Gặp họa vì cho bạn mượn xe
Trò chuyện với phóng viên trước thời điểm ra trại chỉ vài ngày nhưng Sì vẫn không giấu nổi ánh mắt chứa chấp nhiều u buồn. Mỗi lần nhắc tới vợ con, đôi mắt anh đỏ hoe và giọng thì chùng xuống như đang cố kiềm chế những nỗi đau đang trực trào dâng.
Theo lời kể của người đàn ông trước ngày được đặc xá, Sì sinh ra trong gia đình đông con, nghèo khó ở thôn Phố Mới, xã Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai). Để có tiền trang trải cho bản thân và gia đình, ngoài việc đi nương, đi rẫy trồng trọt, chăn nuôi, Sì còn xuống phố huyện để làm thuê, làm mướn. Đến tuổi trưởng thành, anh cũng đã cưới được cô gái mà anh đem lòng yêu thương. Sau đám cưới, anh được cha mẹ dựng cho căn nhà nhỏ để ở, xây dựng hạnh phúc cho gia đình riêng của mình.
Sì chia sẻ: “Thời gian đầu, cuộc sống vợ chồng mình rất hạnh phúc. Dù nghèo khó nhưng vợ chồng luôn biết động viên, bảo ban nhau chăm chỉ làm việc để có một cuộc sống no đủ”.
Thế nhưng cảnh đầm ấm, hạnh phúc này chẳng kéo dài được lâu. Đầu năm 2013, vợ Sì mang thai đứa con thứ 2. Muốn có ít tiền để mua sữa cho đứa con lớn và chuẩn bị cho vợ đi sinh, Sì xuống huyện làm bốc vác. Nhưng thu nhập thì khá bấp bênh. Có hôm, Sì kiếm được cả trăm nghìn nhưng cũng có những hôm chẳng kiếm được đồng nào. Thế nên khi bị bạn bè dụ dỗ, tham gia vào hoạt động mua bán người, Sì đã “nhắm mắt đưa chân” với mong muốn kiếm được món tiền lớn, lo cho vợ con.
Vậy là vào một ngày đầu tháng 5/2013, nhóm của Sì đã dụ dỗ được chị Hạng Thị Sông (ở Sơn La) đi sang Lào Cai để giới thiệu kết hôn với một người đàn ông ở tỉnh này. Chị Sông tưởng thật nên đã sang gặp nhóm của Sì mà không biết mình sẽ bị họ bán sang Trung Quốc với giá 30 triệu đồng. Trong số tiền này, Sì được chia 4 triệu đồng vì có công “cho mượn xe máy” chở người sang Trung Quốc. Được chia tiền, Sì mang ngay về đưa cho vợ để mua sữa cho con, mua thức ăn cho gia đình...
Nhưng sau khi bị bán sang Trung Quốc được 1 tuần thì chị Sông đã tìm cách trốn được về Việt Nam. Ngay lập tức, người phụ nữ này tới cơ quan công an tố cáo những kẻ lừa bán mình. Những kẻ liên quan đã bị bắt, trong đó có Sì.
“Hai người bạn của tôi là Sùng A Lồng và Sùng A Tủa bị bắt, đã khai ra tôi là người đã cho họ mượn xe máy.... Tôi chỉ nghĩ đơn giản là cho mượn xe chở người một đoạn đường, không tham gia vào lừa dối, dụ dỗ chị Sông nên không có tội. Nhưng sau khi được cán bộ điều tra, cán bộ tòa án giải thích, tôi đã hiểu vai trò của mình là giúp sức, là đồng phạm về tội mua bán người. Tôi đã bị TAND tỉnh Sơn La tuyên 5 năm tù.
Vợ bỏ trước ngày được đặc xá
Sau khi thành án, Sì được đưa đến Trại giam Nà Tấu (Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Điện Biên) thụ án. Ngày anh vào trại cũng là lúc đứa con thứ 2 sắp chào đời. Gần 4 năm thụ án tại Trại giam Nà Tấu, Sùng Seo Sì mới một lần được gặp hai người con trai. Sì bảo, nỗi đau lớn nhất trong anh là thời khắc hai con nhìn bố như nhìn một người xa lạ.
Cho đến tận lúc này, Sì vẫn không quên ánh mắt ấy bởi lúc đó anh không biết nói gì, làm gì, chỉ đứng nhìn con và khóc. “Đau lắm nhưng chẳng biết làm sao được, lỗi tại mình tất cả mà”- Sì nói. Và càng đau đớn hơn khi ngày trở về cận kề cũng là lúc anh nhận được đơn ly hôn của vợ.
Theo lời kể của Sì, vào một ngày tháng 6 vừa qua, anh được vợ thông báo đã nộp đơn ly hôn ra tòa. Nghe vợ nói vậy, Sì bàng hoàng, đau đớn hỏi lại vì sao thì chỉ nhận được một câu trả lời ngắn ngủi “mọi chuyện đã kết thúc”.
Để níu kéo vợ, người đàn ông “mặc áo sọc” nói dối là ngày 2/9 tới đây sẽ được đặc xá. Nếu đã chờ anh mấy năm qua thì cố chờ thêm vài tháng nữa thôi. Nhưng người vợ vẫn lặng im, để mặc anh với bao nỗi đau khôn nguôi. “Có lẽ, duyên phận của chúng tôi đã hết”, nói xong câu này, Sì cúi xuống và cười chua chát.
Sì nói, qua người thân trong gia đình, anh biết vợ đã có người khác. “Hiện hai con của tôi đang nương tựa vào ông bà nội. Khi đi với người khác, cô ấy đã để lại các con cho bố mẹ tôi trông nom”- Sì ngậm ngùi nói.
Giờ đây, Sì chỉ muốn quên người vợ cũ. Anh nói, hiện tại, điều mong mỏi nhất của mình là được nghe tiếng gọi bố của hai đứa con thơ. Từ lúc được biết mình được đặc xá, anh đã tưởng tượng ra cảnh được ôm các con trong vòng tay như thế nào. Gác lại quá khứ, anh sẽ tìm kiếm việc làm lương thiện để lấy tiền nuôi con.
Ánh mắt xa xăm, Sì bảo muốn chôn chặt nỗi đau này vào quá khứ. Nhưng nếu sau này, các con anh có hỏi tới quá khứ của bố, anh sẽ nói hết cho chúng nghe và mong rằng các con sẽ nhìn thấy sai lầm của bố để không bao giờ vấp ngã.
Giờ đây, Sì đã được cởi bỏ chiếc áo phạm nhân, trở về với xã hội, làm lại cuộc đời. Dù nụ cười trên môi anh không rạng ngời như một số phạm nhân được người thân đến đón nhưng chắc chắn, với tình cảm của một người cha giờ trong cảnh “gà trống nuôi con”, anh sẽ cố gắng làm lại cuộc đời mới, tươi sáng hơn.