Và câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra trong khi chia sẻ quan điểm về vụ việc này là tại sao lại có một quyết định vô lý như vậy. Phải chăng, luật pháp đang chứa đựng các quy định vô lý khiến cho tòa án buộc phải xử kiểu vô lý hay lỗi thuộc về người xét xử. Cần phải trả lời rõ câu hỏi này để người dân hiểu, hoặc hủy bỏ bản án vô lý này.
Theo lập luận của HĐXX khi tuyên án, lái xe container đã có lỗi vì “không giữ khoảng cách với xe invova đi lùi” (ngược chiều) và đây là nguyên nhân mà lái xe bị quy kết mức án 6 năm tù cùng với mức bồi thường gần nửa tỷ đồng. Trường hợp này, người xét xử đúng là những người không ngồi trên cabin của xe container mới nhận định được như vậy.
Khi điều khiển phương tiện, việc của lái xe là phải chấp hành quy tắc và quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trường hợp này, lái xe container đã chấp hành đúng khi đi đúng làn, đúng tốc độ (62km/h). Vậy khi va chạm với một xe đi ẩu, vi phạm pháp luật về giao thông, anh ta phải được coi là nạn nhân hay là thủ phạm của vụ tai nạn?
Nếu tư duy đúng pháp luật, trong trường hợp này, lái xe container là nạn nhân của vụ va chạm. Nói cho đúng, anh ta bị một xe đi ẩu, vi phạm pháp luật va chạm vào và gây thiệt hại.
Song, những người giải quyết vụ án này đã tư duy ngược lại. Với bản án đã tuyên, lái xe container đã được hoán đổi thành thủ phạm gây tai nạn và đây là lý do khiến người dân bất bình.
Bằng việc áp đặt lái xe container “bắt buộc” phải giữ khoảng cách với xe đi giật lùi, Tòa án khiến người dân phẫn nộ vì điều này hoàn toàn không thể thực hiện. Theo nguyên lý vật lý, hai xe đi ngược chiều nhau thì tất yếu sẽ giảm khoảng cách với nhau và như thế, ngay cả khi lái xe container dừng xe hẳn thì va chạm vẫn xảy ra và như vậy, khoảng cách an toàn ngày cả khi xe dừng lại cũng không thể đảm bảo được.
Việc buộc tội lái xe container bằng lập luận này rõ ràng là cái lý “khó nuốt” cho bất cứ ai hiểu lý lẽ. Không lẽ luật pháp lại vô lý như vậy?
Luật pháp hoàn toàn không vô lý như vậy, chỉ có người áp dụng pháp luật là vô lý. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm pháp lý được xác định dựa trên căn cứ là “lỗi” (trường hợp này là lỗi vô ý). Lỗi phát sinh trách nhiệm hình sự phải là lỗi trực tiếp (nguyên nhân) dẫn đến tai nạn, trong trường hợp này phải là lỗi của lái xe Inova.
Một vụ việc điển hình liên quan đến việc xác định lỗi làm cơ sở xác định “ai là nạn nhân, ai là thủ phạm” phải kể đến vụ tai nạn ở ngã tư Cửa Nam, Hà Nội cách đây 4 năm. Một cảnh sát đi xe máy vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ và đâm vào một taxi. Sau đó, taxi đã rời hiện trường. Lái xe taxi bị tạm giữ hình sự vì hành vi “không cứu giúp người khác sau khi gây tai nạn”. Sự nhầm lẫn lớn nhất ở đây chính là việc quy kết lái xe taxi “gây tai nạn” trong khi anh ta bị đâm xe (bị gây tai nạn). Sau đó, vụ việc đã bị dừng điều tra vì cáo buộc vô lý này.
Tương tự như vậy, lái xe container là người bị gây tai nạn. Anh ta không có lỗi khi đã chấp hành đúng luật giao thông và cũng khó có thể thực hiện việc giữ khoảng cách với xe đi lùi ngược chiều với mình. Kiểu tư duy lộn ngược đã dẫn đến một bản án vô lý đối với lái xe này. Trường hợp này, rõ ràng bản án cần phải xem xét lại và những quy định làm “chỗ dựa” cho bản án này phải được xem xét lại.