Mỗi năm mở 1 con đường
Trong hồi ức của người dân hai xã Cư Kty và Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), ngày xưa Krông Ana là một con sông hiền hòa, với hệ sinh thái đa dạng. Hai bên bờ sông có nhiều cây cối che chắn, chim muông ca hót. Dưới lòng sông, tôm cá nhiều vô kể.
Những năm gần đây, vì tình trạng khai thác cát diễn ra ồ ạt, không có kiểm soát nên hệ sinh thái nói trên đã biến mất. Thay vào đó là tình trạng sạt lở trầm trọng khiến bà con nơi đây năm nào cũng phải mất đất sản xuất.
Người mất ít đã đành, có người còn mất trắng phần đất duy nhất mà cha mẹ chia cho để làm kế sinh nhai. Thế nhưng, họ chẳng biết kêu ai, kiện ai.
Ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1962, xã Cư Kty) cho biết: “Ngày xưa sông Krông Ana bên lở bên bồi, bờ sông thoai thoải, có vành đai, bờ sông đường hoàng. Thế nhưng, bây giờ sông bên nào cũng sạt lở, lòng sông càng ngày càng lấn sâu vào đất sản xuất của bà con.
Vì quá nhiều tàu thuyền khai thác cát nên giờ bờ sông dựng đứng như vách núi, có nơi sạt lở sâu tới 10m. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã phản ánh với chính quyền nhưng tình trạng trên vẫn tiếp tục tiếp diễn”.
Cũng vì sạt lở, càng ngày càng lấn vào cánh đồng nên mỗi năm, bà con tại xã Cư Kty phải mở một con đường nhỏ để vận chuyển nông sản. “Nếu năm nay chúng tôi mở đường sát bờ sông, năm sau lại phải mở thêm đường khác vì sông “nuốt” mất. Hiện tại, sông đã rộng gấp mấy lần ngày xưa, có đoạn sông sạt lở gần 30m, lấn sâu vào đất sản xuất”, ông Dũng cho hay.
Không ít hộ dân lâm vào cảnh dở khóc dở mếu. Như trường hợp anh Dương Văn Long (SN 1986, xã Cư Kty), xuất thân từ một gia đình nông dân, đến khi lấy vợ, được cha mẹ chia cho 2 sào đất thuộc cánh đồng số 8 (thôn 2, cùng xã) làm kế sinh nhai.
Toàn bộ số đất ấy anh đều trồng mía, mỗi năm thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nhưng cũng giúp gia đình trang trải được chút tiền mua gạo, mua áo mới cho con. Thế nhưng, từ năm 2014 số đất trên của anh đã bị sông “nuốt” sạch. Từ đó đến nay, vợ chồng anh chỉ biết làm thuê làm mướn khắp nơi.
Anh Long chia sẻ: “Vào mùa hạn, tàu thuyền hút cát ít hoạt động vì nước cạn. Thế nhưng mưa nước lớn thì thuyền hút cát đi lại như bươm bướm bay. Mất đất, ai cũng xót nhưng chúng tôi chẳng biết kiện ai, bắt ai chịu trách nhiệm”.
Tương tự, anh Phan Văn Sự (SN 1975, xã Cư Kty) cho biết, mấy năm trước, anh vay mượn mua được 1ha đất trên địa bàn thôn 2 để trồng mía. Nay anh đã mất trắng 4 sào do sạt lở. “Biết là đất sạt lở do tình trạng khai thác cát nhưng chúng tôi thấp cổ bé họng, không làm gì được. Đôi lúc đến mùa thu hoạch, thấy mía, mì sạt xuống sông, bà con xót của nên bất chấp nguy hiểm, chèo thuyền hoặc lội xuống vớt”, anh Sự nói.
“Cát tặc” thường hút ở những điểm sạt lở bởi ở đó cát nhiều. Người dân không muốn mất đất do sạt lở thì phải ra canh chừng, xua đuổi. Thế nhưng, khi bà con quay lưng đi, tàu cát lại chạy tới nổ máy hút lén. “Nếu giữ ban ngày thì họ hút ban đêm hoặc lúc tờ mờ sáng. Chúng tôi trăm công ngàn việc, đâu thể lúc nào cũng ra canh đất được. Bởi vậy, suốt 10km sông chạy qua địa bàn xã, không chỗ nào không bị sạt lở”, một người cho biết.
Bờ sông đã sạt lở nghiêm trọng, gây ra những dốc cao nguy hiểm |
Chính quyền cũng…ngao ngán
Bên cạnh việc khai thác cát, tình trạng xăm gỗ, khai thác gỗ bị vùi dưới lòng và trên bờ sông cũng là nguyên nhân góp phần gây sạt lở đất. Theo quan sát của PV, chỉ một đoạn bên bờ sông có hàng chục lỗ bị đào sâu, lấn vào lòng đất. Bên cạnh đó, có vài người đàn ông đang cưa, đào và vận chuyển gỗ lấy được chất lên thuyền.
Đem vấn đề sạt lở đất trên địa bàn trao đổi với ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Cư Kty, được biết nghề khai thác cát đã hình thành và phát triển từ rất lâu.
“Ngày xưa bà con làm thủ công, khai thác với tần suất ít nên không ảnh hưởng tới hệ sinh thái của sông. Gần đây, trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã khai thác cát Đoàn Kết hoạt động với quy mô lớn. Dù chưa được cấp phép nhưng một số xã viên tại đây vẫn ngang nhiên khai thác cát. Khai thác cát là cần câu cơm của một số bà con.
Hơn thế, thẩm quyền của xã cũng có giới hạn nên chúng tôi chủ yếu nhắc nhở, vận động chứ chưa xử lý được. Hiện tại địa phương đang giao Ban Địa chính thống kê toàn bộ diện tích đất sản xuất của bà con bị sạt lở để báo cáo lên cấp trên”, ông Minh trao đổi. Về vấn đề hỗ trợ những hộ dân bị mất đất sản xuất do sạt lở, ông Minh cho biết, phải cấp huyện trở lên mới giải quyết được.
Cũng theo ông Minh, một số xã viên trong HTX Đoàn Kết là người dân bên xã Khuê Ngọc Điền (cùng huyện Krông Bông). Xác nhận điều này, ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch xã Khuê Ngọc Điền cho biết, một phần vì khai thác cát ồ ạt, phần khác do thiên tai, lũ lụt nên dọc 11km bờ sông của xã cũng sạt lở nghiêm trọng.
Chính điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ thay đổi dòng chảy của sông và ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái. Đặc biệt là môi trường sinh sống của cá tôm trên sông. Ngoài ra, mạch nước ngầm và các túi nước ngày càng sâu khiến bà con thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.
Ông Phi nói: “Chúng tôi cũng rất đau đầu về tình trạng khai thác cát trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành từ tỉnh đến huyện. Phía xã cũng đang lập danh sách các hộ bị sạt lở đất sản xuất và số liệu cụ thể để báo cáo lên huyện”.
PLVN cũng đã liên hệ làm việc với Phòng TN&MT huyện Krông Bông. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cho biết lãnh đạo đang đi vắng, cán bộ phụ trách cũng không có mặt tại cơ quan nên chưa trả lời được.