Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; ông Phạm Đình Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cùng đông đảo lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh cùng tham dự Hội nghị.
Nhiều thành tựu tư pháp đáng ghi nhận
Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2015, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên nêu rõ, năm 2014 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo công tác tư pháp địa phương đạt nhiều kết quả tốt, trên nhiều lĩnh vực như: triển khai thi hành Hiến pháp 2013; phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý (TGPL)…
Những kết quả trong công tác tư pháp đã đóng góp thiết thực vào thành tích chung của tỉnh, nhờ đó vai trò, vị trí của ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định, củng cố, tăng cường.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng thẳng thắn chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế trong năm qua của ngành Tư pháp tỉnh Phú Yên như công tác phối hợp trong xác minh, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa các cơ quan có liên quan có lúc chưa kịp thời. Một trong những hạn chế nữa là chất lượng công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở ở một số xã, phường, thị trấn chưa cao, chưa tạo được chuyển biến lớn về ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Đồng tình với ý kiến này, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc cũng nhận định thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở còn thiếu sự quyết liệt và hiệu quả chưa cao bởi hàng loạt vụ án hình sự, nhiều vụ tranh chấp kéo dài tại các đơn vị cơ sở nhưng hòa giải viên thiếu hoặc không làm tròn trách nhiệm.
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Công Danh, Giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ công tác đào tạo luật sư và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí để tiến tới hoạt động luật sư tại tỉnh Phú Yên hiệu quả và thiết thực hơn nữa. Trong phần trình bày của các đại biểu, Chủ tịch UBND thị xã Sông Hinh kiến nghị với Bộ trưởng Hà Hùng Cường về công tác PBGDPL bởi đây là địa phương có 6 xã vùng sâu, vùng xa, có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống nhưng trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế.
Tư pháp Phú Yên cần đầu tư nguồn lực con người
Phát biểu và chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận và chúc mừng những thành công trong năm qua của ngành Tư pháp tỉnh Phú Yên khi lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS) và các hoạt động tư pháp đã có bước “nhảy vọt” về thứ hạng trong xếp hạng tư pháp, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng những thành công mà Tư pháp Phú Yên đạt được trong năm qua, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, là những cố gắng và nỗ lực xứng đáng được khen ngợi. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng gửi lời cám ơn tới lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã tạo điều kiện để THADS và ngành Tư pháp tỉnh nhà hoàn thành nhiệm vụ năm 2014.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác tư pháp, THADS trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong năm 2014 cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục, cụ thể như: Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã còn hạn chế, có sai sót; hoạt động TGPL còn trùng dẫm với hoạt động PBGDPL, chưa tích cực tham gia TGPL trong tố tụng, hiệu quả hoạt động của các cộng tác viên TGPL, câu lạc bộ TGPL còn hạn chế.
Việc triển khai Luật Nuôi con nuôi, nhất là con nuôi có yếu tố nước ngoài còn chậm (mới giải quyết 01 trường hợp và chưa chỉ định cơ sở nuôi dưỡng). Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp còn chưa đáp ứng yêu cầu của người dân (tỷ lệ chậm cấp phiếu lên tới 60,67%). Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng chậm so với quy hoạch…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thẳng thắn: “Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên, Báo cáo của tỉnh đã nêu khá cụ thể, tôi cơ bản đồng tình, trong đó tôi nhấn mạnh nguyên nhân do nguồn lực, cụ thể là: đội ngũ cán bộ một số phòng của Sở Tư pháp còn rất thiếu, nhất là Phòng Bổ trợ tư pháp mới chỉ có 2 biên chế; biên chế để triển khai một số nhiệm vụ mới như lý lịch tư pháp, xử lý vi phạm hành chính còn thiếu, phải kiêm nhiệm.
Trong khi đó, trình độ cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã còn bất cập (cấp huyện có tới 25% chưa được đào tạo chuyên môn luật; ở cấp xã là 36%). Đặc biệt, tổ chức pháp chế sở ngành của tỉnh Phú Yên chưa được quan tâm thành lập theo quy định của Nghị định số 55; hầu hết các sở, ngành chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Công tác chỉ đạo, điều hành công tác THADS còn bất cập”.
Bộ trưởng cũng ghi nhận toàn bộ kiến nghị của ngành Tư pháp Phú Yên và các đại biểu gửi tới Bộ Tư pháp và hứa sẽ nghiên cứu, tìm cách giải quyết. Bộ trưởng Hà Hùng Cường dặn dò: “Sở Tư pháp cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tham mưu cho UBND tỉnh triển khai một số bộ luật mới và được sửa đổi trong thời gian tới để hiệu quả công việc tốt nhất”.
THADS phải nỗ lực để xứng đáng với vị thế
Sáng qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành, Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã làm việc với Cục THADS tỉnh Phú Yên. Đoàn đã nghe Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phú Yên Hà Công Khánh báo cáo kết quả công tác THADS năm 2014.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Nhiệm vụ năm 2015 nặng nề hơn, nhất là khi có nhiều luật mới có hiệu lực thi hành, trong đó có Luật THADS sửa đổi, bổ sung. Mong các đồng chí tập trung hơn nữa, với những vị thế có sẵn, cần phải làm tốt hơn, xứng đáng với vị thế của mình để phục vụ nhân dân cho tốt. Đó cũng là điều mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp tin tưởng và kỳ vọng ở các đồng chí”.
Theo chương trình công tác, sáng nay (21/1), Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ làm việc tại tỉnh Khánh Hòa.