Qua tìm hiểu và được tham dự trực tiếp tôi được biết, người Tày thực hiện lễ dạm ngõ khi có một người chú hoặc bác đại diện cho họ nhà trai mang theo một đôi gà trống thiến đôi gà trống thiến này phải còn sống, xôi nếp, chai rượu và một người đi cùng gánh lễ vật để xin ăn hỏi. Người gánh lễ bắt buộc phải là trai trẻ, chưa vợ. Vì người Tày quan niệm, nếu lấy người đã có vợ thực hiện gánh đồ sẽ lấy mất phúc, mất duyên của đôi vợ chồng trẻ.
Lễ ăn hỏi (khát căm) với ý nghĩa là đã dứt lời, việc cưới xin đã được thống nhất giữa 2 gia đình. Thông thường, lễ này được tiến hành từ 1 đến 2 tháng sau lễ dạm hỏi. Trong lễ này, ông trưởng họ dẫn đầu cùng một số chàng trai đi giúp việc và đem các lễ vật đã thoả thuận từ trước giữa hai gia đình trong lễ dạm ngõ.
Tổ chức lễ này to hay nhỏ tuỳ thuộc khả năng, điều kiện của nhà trai và yêu cầu của nhà gái, nhưng phải theo phong tục truyền thống phải có ông có bà như là người cha, người mẹ của họ nhà trai qua nói chuyện với nhà gái. Lễ xin định ngày cưới (to căm) có nghĩa là nối lời, khi gia đình nhà trai đã chọn được ngày lành, tháng tốt, ông trưởng họ sang nhà gái thoả thuận, định ngày cưới và nhà gái thống nhất yêu cầu lễ vật trong đám cưới.
Trong lễ cưới chính thức (kinh lẩu luông), lễ vật được nhà trai đem sang nhà gái từ chiều hôm trước. Lễ dẫn cưới gồm có 1 triệu đồng tiền mặt và thực phẩm: 1 con lợn quay, gạo, rượu... trong đó, nhất thiết phải có cá sấy và trứng gà. Lễ đón dâu được tổ chức vào buổi chiều hôm diễn ra đám cưới chính thức. Cô dâu mặc bộ quần áo đen, quấn khăn truyền thống.
Theo quan niệm của người Tày: cô dâu trong ngày cưới quan trọng nhất là việc quấn khăn, khăn quấn làm sao phải chặt, đẹp. Chọn người quấn khăn cũng là khâu quan trọng, người được chọn là một phụ nữ khoẻ mạnh, đảm đang, gia đình hạnh phúc, con cái vẹn toàn và biết đối nhân xử thế.
Trước khi đón dâu, bao giờ cũng phải làm lễ cúng tổ tiên. Lễ vật cúng tổ tiên không thể thiếu đôi gà, gồm 1 con trống và 1 con mái, thể hiện cho sự sinh sôi phát triển. Số người đi đón dâu bao giờ cũng là con số chẵn, thành phần đoàn đưa, đón dâu bao gồm: ông trưởng đoàn, bà đưa, bà đón, phù dâu, phù rể cùng một số bạn bè và người thân từ 8 đến 10 người.
Theo quan niệm của đồng bào: số chẵn tượng trưng cho điều may mắn và đi chẵn về lẻ đối với nhà gái, nhà trai đi lẻ về chẵn. Phù dâu, phù rể có thể là bạn bè của cô dâu chú rể hoặc là những người em của cô dâu chú rể, quan trọng là phù dâu phù rể không được phép cao hơn cô dâu chú rể, vì nếu cao hơn sẽ bị coi là ăn hết lộc, hết phúc của đôi vợ chồng trẻ.
Theo phong tục, mọi chi phí tổ chức đám cưới của nhà gái đều do nhà trai lo liệu hết: tiền mặt, lợn, gà, gạo, rượu… trước đây, nhà trai sẽ phải đưa hết cho nhà gái những thứ đó để chuẩn bị, nhưng hiện nay để tránh mất công và thời gian cho nhà trai thì thay vì đưa những thứ đó nhà trai sẽ quy ra một khoản tiền mặt nhất định đưa nhà gái để chuẩn bị. Điều đó có ý nghĩa là nhà trai tỏ lòng biết ơn, mong đền đáp phần nào công lao dưỡng dục của bố mẹ cô gái.
Đối với nhà gái sẽ chuẩn bị tư trang cho con gái khi về nhà chồng, cũng coi như là của hồi môn bao gồm như: quần áo mới, vòng bạc, xà tích bạc, chăn màn thổ cẩm, chiếu hoa… và những đồ gia dụng khác. Tùy theo gia cảnh, nhà gái có thể đòi ít hay đòi nhiều. Có trường hợp, thấy nhà trai điều kiện kinh tế không mấy dư dả, nhà gái chỉ đòi một ít gọi là, cốt để tránh tiếng là con mình theo không người ta.
Đối với người Tày, khi đón dâu về đến nhà cô dâu sẽ ngay lập tức được mẹ chồng cùng bà đón trong đoàn dẫn luôn vào phòng tân hôn, cô dâu sẽ không được đi ra ngoài khi chưa làm xong thủ tục giao dâu giữa phái đoàn đưa dâu hai bên. Và phù dâu sẽ có nhiệm vụ luôn đi cùng và ngồi cạnh cô dâu.
Bà Hoàng Thị Chắc, 75 tuổi vui vẻ nói về lễ cưới của dân tộc mình: “ Lễ cưới xin này đã được hình thành từ rất lâu và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Dù là dâu, rể là người Tày hay không phải người Tày nhưng khi đã tổ chức cưới hỏi về là con cái trong gia đình người Tày thì đều phải thực hiện những nghi thức này. Đó chính là nét đặc sắc cũng là cách gìn giữ phong tục của mình của người dân ở mảnh đất này.
Ngày nay, có thể đã bị lai tạp nhiều người Kinh ở cách ăn mặc trong đám cưới, thế nhưng bắt buộc một điều của cô dâu khi về làm dâu người Tày là phải mặc trang phục dân tộc Tày khi bước vào nhà, làm lễ cúng gia tiên. Điều đó vừa thể hiện sự tôn trọng văn hóa cũng là cách giữ gìn văn hóa dân tộc”.