Chết trong sự kỳ vọng
Cách đây vài tháng, một sự việc diễn ra ở Thiểm Tây, Trung Quốc đã làm chấn động dư luận Trung Quốc, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Một bé gái 9 tuổi đã nhảy xuống đất từ căn hộ cao tầng gia đình mình đang sinh sống. Lý do nghe có vẻ rất đơn giản: Đến giờ nộp bài tập mà em vẫn chưa làm xong bài.
Trước đó, lúc 4h chiều, bé gái đã gửi tin nhắn của mẹ, cho biết mình đang rất lo lắng vì cô giáo yêu cầu 5h chiều phải nộp bài tập, nhưng còn 1 tiếng nữa mà cô bé không tìm ra hướng giải bài. Đang bận, người mẹ trả lời qua loa tin nhắn, hối thúc con cố gắng hoàn thành bài tập để nộp cho cô giáo.
Bế tắc, cô bé chọn cách mở cửa sổ và nhảy xuống, sau khi để lại cho mẹ dòng chữ: Mẹ ơi con xin lỗi, tại sao con không thể làm được? Truyền thông Trung Quốc cho biết, trước đó, cũng ở Thiểm Tây, một nữ sinh trung học đã nhảy từ lầu 4 của trường học xuống, sau khi đọc nhật kí, người ta mới biết em đang trầm cảm, đang ốm nặng và cực kỳ tuyệt vọng, mệt mỏi với việc học hành đè nặng lên vai.
Những câu chuyện như thế không chỉ xảy ra ở Trung Quốc, nó diễn ra trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Mới đây, một cô bé 16 tuổi đã nhảy cầu tự sát tại Nghệ Tĩnh. Đọc là thư của em mà người ta bàng hoàng. Trong thư, em tự phủ nhận bản thân mình khi cho rằng “không ai cần” em, em không nên sinh ra trên cõi đời này, em ước gì mình chưa bao giờ tồn tại.
Em tuyệt vọng, mệt mỏi, mất đi ý chí sinh tồn, bởi ngày ngày đối mặt với áp lực học hành, với những lời chửi mắng của mẹ, bảo rằng em vô tích sự, không bằng ai. Những dòng thư của em khiến người ta thực sự đau lòng và xót xa. Tại Nghệ An, cũng cách đây không lâu, một bé gái đã tự tử trong lớp học, để lại thư cho biết em xin lỗi vì thời gian gần đây đã học hành sa sút, phụ sự kỳ vọng của cha mẹ và thầy cô.
“Kỳ vọng”, hai chữ ấy nghe có vẻ mang nhiều ý nghĩa tích cực, nhưng lại là gánh nặng dẫn đến nhiều bi kịch cho những đứa con trong gia đình. Không khó để nhận ra, phần nhiều trong số những đứa trẻ tự tử do áp lực học tập, lại là trẻ từng học hành chăm chỉ, là con ngoan, trò giỏi. Nhưng, những đứa trẻ ấy lại mang trên vai thứ gánh nặng gọi là “kỳ vọng”.
Các em nỗ lực hết mình trong cuộc đua học tập, không phải vì các em thực sự mong muốn và vui với điều đó, mà bởi đó là kỳ vọng, là mong muốn của cha mẹ các em, của thầy cô. Các em là những “đấu sĩ” bước vào cuộc đua học tập đầy khốc liệt, đầy áp lực và lựa chọn từ bỏ vì sợ hãi áp lực ấy, thà chọn cái chết vì không muốn phụ sự kỳ vọng của gia đình, chung quanh. Các em chết trong sự “kỳ vọng” đầy đáng sợ.
Mùa thi chính là thời điểm chứng kiến không ít bi kịch của các em học sinh. Từ nhiều năm nay, hầu hết các mùa thi đều xuất hiện những câu chuyện buồn về các em học sinh tự sát, tự hủy hoại bản thân, hay trầm cảm vì áp lực thi cử. Thế nên, trước mỗi mùa thi, phụ huynh đều ra sức “bồi bổ” cho các con để có được tinh thần vững vàng, có thể chịu đựng được áp lực cao.
Thậm chí, nhiều dòng sản phẩm chức năng còn quảng cáo về những sản phẩm có thể giúp trí nhớ, giúp sĩ tử vững vàng tinh thần để đối mặt với áp lực. Và, khi những sự việc không hay xảy ra thì người ta đổ lỗi cho mùa thi.
Bởi mùa thi là lúc các em phải học hành nhiều, phải căng thẳng và sợ hãi. Bởi mùa thi là các em phải đối mặt với những lựa chọn lớn của đời mình. Do mùa thi mà nhiều học sinh đã không chịu nổi, đã lâm bệnh, đã phải kết thúc tính mạng để trốn tránh.
Nhưng, có thật “mùa thi” và “áp lực thi cử” chính là nguyên nhân của bi kịch? Hay, còn có những nguyên nhân sâu xa khác, những điều tưởng nhỏ nhoi mà có sức sát thương, vô hình mà tích tụ, dẫn đến bi kịch cho các em?
Nơi bắt đầu của những bi kịch
Mùa thi đại học năm 2019 đối với chị Nguyễn Thị Minh Tr., ngụ đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, TP HCM là một thời điểm khủng khiếp mà chị từng có trong đời. Ngay trước kỳ tuyển sinh đại học, chị phát hiện ra con trai uống thuốc an thần tự sát trong phòng ngủ. May mắn phát hiện kịp thời nên con trai chị được cứu sống.
Chị cứ ngỡ chính áp lực của kỳ thi đại học là nguyên nhân khiến con nghĩ quẩn, nhưng sau khi con trai bình tĩnh, chị ngồi trò chuyện với con thì mới biết, hóa ra, áp lực đã có từ lâu trước đó. Con vốn thích học các môn học về xã hội, mơ ước ra trường được làm việc tại một nhà xuất bản, nhưng chị cho là nghề nghiệp ấy “không vững vàng” với một người đàn ông.
Chị mong muốn con mình được như bác ruột của nó, trở thành một giám đốc tài chính của công ty nước ngoài, hoặc ít ra, cũng đi học ngành kế toán để ra trường có dì ruột làm kế toán trưởng một công ty nhà nước sẽ xin việc cho vào làm. Chị đã ép con phải nỗ lực để học thi vào khối A, chị chạy tìm tìm gia sư giỏi, trung tâm luyện thi tốt. Chị cũng mua biết bao thực phẩm chức năng bổ dưỡng, những chương trình luyện thi trực tuyến được quảng cáo là hiệu quả trên mạng cho con học.
Vì chịu bỏ tiền, bỏ công sức đến như thế, nên khi phát hiện con lén lút nộp thêm nguyện vọng vào một trường khối C để mong theo ước mơ của mình, chị đã nổi giận, mắng nhiếc con không tiếc lời. Tất cả những điều đó đã dồn nén trong lòng chàng trai trẻ, cộng với áp lực thi, cảm thấy bế tắc vì mình học mãi mà không vào những môn học không yêu thích đã dẫn đến quyết định tiêu cực nói trên.
Từ sau sự việc, chị Tr. nhận ra rằng, quan trọng nhất là con mình được sống, vui vẻ, khỏe mạnh, còn theo nghề nghiệp gì không quá quan trọng nữa. So với việc suýt mất con thì để cho con được học và theo ngành nghề mình thích lại là một chuyện dễ chấp nhận hơn.
Hay như chuyện của vợ chồng anh Lê Văn H., ngụ Long Thành, Đồng Nai. Tuấn D., con trai anh chị từ nhỏ đã có trí nhớ hơn kém so với bạn đồng trang lứa. Sợ con tụt hậu, thiệt thòi với bạn bè, anh chị đã tìm mọi cách cải thiện trí nhớ cho con, để con có thể vươn lên trong học tập, từ những khóa học về trí nhớ đến những bài tập thực hành trí nhớ mà anh chị luyện cho con liên tục mỗi ngày.
Quả thật, từ từ cậu bé đã có trí nhớ tốt hơn, anh chị lại “thừa thắng xông lên”, đặt ra mục tiêu mới cho con từ học sinh trung bình phải vươn lên hạng khá, rồi trong top 10 của lớp. Cậu bé cũng nghe lời cha mẹ, chăm chỉ học hành hết sức. Cho đến trước kỳ thi chuyển cấp, khi con thường xuyên mất ngủ, sút cân, có dấu hiệu sợ hãi, hoang tưởng, anh chị đem con đi khám mới biết, cậu bé bị hưng trầm cảm, rối loạn cảm xúc do áp lực lâu ngày của việc học hành.
Hóa ra, vốn dĩ cậu bé có thần kinh yếu, nhưng thay vì tiếp nhận điều đó và động viên, khuyến khích con, chọn những gì phụ hợp cho con tiếp nhận thì anh chị lại mong muốn “mở giới hạn khả năng”, học theo những quyển sách đào tạo thần đồng, muốn đào tạo một đứa trẻ chậm tiếp thu thành một người giỏi, xuất sắc. Áp lực lớn, kỳ vọng lớn cộng với việc thiếu thời gian vui chơi, giải trí khiến đứa trẻ bị tổn thương thần kinh và rơi vào bệnh tật.
Kỳ vọng quá nhiều, quá cao là căn bệnh của nhiều bậc cha mẹ trong xã hội hiện nay. Những tấm gương về những đứa trẻ giỏi giang, thành đạt “con nhà người ta” khiến các bậc phụ huynh mong muốn con mình cũng được như thế.
Cho rằng, cách thức tốt nhất để con giỏi giang, thành công, không thua kém bạn bè chính là hối thúc, đặt mục tiêu, nhiều cha mẹ đã khiến trẻ phải chịu những áp lực quá sức so với lứa tuổi của mình. Đó mới chính là nguyên nhân của những bi kịch từ “áp lực học hành” “áp lực mùa thi”.