi.
Lời khai của những người làm chứng là ông Thăng Văn Chân (bố đẻ bị hại) Thăng văn Tư, Thăng Quang Vinh (đều là anh, em ruột của bị hại) khai anh Tư dùng xẻng chọc 2 -3 nhát vào trúng người bị hại.
Tuy nhiên, người làm chứng là anh Thăng Minh Đăng (hàng xóm) chứng kiến anh Tư dùng xẻng chọc vào người bị hại khoảng 3 nhát nhưng không trúng vì bị ông Chân ngăn cản, xô đẩy.Lời khai này của anh Đăng hoàn toàn trùng khớp với lời khai của anh Tư.
Như vậy, lời khai của người làm chứng cùng 1 vấn đề còn nhiều mâu thuẫn với nhau nhưng chưa được Cơ quan điều tra tiến hành đối chất theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Tố tụng Hình sự.Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt người làm chứng là Thăng Minh Đăng; Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập anh Đăng tham gia phiên tòa để đối chất làm rõ là chưa đúng.
Hồ sơ “đá” nhau
Mấu chốt của vụ án nằm ở việc chứng minh cơ chế, diễn biến gây thương tích gãy xương hàm(chiếm45/46%) tổn hại sức khỏe cho anh Thăng Minh Quang làm căn cứ buộc tội. Trong quá trình điều tra và xét xử anh Tư không thừa nhận gây ra vết thương này, còn cơ quan điều tracũng chưa đưa ra được tài liệu chứng minh làm rõ, thậm chí có dấu hiệu sử dụng tài liệu giả?
Thứ nhất, vết thương gãy xương hàm vùng cằm, sau 19 ngày xảy ra sự việc (ngày 3/7/2016)anh Quang mới được cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc. Đây là vết thương cấp tính nên dấu hiệu sẽ bị lộ ngay khi bịgãy. Mà trước đó, trong quá trình điều trị ban đầu tại Trạm y tế xã Ninh Lai, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang và Bệnh viện Công an Tuyên Quang đều không thể hiện điều này.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang, quá trình khám bác sỹ chuẩn đoán anh Quang bị chấn động não, điều trị 7 ngày và xuất viện trong tình trạng ổn định.Tại tờ diễn biến điều trị ngày 14/6 - 17/6/2013, thể hiện: “Hàm trái nề nhẹ”; “Bệnh nhân tiếp xúc tốt”. Phiếu kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não thể hiện: “Hiện tại chưa thấy tổn thương nội sọ và xương sọ trên phim chụp”.
Tại hồ sơ bệnh án Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang cho thấy anh Quang không có thương tích nào khác ngoài vết bầm tím ở vùng chẩm và có dấu hiệu chấn động não. Về khám răng, hàm, mặt qua thăm khám sơ bộ chưa phát hiện bệnh lý. Anh Quang nằm điều trị theo dõi chấn động não 8 ngày và cho xuất viện về khi “Bệnh nhân đã khỏi bệnh”, không có tài liệu điều trị vùng hàm, mặt.
Trong hồ sơ bệnh án điều trị ở 2 bệnh viện trên đều thể hiện anh Quang luôn tỉnh táo, khả năng giao tiếp tốt và ăn uống bình thường, nhập viện điều trị chấn thương sọ não.
Mặt khác, trong hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra đã không thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu chứng minh anh Quang bị gãy xương hàm dưới để đủ căn cứ chứng minh.
“Phim chụp X - Quang; CT - Scaner… y chứng điều trị; biên bản phẫu thuật mà chỉ có giấy vào viện ra viện. Phiếu kết quả chụp CT, phim chụp, biên bản hội chẩn đều là bản phô tô không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, do vậy tài liệu này không phải là chứng cứ của vụ án”, kháng nghị của TAND Tối Caonếu rõ.
Đồng thời, trong quá trình điều tra,cơ quan công an vẫn chưa làm rõ thương tích gãy xương hàm dưới của anh Quang xảy ra vào thời điểm nào? Vì vậy, chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận thương tích gãy xương hàm dưới của anh Quang là do Trần Minh Tư gây ra.
Thứ hai,các bệnh án của anh Thăng Minh Quang và kết luận giám định có sự khác nhau về thương tích trật thái dương.
Cụ thể, tại kết luận giám định thể hiện, anh Quang bị trật khớp thái dương hàm trái, sai khớp cắn; không há được miệng, không ăn nhai được.
Nhưng tại tất cả các bệnh án điều trị cho thấy anh Quang nhập viện tỉnh táo, giao tiếp tốt, quá trình điều trị vẫn ăn cơm; kết quả chụp CT mặt cho thấy anh Quang không bị trật khớp thái dương hàm trái, không thấy di lệch bất thường…
Còn nữa...
Tóm tắt vụ án:
- Ngày 14/6/2013, anh Trần Minh Tư (SN 1976, ngụ thôn Cây Đa 1, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) gây thương tích cho anh Thăng Minh Quang (SN 1975, ngụ thôn Hoàng La 1, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương).
- Ngày 14/6 - 28/6/2013, anh Quang điều trị theo dõi chấn động não Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang và Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang.
- Ngày 3/7/2013, sau 19 ngày xảy ra thương tích, anh Quang cấp cứu nhập viện Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc điều trị gãy xương hàm dưới.
- Ngày 12/8/2013, kết luận giám định thương tật anh Quang tổn hại 46% sức khỏe.
- Tại 2 cấp tòa sơ thẩm (26/12/2013), phúc thẩm (21/4/2014), anh Tư bị tuyên phạt 6 năm tù giam về tội: “Cố ý gây thương tích”.
- Ngày 12/5/2015, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội quyết định (số 12/2015/HS-GĐT) hủy bản án hình sự phúc thẩm (số 15/2014/HSPT ngày 21/3/2014), của TAND tỉnh Tuyên Quang và bản án sơ thẩm (số 140/2013/HSST ngày 26/12/2013), của TAND huyện Sơn Dương.
- Ngày 23/2/2016, VKSND huyện Sơn Dương đã có quyết định (QĐ 07/QĐ-KSĐT) thay đổi biện pháp ngăn chặn trả tự do cho anh Tư nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
- Ngày 20/1/2017, Công an huyện Sơn Dương ra quyết định tạm đình chỉ vụ án lần 2 với căn cứ: “Đã hết thời hạn điều tra vụ án hình sự nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can”.