“Ngay tối hôm đó vợ chồng đứa em sang chơi bảo tôi kí vào tờ giấy. Sau này mới biết nội dung ghi tôi giao toàn bộ nhà đất cho nó. Thực chất tôi chỉ đồng ý bán 33m2, những giấy tờ khác là lừa gạt, giả mạo chữ kí”, bà Bình ấm ức.
Khiếu kiện kéo dài
Trước cửa căn nhà cấp bốn ven đường Tùng Thiện (đoạn QL 21A qua thị xã Sơn Tây), bà lão 70 tuổi luôn túc trực mặc kệ khói bụi mịt mù. Một tay cầm nón phe phẩy quạt bụi, một tay che mũi, bà nói: “Phải trông chừng không họ tháo nhà cướp đất”.
Bà Bình là vợ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bà không có con, sống một mình lâu nay. Dẫn khách vào nhà người cháu gần đó mượn chỗ tiếp chuyện, cụ bà neo đơn vắn tắt về cuộc đời mình: “Vợ chồng tôi đám cưới năm 1956. Hai năm sau chồng ra chiến trường, tới năm 1969 thì gia đình nhận được giấy báo tử”. Trở thành góa phụ ở tuổi 33, bà Bình ở vậy thờ chồng.
Nhắc tới lí do phải túc trực ở căn nhà bụi bẩn, cụ bà kể: từ năm 1980, bà được chính quyền cấp cho thửa đất rộng 126m2 ở ven đường Tùng Thiện. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 2001 bà bán cho hàng xóm Ninh Hồng Tường 33m2 với giá 80 triệu đồng. “Lúc mua đất, ông Tường nói chỉ mua phần đất phía sau chứ không lấy mặt tiền. Hai bên mua bán bằng giấy viết tay đề ngày 7/12/2001, không hề có chứng thực của địa phương”, bà trình bày.
Năm 2002, sau một trận ốm, gia đình ông Tường sang thăm hỏi, nói với bà Bình muốn kết nghĩa chị em, hứa sẽ chăm sóc bà. Tối hôm đó, vợ chồng em kết nghĩa sang nhà chơi, đưa tờ giấy bảo bà Bình ký tên. Về sau bà mới biết đó là giấy cam kết có nội dung xin chính quyền xác nhận việc bán toàn bộ mảnh đất cho ông Tường.
Ngôi nhà cấp bốn và phần đất bà Bình khẳng định chưa hề chuyển nhượng. |
Trong tờ cam kết còn viết sau này khi nhà nước thu hồi đất thì gia đình ông Tường được nhận toàn bộ tiền bồi thường. Tuy nhiên cuối giấy cam kết này đề ngày “1/11/200” cũng không có xác nhận của chính quyền.
Bà Bình kể, thời điểm vợ chồng ông Tường đưa giấy để bà kí không có ai khác. Bản thân bà mù chữ, không biết nội dung tờ giấy mà nghĩ giấy tờ kết nghĩa chị em nên kí vào. Sau đó ông Tường cầm tờ giấy có chữ kí của bà Bình đưa cho em trai bà và một người hàng xóm kí vào mục “người làm chứng” nhằm mục đích hợp thức hóa.
Vài tháng sau, bà thấy con trai ông Tường ra đo đất lấn quá giới hạn mình bán nên thắc mắc. Người này trả lời đã mua hết đất của bà. Bấy giờ bà Bình nhờ cháu đọc hộ tờ giấy vợ chồng ông Tường bảo ký tên trước đó mới biết nội dung như trên.
Ngay sau đó, bà nhiều lần ra UBND xã (nay là UBND phường Trung Sơn Trầm) khiếu nại nhưng cán bộ địa chính chỉ hẹn và trả lời có bằng chứng bà Bình đã bán đất.
Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng giải quyết những khiếu nại trên thì năm 2015, bà Bình thấy hàng xóm được nhận thông báo thu hồi đất phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng đường Tùng Thiện. Bà ra xã hỏi thì được trả lời gia đình ông Tường đã nhận toàn bộ tiền bồi thường đối với thửa đất 126m2.
Bà tiếp tục khiếu nại đến các cấp từ UBND phường lên UBND thị xã Sơn Tây nhưng đều được trả lời việc chi trả tiền bồi thường cho ông Tường đúng đối tượng. Nếu bà không đồng ý có thể khởi kiện ra tòa án.
Tháng 9/2016, bà Bình đã có đơn tố cáo những hành vi của ông Tường và được công an thị xã Sơn Tây, viện kiểm sát cùng cấp trả lời không thuộc thẩm quyền giải quyết. Trong đơn thư kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, bà Bình đề nghị làm rõ hai vấn đề: Thứ nhất, bà chỉ bán 33m2 nhưng tại sao ông Tường lại được cấp sổ đỏ với diện tích 38m2.
Thứ hai, bà Bình chưa hề bán phần nhà đất còn lại cho ông Tường nhưng tại sao ông được chi trả toàn bộ tiền bồi thường giải phóng của cả thửa đất: “Nếu tôi bán toàn bộ đất thì tại sao lúc đầu chỉ viết giấy mua bán 33m2, sau đó viết giấy biên nhận sửa thành 38m2 rồi lại tiếp tục viết giấy cam kết có nội dung giao toàn bộ đất cho ông Tường. Tôi mù chữ cũng thấy rằng vô lý, đề nghị công an điều tra làm rõ các giấy tờ này’, bà Bình bức xúc.
Sau khi gửi đơn khiếu nại lên xã, thị xã nhưng không được giải quyết thỏa đáng, bà Bình đã khởi kiện quyết định thu hồi đất giải phóng mặt bằng của UBND thị xã Sơn Tây. Tòa án TP Hà Nội đã thông báo thụ lý giải quyết.
Bà Bình chỉ thừa nhận kí tên vào giấy chuyển nhượng 33m2 đất. |
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với PV về đơn thư khiếu nại của hộ bà Bình, ông Phùng Văn Phúc- Chủ tịch UBND phường Trung Sơn Trầm cho biết thửa đất đang tranh chấp quyền giữa bà Bình và ông Tường có nguồn gốc của bà Bình.
Thửa đất này gồm hai phần: 38m2 nằm phía trong mốc chỉ giới được UBND thị xã cấp sổ đỏ cho ông Tường và hơn 90m2 nằm ngoài mốc chỉ giới không thuộc diện được cấp sổ đỏ. Từ năm 2001, bà Bình đã bán lại đất cho ông Tường.
Trong khi bà Bình trình bày ngay sau khi bán đất phát hiện bị lừa dối đã khiếu nại liên tục thì ông chủ tịch phường Trung Sơn Trầm nói rằng mãi đến năm 2016 khi có thông tin đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng QL 21A, bà Bình mới khiếu kiện, tranh chấp. UBND phường khi xác nhận đối tượng nhận tiền đền bù dựa vào các giấy tờ mua bán viết tay, giấy cam kết. Qua đó xác định ông Tường là người quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất.
PV đặt câu hỏi trong quá trình xác minh hồ sơ đất để tham vấn cho cấp trên, phường có mời những người làm chứng lên xác minh lại thông tin hay không. Đặc biệt các giấy tờ mua bán viết tay, bà Bình tố cáo có dấu hiệu giả chữ kí, lừa gạt người làm chứng.
Vấn đề này được chủ tịch Phùng Văn Phúc trả lời “không” bởi đã có văn bản thể hiện. Nếu bà Bình cho rằng bị lừa đảo thì cần đi giám định chữ kí, gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết.
Trong trường hợp đất giải tỏa đang có tranh chấp, chính quyền địa phương có thể tham vấn tạm ngưng giải ngân chờ phán quyết cuối cùng của tòa án. Trường hợp bà Bình đã gửi đơn khởi kiện ra tòa, có đơn ngăn chặn chi trả tiền bồi thường nhưng tại sao vẫn tiến hành chi trả? Câu hỏi này được ông Phúc giải thích rằng về nguyên tắc có thể tạm dừng chi trả.
Tuy nhiên qua kết quả xác minh và hộ ông Tường có đơn đề nghị được nhận toàn bộ tiền bồi thường đồng thời cam kết sau này nếu bà Bình khởi kiện ra tòa thắng thì ông sẽ hoàn trả lại tiền. Do đó hộ ông Tường được nhận toàn bộ tiền đền bù khoảng 400 triệu đồng.
Chủ tịch phường cho rằng đủ căn cứ xác định ông Tường là người nhận tiền bồi thường thửa đất. |
Về nội dung tại sao ông Tường làm sổ đỏ có diện tích lớn hơn trong giấy mua bán, ông Phúc giải thích đất của bà Bình được đo vẽ từ năm 1985, đến năm 2003 thì địa chính phường đo đạc lại, do đó diện tích thực tế có chênh lệch so với trước đây là “chuyện dễ hiểu”.
Theo vị chủ tịch phường thì các cấp chính quyền cấp sổ đỏ cho ông Tường “đúng quy trình”. Việc công dân khiếu kiện bắt nguồn từ khoản tiền bồi thường sau khi có dự án mở rộng QL 21A. Trường hợp bà Bình, UBND phường đã đứng ra hòa giải nhiều lần bất thành:
“Chúng tôi muốn các bên tự hòa giải để giữ lại tình cảm xóm giềng. Sau khi được chính quyền vận động, phía gia đình ông Tường đồng ý hỗ trợ thêm cho bà Bình 50 triệu đồng. Mới đây con ông Tường đồng ý hỗ trợ thêm 20 triệu đồng nhưng bà Bình chưa đồng ý”, ông Phúc cho hay.
Ông Phúc nói rằng bà Bình chỉ là một trong nhiều trường hợp khiếu kiện vì “khoản tiền trên trời rơi xuống”. Đó là lí do khiến dự án mở rộng QL 21A dự kiến hoàn thành năm 2014 nhưng tới nay vẫn chưa xong.