Ẩu đả vì chuyện học hành của con
Sáng ngày 22/3, TAND tỉnh Long An đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ “cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Trần Minh Đức (SN 1981, ngụ ấp 3, xã Bình Tâm, TP. Tân An) và trả hồ sơ điều tra, xét xử lại. Ngoài ra, Tòa còn kiến nghị làm rõ trách nhiệm của điều tra viên và một cựu công an tên Thủ (điều tra viên Công an tỉnh Long An) về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Như XLPL đã phản ánh, bản án sơ thẩm cho rằng khoảng 7h30 ngày 19/9/2015, tại trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường 1, TP Tân An) tổ chức họp phụ huynh lớp 4/8. Đang họp thì ông Phong (là bố học sinh Minh Thiện) đi vào và xin phép thầy giáo chủ nhiệm cho gặp vợ bị cáo Đức (mẹ học sinh Trần Nguyễn Thu Ngân) để nói chuyện.
Ông Phong dùng lời lẽ thô tục để chửi vợ ông Đức và có hành vi đập tay lên bàn nhằm hù dọa. Thấy vậy, thầy giáo yêu cầu 2 phụ huynh ra ngoài. Ông Phong tiếp tục quay lại chửi mắng vợ bị cáo Đức ở vị trí ngoài hành lang lớp học. Khi đó Đức từ ngoài cổng chạy vào cầm nón bảo hiểm đánh một cái hướng ngang từ sau ra trước, từ phải qua trái trúng vào vùng mặt làm ông Phong té ngã bật ra phía sau. Tư thế té là mông chạm đất, 2 tay chống ra sau, đầu và mặt ngửa lên, có chảy máu.
Ông Phong được mọi người kéo đứng dậy. Đức tiếp tục tấn công nên ông Phong lùi lại khoảng 10m. Đức bỏ ra cổng trường và lên xe máy bỏ đi, ông Phong chạy xe rượt theo rồi dừng lại. Đức chạy vào một quán nước nhặt hai vỏ chai định quay ra đánh nhau. Đúng lúc này công an phường đến.
Bị cáo Đức cho rằng mình chỉ xô ngã chứ không cầm nón tấn công ông Phong |
Giám định thương tích ngày 23/10/2015 của trung tâm giám định pháp y tỉnh Long An kết luận ông Phong bị 1 vết thương sống mũi phải kích thước 1.5cm x 0.3 cm làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Kết quả Xquang là gãy xương mũi chính. Tỷ lệ thương tích là 14%.
Đức bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích và bị bắt tạm giam từ ngày 5/1/2016 cho đến nay. Đối với ông Phong, ngày 11/1/2016, công an TP Tân An ra quyết định xử phạt hành chính về tội gây rối trật tự công cộng và hành vi làm nhục người khác. Cấp sơ thẩm tuyên phạt Đức 16 tháng tù giam và bồi thường cho ông Phong hơn 4 triệu đồng.
Viên cảnh sát “bí ẩn”
Không đồng ý với bản án, Đức kháng cáo kêu oan. Tại phiên phúc thẩm, Đức cho rằng mình không dùng nón bảo hiểm đánh mà chỉ xô ông Phong ngã khi thấy ông Phong giơ nón bảo hiểm lên đòi đánh vợ mình. Về tang vật là nón bảo hiểm màu xám. Đức cho rằng mình chưa từng có nón bảo hiểm màu xám. Hôm xảy ra vụ việc, nón vẫn còn để trong cốp xe máy.
Đức khai: “Điều tra viên yêu cầu tôi phải giao nộp nón bảo hiểm màu xám. Về nhà tìm không có, tôi và vợ lên Sài Gòn mua một chiếc nón khác để giao nộp. Điều tra viên đồng ý. Nhưng sau đó họ lại khám xét, lục soát nhà bị cáo, thu thêm 3 nón bảo hiểm khác”. Tuy nhiên, cả 4 nón bảo hiểm này đều xác định không phải là nón mà Đức dùng để đánh ông Phong.
Phiên tòa có tới 11 luật sư bào chữa cho bị cáo Đức. Các luật sư đều cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai.
HĐXX đã hỏi rất chi tiết về sự việc và bất ngờ xảy ra khi hỏi về một người tên Thủ trong vụ án. Theo bị cáo: “Vụ đánh nhau xảy ra, ông Thủ là người đã đưa ông Phong đi bệnh viện. Mấy ngày sau, biết ông Phong nằm viện, vợ chồng tôi đến gặp và có ý hỗ trợ 15 triệu đồng tiền thuốc men. Tuy nhiên, ông Phong không đồng ý và đòi 100 triệu đồng”.
Đức khai trong nhiều lần gặp nhau để thương lượng hỗ trợ thuốc men, ông Thủ đều đi chung với ông Phong. “Mặc dù ông Thủ không đề cập đến chuyện tiền bạc nhưng luôn là người hù dọa nhằm buộc tôi đáp ứng yêu cầu của ông Phong. Sau vài ngày xảy ra sự việc, dù chưa hề đi giám định pháp y nhưng ông Phong nói là thương tích 14%, nếu không đưa đủ 100 triệu sẽ viết đơn yêu cầu khởi tố.
Cháu Ngân khóc, cho rằng do mình mà ba mới ở tù |
Còn nếu đưa tiền thì sẽ không có chuyện gì. Tất cả những lời hù dọa, những cuộc trò chuyện đều được tôi ghi âm lại. Sau đó, tôi tố cáo chuyện này đến cơ quan chức năng nhưng không thấy ai trả lời”, bị cáo Đức nói.
Ông Thủ là ai? Theo tìm hiểu, ông Thủ là một điều tra viên của công an tỉnh Long An và được cho là người quen với ông Phong. Sau khi có đơn tố cáo của gia đình ông Đức về những hành vi nói trên, ông Thủ bị mời làm việc. Tuy nhiên, sau khi làm việc với công an tỉnh vào buổi sáng, buổi chiều hôm ấy ông Thủ đã có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi và được chấp nhận.
Dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ
Trong phiên phúc thẩm, ở phần tranh luận, VKS đưa ra nhiều vi phạm về tố tụng, về những tình tiết chưa được làm rõ nhưng cấp sơ thẩm vẫn tuyên án, từ đó đề nghị hủy án, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại từ đầu.
Các luật sư bào chữa cũng cho rằng cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng, chứng cứ, hồ sơ vụ án không thể kết tội nên đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đức không phạm tội, trả tự do ngay tại tòa. Việc vi phạm tố tụng, hồ sơ có dấu hiệu bị làm sai lệch được các luật sư đưa ra dẫn chứng:
“Trong 12 nhân chứng là phụ huynh học sinh có mặt tại hôm xảy ra xô xát đều có bản khai hoàn toàn giống nhau đến từng từ ngữ, từng chi tiết như kiểu “chép và dán” lại với nhau. Sau đó những bản khai khác thì lại mâu thuẫn và ngay tại phiên sơ thẩm lại cho rằng “mình không nhìn thấy đánh nhau””.
Ngay cả thầy giáo chủ nhiệm, thời gian đầu, đều khai Đức không dùng nón bảo hiểm đánh ông Phong, nhưng sau đó lại khai không nhìn thấy. Và thầy giáo tự viết đơn, viết thư bày tỏ với gia đình Đức là do bị áp lực, không thể làm khác được.
Các luật sư cho rằng cần phải làm rõ động cơ, mục đích và có hay không chuyện điều tra viên làm sai lệch hồ sơ. Ngoài ra, có việc can thiệp vào quá trình điều tra vụ án hay không của ông Thủ?
HĐXX cũng đề nghị VKS cho ý kiến về kiến nghị của luật sư với điều tra viên và ông Thủ. Tuy nhiên, VKS cho rằng hai người này không thuộc thẩm quyền của mình nên “trong quá trình nghị án, nếu HĐXX xác định có căn cứ thì kiến nghị ngay trong bản án để có các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc”.
Các luật sư chia sẻ nỗi niềm với vợ bị cáo sau khi bản án sơ thẩm bị tuyên hủy |
Sau khi nghị án 1 ngày, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra xét xử lại từ đầu. Đồng thời Tòa kiến nghị Cục điều tra của VKS tối cao và Cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ trách nhiệm của điều tra viên và ông Thủ trong việc có hay không làm sai lệch hồ sơ vụ án này.
Nỗi niềm đứa trẻ:
Sau khi án được tuyên, vợ bị cáo cho biết khá vui mừng vì những lời khai báo của chồng mình được tòa án quan tâm, xem xét. Tuy nhiên, điều mà bà mong muốn nhất là chồng được tại ngoại lại chưa thành.
“Chông gai lắm. Đôi lúc tôi chợt nghĩ: “Sao lúc trước mình không đưa cho ông Phong 100 triệu đi để chồng khỏi tù”. Nhưng lại thấy cái cảnh anh ấy cứng rắn, không nản lòng khi kêu oan, tôi tin chúng tôi đã làm đúng”, vợ bị cáo chia sẻ.
Sau khi ông Đức bị tạm giam, do gia đình khó khăn, đứa con lớn mới học lớp 11 đã phải bỏ học đi làm phụ giúp gia đình. Người vợ chạy khắp nơi kêu oan cho chồng, vừa phải lo chạy kiếm tiền nuôi con. Ở phiên tòa, người vợ khóc khi HĐXX hỏi vì “chỉ mong chồng được ra ngoài chứ một mình, thân đàn bà không thể gánh nổi gia đình”.
Còn cháu bé con ông Đức nói: “Con ước gì mình là Đoremon, có phép dịch chuyển thời gian. Lúc đó, con quay ngược thời gian lại để không làm lớp trưởng nữa, không kiểm tra bài vở các bạn thì con và bạn không mâu thuẫn, ba con sẽ không phải ở tù”. Cháu vẫn thường tự trách vì mình mà ba mới bị tù. Theo người mẹ, từ ngày chi bị tù, cháu bé học hành sa sút.
Về vụ án này, nhiều lần họp Hội đồng nhân dân tỉnh Long An đều nhắc đến, Ban Nội chính Tỉnh ủy cũng từng lên tiếng, yêu cầu làm rõ.