Loanh quanh “quả bóng” trách nhiệm
Bị giam 103 ngày, sau đó vụ án tạm ngưng không xét xử được do bị mất hồ sơ rồi mãi đến 11 năm sau, cơ quan điều tra (CQĐT) mới ra quyết định đình chỉ điều tra. Nhưng đến nay, sau 20 năm, người bị án oan vẫn chưa biết được đâu sẽ là cơ quan bồi thường cho mình. Đó là câu chuyện đau lòng của ông Nguyễn Văn Triều (ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ).
Năm 1984, trở về quê hương từ chiến trường Campuchia với quân hàm thiếu úy, ông Triều được người chú ruột Nguyễn Văn Tuân cho miếng đất nhỏ để xây nhà tại xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành cũ, nay là phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ).
Năm 1990, miếng đất này xảy ra tranh chấp với ông Nguyễn Văn Năm. Trong quá trình giải quyết, cơ quan hành chính cho rằng ông chú cháu ông Triều có hành vi bao chiếm đất, chặt phá cây cối nên kiến nghị cơ quan tố tụng vào cuộc.
Công an huyện Châu Thành (cũ) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tuân và ông Triều về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai. Ông Triều bị bắt tạm giam từ tháng 4/1996, ông Tuân được tại ngoại.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 13/7/1996, HĐXX TAND huyện Châu Thành (cũ) tuyên trả tự do cho ông Triều tại tòa sau 103 ngày bị tạm giam. Ông Triều về nhà gần một năm nhưng không thấy cơ quan nào mời ông đến để giải quyết vụ án nên gửi đơn khiếu nại đến Tòa án và Công an huyện Châu Thành (cũ) mà không nhận được trả lời.
Từ đây, ông liên tục gửi đơn yêu cầu được bồi thường oan sai khắp nơi. Ngày 19/12/2007, sau hơn 11 năm kể từ lúc tòa trả tự do, Công an quận Cái Răng mới ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Triều với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đến ngày 9/2/2009, cơ quan này lại ra tiếp quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Triều nhưng lại áp dụng Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự do hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Không đồng ý với lý do được đình chỉ điều tra, ông Triều tiếp tục gửi đơn khiếu nại đòi bồi thường oan sai về 103 ngày bị tạm giam.
Gần 2 năm sau, ngày 26/1/2011, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an có thông báo gửi ông Triều rằng trường hợp của ông thuộc diện được bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388, cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông là Công an quận Cái Răng.
Ngày 25/5/2012, Viện KSNDTC có công văn gửi ông Triều thông báo Viện KSNDTC (Vụ 1) đã xác minh trường hợp của ông thuộc diện được bồi thường oan sai, cơ quan có trách nhiệm bồi thường oan sai là Công an quận Cái Răng.
Trong khi đó, đại diện Văn phòng Cơ quan CSĐT - Công an TP.Cần Thơ thì cho biết lúc đầu khi có chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP.Cần Thơ chỉ đạo Công an quận Cái Răng thực hiện việc bồi thường. Tuy nhiên, Luật TNBTCNN có hiệu lực lại quy định cơ quan nào ra quyết định cuối cùng sai thì cơ quan đó phải bồi thường nên trách nhiệm bồi thường thuộc về VKSND chứ không phải Công an.
Đại diện VKSND TP.Cần Thơ lại cho rằng Viện chỉ bồi thường thiệt hại do oan sai khi Viện phê chuẩn lệnh bắt giam, còn trường hợp ông Triều thì việc phê chuẩn không oan mà do hồ sơ thất lạc, không xử lý được và trách nhiệm bồi thường oan sai là của… Công an quận Cái Răng.
Người gây oan sai bị xử lý như nào?
Trường hợp khác, anh Phạm Vũ (ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bị khởi tố oan gần 1.500 ngày, trong đó có 139 ngày bị bắt tạm giam, về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau khi vụ án được sáng tỏ, anh yêu cầu VKSND huyện Đức Trọng bồi thường oan sai số tiền hơn 652 triệu đồng.
VKSND huyện chỉ chấp nhận mức bồi thường gần 78 triệu đồng. Không đồng ý, anh kiện Viện ra Tòa với lý do “mức bồi thường này là quá thấp và không đúng theo luật bồi thường của Nhà nước”.
Kết quả là ngày 17/8/2011, VKSND huyện Đức Trọng phải bồi thường cho công dân Phạm Vũ gần 101,5 triệu đồng và xin lỗi công khai tại nơi cư trú của anh Vũ, đồng thời đăng xin lỗi và cải chính 3 kỳ trên báo.
Tuy nhiên, trong vụ án này, anh Vũ không phải được minh oan nhờ ánh sáng của một phiên tòa hay nhờ cơ quan điều tra đã điều tra ra mà nhờ chính thủ phạm của vụ án ra đầu thú, nên anh Vũ mới được tại ngoại.
Hay những vụ án oan nổi tiếng như vụ việc của các ông Nguyễn Thanh Chấn, của “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén, của cụ ông “tử tù” 44 năm Trần Văn Thêm. Trong tất cả những vụ trên, các công dân được minh oan là vì đối tượng gây ra hành vi vi phạm đã nhận tội.
Vậy hình thức xử lý với những người gây ra oan sai như thế nào, ngoài việc các cơ quan này xin lỗi và bồi thường? Luật TNBTCNN quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, một vị lãnh đạo Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) khẳng định, trách nhiệm hoàn trả sẽ không gây ra sức ép đối với cán bộ, công chức. Quan điểm trên không sai song thiết nghĩ, việc có hình thức xử lý kỷ luật thật nặng đối với người gây ra oan sai cũng là cách hiệu quả để thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp.