Ông Kiệp là nhân viên bảo vệ của Cty Thăng Long từ ngày 28/2/2016, với số thẻ nhân viên 7402. Theo ông Kiệp, Cty không hề ký hợp đồng lao động với ông. Vì thế ông Kiệp không có những quyền lợi như được đóng bảo hiểm hoặc phúc lợi xã hội khác.
“Sau khi vào công ty, tôi được phân công nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu ở một công ty tại khu công nghiệp Sóng thần 2 (thuộc Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tôi được Cty cấp lương hàng tháng vào ngày 24. Ngoài ra, Cty còn giam lại 20 ngày lương. Trong suốt quá trình làm việc, tôi luôn tuân thủ các quy định của Cty về giờ giấc, nguyên tắc và hoàn thành tốt công việc được giao. Mỗi tháng, tổng số tiền tôi nhận được khoản 4,3 triệu đồng”, ông Kiệp kể.
Theo lời ông Kiệp, không hiểu tại sao, vào khoảng 22h30 ngày 22/01, ông đến Cty để chuẩn bị vào ca trực lúc 23h như thường lệ theo yêu cầu của ca trưởng. Đến 23h, ông Kiệp vào ca trực thì một ca trưởng khác nói với ông rằng đội trưởng yêu cầu ông ra về.
Ông Kiệp kể: “Tôi không chịu ra về vì ca trực này tôi chịu trách nhiệm. Nếu tôi về, có chuyện gì xảy ra thì ai chịu trách nhiệm. Tôi và ca trưởng giằng co một lúc về chuyện này thì xuất hiện một người. Người này tôi được biết là “giang hồ” đến nói với tôi nếu không về sẽ bị đánh. Tôi buộc phải làm theo. Trước khi ra về, tôi hỏi ca trưởng nghỉ việc thế này có ảnh hưởng đến tiền lương tháng 12 (của năm 2016) hay không. Ca trưởng cho biết là không sao. Tôi gọi cho ca trưởng đã phân công nhiệm vụ cho tôi thì người này bảo cứ về đi”.
Sau sự việc ngày 22/1, ông Kiệp cho biết Cty không cho ông đi làm. Và đến ngày 24/1, ông Kiệp yêu cầu thanh toán lương tháng 12 (của năm 2016) nhưng phía Cty không chấp nhận. “Phía Cty bắt tôi phải viết tường trình nhưng tôi không đồng ý vì họ tự ý cho tôi nghỉ việc, không hề lý do”.
Ngày 14/2, ông Kiệp nộp đơn đến Phòng Lao động – Thương binh, xã hội quận Thủ Đức nhờ giải quyết. Phía Phòng có liên hệ và Cty hứa đến ngày 17/2 sẽ giải quyết dứt điểm. Ông Kiệp được hướng dẫn đến Cty để nhận lương. Tuy nhiên, khi ông Kiệp đến thì mọi chuyện vẫn không được giải quyết.
Từ lúc này, cho rằng Cty cho mình nghỉ việc không đúng quy định, ông Kiệp còn yêu cầu bồi thường. Các khoản bao gồm: Tiền lương 73 ngày chỉ tính 2 tháng là 8,6 triệu đồng, tiền bồi thường những ngày không được đi làm là 2,8 triệu đồng, hai tháng lương do bị đuổi việc trái pháp luật là 8,6 triệu đồng, yêu cầu Cty nhận ông Kiệp lại làm việc, nếu không thì bồi thường thêm 2 tháng lương là 8,6 triệu đồng. “Quan trọng là số tiền lương 73 ngày tôi đã làm việc và phải được nhận. Đây là tiền mồ hôi, công sức thức hôm thức đêm của tôi, không thể bỏ được”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tiếp tự xưng là người của phòng nhân sự (theo ông Kiệp, ông Tiếp chính là giám đốc Cty): “Trường hợp ông Kiệp, không phải chúng tôi đuổi việc mà là ông ấy tự nghỉ. Tôi được cấp dưới báo cáo lại là ngày 22/1, ông Kiệp đến làm việc trong tình trạng có men rượu. Được phân công bảo vệ mục tiêu mà có men rượu thì làm sao đảm bảo được sự an toàn. Nếu xảy ra mất mát tài sản của nơi được bảo vệ thì làm sao. Vì thế, anh em mới lập biên bản và cho ông Kiệp về nhà”.
Ông Tiếp cho rằng phía Cty Thăng Long có ký hợp đồng thử việc, có ký hợp đồng làm việc thời hạn 1 năm và nộp bảo hiểm, các chính sách theo đúng quy định cho ông Kiệp.
“Việc chúng tôi yêu cầu ông Kiệp viết tường trình là muốn đối chiếu với báo cáo của cấp dưới để xem ai đúng ai sai mà có hướng xử lý. Cty đang rất cần người nên không hề có chuyện đuổi việc. Nếu lỗi vi phạm của ông Kiệp là có thật thì sẽ đưa ra hình thức kỷ luật, nếu không có lỗi mà cấp dưới của tôi báo cáo sai thì tôi sẽ xử lý. Tuy nhiên, ông Kiệp không hợp tác, không chịu viết bản tường trình” ông Tiếp nói.
Về phía, Phòng Lao động – Thương binh xã hội quận Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Thì, Phó trưởng phòng phụ trách lao động việc làm cho biết: “Trường hợp của ông Kiệp, các chuyên viên của Phòng đã nhận được đơn và có hướng dẫn đơn từ, thủ tục. Mọi sai phạm của Cty nếu có sẽ được chúng tôi kiến nghị thanh tra và xử lý”.