Năm 2016, mở đầu nhiệm kỳ mới, GDP hao mòn vì Formosa. 4 năm sau, áp chót nhiệm kỳ, lại xảy ra việc tương tự, lần này là vì Corona. Nhưng từ Formosa đến Corona, Chính phủ càng khẳng định bản lĩnh qua những thách thức.
Hàng thập kỷ qua, GDP được xem là một thước đo cho năng lực điều hành của Chính phủ, nhưng cả hai lần tính toán tổn thất do Formosa và Corona gây ra, như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đều không một phút giây nào lưỡng lự trong giải bài toán “đánh đổi hay không đánh đổi”, đồng thời, không lùi bước trong phát triển đất nước.
Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bắt đầu “nhòm ngó” Việt Nam tháng 1 năm 2020, chỉ nửa tháng sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải liên tiếp đưa ra các kịch bản tổn thất về kinh tế do con virus này gây ra, kịch bản sau xấu hơn kịch bản trước và thấp thỏm đó vẫn chưa là kịch bản xấu nhất.
Theo kịch bản mới đây, Bộ này tính toán, nếu dịch COVID-19 kéo dài tới quý II, tăng trưởng năm 2020 có thể chỉ đạt mức 5,96%. Nếu dịch khống chế được trong quý I, mức tăng GDP năm nay ở 6,25%. Cả hai con số này đều hụt đích khá xa với mục tiêu đề ra cho năm 2020 là tăng trưởng GDP đạt mức 6,8%. Còn so với 2 năm 2018, 2019, GDP đều đạt mức kỳ tích trên 7%, thì GDP năm nay có vẻ sẽ là nốt nhạc rất trầm.
Quay lại 4 năm trước đó, năm 2016, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây thiệt hại 0,3% GDP của Việt Nam, khiến cho tốc độ tăng GDP 2016 tăng 6,21%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 6,7% mà Quốc hội đã đề ra.
“Cuộc chiến” với Formosa năm 2016 kết thúc tương đối có hậu. Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh buộc phải nhận trách nhiệm. Ngày 29/6/2016, Chủ tịch Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cúi đầu “xin lỗi Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vì gây ra sự cố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng” và “chúng tôi xin lỗi từ trái tim, mong nhận được sự cảm thông từ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”.
Cùng với việc cúi đầu xin lỗi, Formosa cam kết bồi thường số tiền 500 triệu USD, tương đường 11.500 tỷ đồng cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung là Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Sau đó, ngày 23/8/2016, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung, do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng ban. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã thực thi một cách đặc biệt trôi chảy, không để xảy ra bất kỳ khiếu kiện, khiếu nại nào của người dân liên quan đến công tác bồi thường này.
Năm 2017, Fomosa Hà Tĩnh tạo ra được khoảng 14,8 nghìn tỷ giá trị sản xuất so với giá so sánh, tăng 32,5% so với năm 2016; đóng góp 0,19% vào mức tăng 14,5% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2017. Đến năm 2019, tổng mức đầu tư của Formosa đã vượt qua con số 13 tỉ đô la trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và là doanh nghiệp FDI lớn nhất của Việt Nam.
Trong hai năm 2017, 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng nhiều lần thị sát 4 tỉnh miền Trung để đảm bảo rằng ở cả 4 tỉnh này, trên những gương mặt ngư dân nụ cười đã trở lại.
Chỉ một đáp án
Lúc này, cũng như 4 năm trước, Chính phủ lại phải đối mặt với bài toán đánh đổi hay không đánh đổi.
Chống “giặc” Corona, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, không đánh đổi sức khỏe người dân, chấp nhận hi sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Bốn năm trước, Thủ tướng cũng khẳng định, không đánh đổi môi trường sống của người dân lấy tăng trưởng kinh tế, nếu còn tái diễn vi phạm, kiên quyết đóng cửa Formosa.
Dứt khoát chỉ chọn duy nhất đáp án này, người đứng đầu Chính phủ quyết tâm, “không để thách thức làm nhụt chí, lùi bước trong phát triển đất nước. Để hóa giải thách thức, đồng thời với các giải pháp cấp bách kịp thời ứng phó với các sự cố bất thường, Chính phủ đã và đang tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp căn cơ lâu dài, không tốn nhiều tiền, phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp. Đó là cải cách mạnh mẽ thể chế, kiên quyết gỡ bỏ các rào cản, giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước; xốc lại quản lý điều hành của bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương…”
“Cuộc chiến” với Corona còn đang ở thế giằng co. Lần này, nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo được giao cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, được người dân biết đến vì nhiều đêm không ngủ cùng câu nói, “virus COVID-19 đang âm thầm mai phục. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống "trong đánh ra, ngoài đánh vào"”.
“Cuộc chiến” với Corona cũng gian nan hơn khi nó ở cấp toàn cầu và là “giặc” vô thanh, vô ảnh. Nhưng trong cuộc chiến này, Chính phủ có được sức mạnh của toàn dân, dù rằng cũng như 4 năm trước, vẫn có những người do vô tình mà gây thêm hoảng loạn hoặc tệ hơn, lợi dụng tình hình, ra sức chống phá, công kích sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, kích động gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân.
Đi qua cú sốc Formosa năm 2016, GDP các năm 2017, 2018, 2019 “bật dậy”. Đặc biệt là vào cuối năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khi chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với các địa phương, đã dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới rằng, mây đen phủ bóng toàn cầu nhưng mặt trời vẫn tỏa nắng ở Việt Nam.
GDP năm 2020 của Việt Nam được dự báo khó mà đạt kết quả như kế hoạch đề ra, gần như là điều tất nhiên phải thế vì Corona. Cũng vì Corona, mây đen tiếp tục phủ bóng toàn cầu và thậm chí còn tối tăm hơn trước, nhưng cho đến lúc này, Việt Nam vẫn được thế giới biết đến là nơi “tỏa nắng”. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (CDC) đều đánh giá cao Việt Nam với quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, công khai, minh bạch trong chống dịch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh rằng “mất niềm tin là mất tất cả” và điều đáng mừng là trước khó khăn thách thức, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và Chính phủ càng được củng cố. Mà với niềm tin, sự đồng lòng ấy, không có khó khăn nào là không thể vượt qua.