Chú trọng thanh tra trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp
Để thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm công tác Tư pháp năm 2021, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã cụ thể hóa bằng các hoạt động và tiêu chí cụ thể, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và đặc điểm tình hình của đơn vị.
Theo đó, Sở sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; đổi mới tư duy, lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tổ chức sắp xếp, sáp nhập các phòng chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng phù hợp theo quy định.
Bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp cho biết sẽ phát huy tính chủ động, tăng cường sự phối hợp của các đơn vị để đạt được kết quả cao nhất. |
Bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp cho biết, xác định nhân tố con người là quan trọng nhất trong các mặt công tác nên trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn đối với đội ngũ công chức làm công tác tư pháp, đặc biệt là công chức tư pháp cấp huyện, cấp xã; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Ngành Tư pháp chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, với phương châm “nói ít, làm nhiều, lấy kết quả làm thước đo”. Song đó, nâng cao chất lượng, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra.
“Sở sẽ tổ chức một đoàn thanh tra, kiểm tra nhiều lĩnh vực, hạn chế tình trạng tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra riêng lẻ, trùng lấp. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý và phòng ngừa vi phạm trong các lĩnh vực quản lý. Đặc biệt chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, luật sư, thừa phát lại, đấu giá tài sản. Đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra”, bà Phượng nhấn mạnh.
Nhiều hoạt động chương trình thiết thực, ý nghĩa đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật |
Theo Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, Sở cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp, sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực tư pháp; phần mềm quản lý văn bản và khai thác tối đa lợi ích của văn bản điện tử, chữ ký số. Tập trung thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Tuyên truyền pháp luật phải đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân
Về các lĩnh vực chuyên môn, Sở sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Thành lập Hội đồng tư vấn, thẩm định dự thảo VBQPPL trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng tham mưu, chú trọng tính dự báo của chính sách, bảo đảm tính khả thi, đi vào cuộc sống. Đối với những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật sẽ kịp thời xử lý đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, tạo sự thuận tiện trong áp dụng.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở sẽ không ngừng sáng tạo, đổi mới phương thức tuyên truyền, phù hợp từng đối tượng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Tiếp tục nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả tại cơ sở; tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch liên tịch đã ký kết với các ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật xử lý vi phạm hành chính; tham mưu giúp UBND tỉnh tăng cường công tác xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương năm 2021.
Kết quả đạt được của Tư pháp Đồng Tháp năm 2020 đã được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao nhân chuyến thăm và làm việc với Sở. |
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực hành chính tư pháp, sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương; Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch; chứng thực, nuôi con nuôi cho cấp huyện, cấp xã. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về hộ tịch, chứng thực; qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế, thiếu sót, giải quyết các vụ việc phát sinh, bảo đảm lợi ích của người dân. Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, thừa phát lại,…Triển khai toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả các văn bản mới được ban hành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.