Ông “lụy” được dựng lăng thờ
Tín ngưỡng thờ cá Ông (tức cá voi, cá heo, cá nhà táng và các loại cá lớn nói chung) của ngư dân Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) thể hiện rõ nét nhất là ở lăng Ông Thủy Tướng. Công trình tọa lạc bên hông chợ Cần Thạnh, thuộc thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Cũng giống như các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa trở vào miền Nam, lăng Ông Thủy Tướng là nơi dân vạn chài lưu giữ xương cốt và thờ phụng, hương khói cá Ông, còn được gọi là Ông Nam Hải.
Ông Ngô Văn Dị, 89 tuổi, vạn trưởng lăng Ông Thủy Tướng cho biết, dân gian truyền rằng, cá Ông xưa kia từng cứu chúa Nguyễn Ánh trong một lần bị quân Tây Sơn truy đuổi. Thế nên, sau này lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, nhà vua đã sắc phong ban thưởng cho cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân. Để tránh kỵ húy và tiện cho việc gọi tên, người dân lúc bấy giờ gọi cá Ông là Nam Hải tướng quân, riêng người Cần Giờ thì gọi là Ông Nam Hải hay Ông Thủy Tướng.
Theo các bậc cao niên xứ này, tiền thân của lăng Ông Thủy Tướng là miếu Hải thần, có từ thế kỷ XVII. Đây là nơi mà trước mỗi lần dong thuyền ra khơi đánh bắt cá, tiền nhân đều ghé miếu van vái, khấn cầu vị thần cai quản biển cả, đại dương đặng được bình yên và trĩu nặng tay lưới.
Xét thấy tầm quan trọng của vùng cửa biển Cần Giờ, năm 1816, vua Gia Long ra lệnh dựng lăng thờ Ông “Thủy Tướng Nam Hải” trên miếu Hải thần. Cũng từ đó, ngư dân Cần Giờ tổ chức lễ nghinh Ông hằng năm.
Tại lăng Ông Thủy Tướng, bây giờ có hàng chục bộ cốt Ông được bảo quản trong chiếc tủ kính dưới chánh điện với hệ thống đối liễn được sơn son thếp vàng rực rỡ. Trong đó, đặc biệt ấn tượng là bộ cốt Ông khổng lồ có chiều cao trên 2 m, dài gần 13 m. Các cao niên trong ban tế tự tại lăng Ông Thủy Tướng cho biết, cội nguồn của bộ cốt Ông khổng lồ này bắt nguồn vào một sáng mờ sương năm 1971.
Năm đó, ghe của cha con ngư dân tên Hồ chuẩn bị ra khơi thì thấy có một trái núi khổng lồ đen sì ngoài khơi từ từ tấp vào bờ. Khi sương tan, cha con ông Hồ mới biết đó là xác Ông “lụy”. Theo tục lệ ngàn đời của các cư dân miền biển, mỗi khi có xác cá Ông bị trôi dạt vào bờ thì người đầu tiên thấy được sẽ coi như con trưởng nam và phải có trách nhiệm để tang, lo toan những chuyện chôn cất thật cẩn thận, chu đáo như đối với cha mẹ, đeo tang trong vòng 3 năm.
Trong nghi thức chôn cất, xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá Ông mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều Nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm. Ngư dân nhiều vùng có câu: “Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ” vì theo tín ngưỡng này, cá Ông luỵ vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi.
Bộ cốt Ông khổng lồ dài gần 13 m được trưng bày trong lăng. |
Theo quan niệm đó, cha con ông Hồ lúc đấy được xem là con trai cả của Ông, có trách nhiệm an táng, để tang cho Ông 3 năm. Nhưng lúc bấy giờ, do cá Ông kích thước quá lớn, không chỉ cha con ông Hồ mà còn có dân làng hợp sức nhưng cũng không thể đưa Ông lên bờ. Sau cùng, mọi người chỉ biết neo Ông bên kia khoảng rừng chờ cho nhiều ngày sau thịt rã, chỉ còn bộ xương rồi mới thỉnh về tắm rượu, đưa vào lăng thờ.
Năm 2001, vì nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và các vùng lân cận, Viện Bảo tàng TP Hồ Chí Minh hỗ trợ phục dựng lại bộ cốt Ông, trưng bày trong lăng. Ngày nay, du khách đến lăng Ông Thủy Tướng có thể dễ dàng quan sát ngọc cốt được bảo quản trong tủ kính. Ngoài tín ngưỡng thờ cúng cá Ông tại lăng, ở Cần Giờ còn có một mảnh đất lớn được dành riêng để chôn xác cá Ông lụy ở vùng biển Cần Giờ mà người dân ở đây quen gọi là nghĩa địa cá Ông.
Ông Nam Hải cũng có hộ vệ
Bao đời nay, dân vạn chài từ dọc miền Trung đổ vào phương Nam, tận miệt mũi Cà Mau, vẫn khắc ghi những truyền thuyết về cá Ông. Phổ biến nhất có lẽ là chuyện cá Ông dùng thân mình che chở cho ghe thuyền, cứu người đi biển những lúc chẳng may gặp sóng to gió lớn. Ngoài câu chuyện này, truyền thuyết dân gian cũng có kể những điều ly kỳ liên quan tới ân nhân khác của ngư dân – đó là những hộ vệ bí ẩn của cá Ông.
Theo đó, cá Ông đi đâu cũng có tùy tùng hộ tống, gồm cặp mực tua và cặp cá đao. Hễ khi có lời cầu cứu từ những ngư dân gặp nạn, cá Ông sẽ lập tức bơi tới ứng cứu. Bơi trước mở đường cho cá Ông là cặp mực tua, khi có vật cản thì cặp mực tua phun mực làm mất phương hướng đối thủ để cặp cá đao bơi hai bên tiêu diệt đối thủ. Trước đầu cá đao có 2 cái gươm dài, được mô tả có hình dạng giống 2 lưỡi cưa lớn, dùng để bảo vệ cá Ông trước sự tấn công của kẻ thù.
Truyền thuyết này cũng có những chi tiết ly kỳ, trong trường hợp nếu cá Ông chậm trễ, không kịp đỡ thuyền của ngư dân khi cầu cứu thì cặp cá đao có nhiệm vụ đoạn Ông ra thành từng khúc. Có lẽ chính niềm tin rằng cá Ông xả thân cứu người, ngư dân luôn khắc ghi ơn đức của “ngài”, hễ khi đi biển mà gặp từng khúc cốt Ông trôi vào lưới, ngư dân gác lại mọi công việc đánh bắt, kính cẩn mang cốt Ông về tắm rượu sạch sẽ rồi chôn cất hoặc đặt vào hòm kính ở lăng để thờ.
Trong khi việc Ông “lụy” diễn ra khá nhiều, hàng năm có thể bắt gặp ở nhiều vùng biển nước ta, thì những hộ vệ của “ngài” lại hiếm khi “lụy” theo Ông. Điều đó lý giải vì sao vùng duyên hải các tỉnh miền Trung đổ vào Nam, có đến hàng trăm bộ cốt ông được thờ cúng, trong khi xương cốt của những hộ vệ của “ngài” thì lại không, có chăng chỉ là một phần thân xác hiếm hoi.
Cố nhà văn Sơn Nam cũng từng có ghi chép những câu chuyện kể về loài cá đao. Theo như cuốn “Truyện xưa tích cũ” (tập 1), người dân ở Côn Lôn (Côn Đảo – tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thường kể cho nhau nghe huyền thoại bơi trước Ông Nam Hải (cá Ông) là cặp cá đao to lớn, kề đó là đôi cá mực. Cá đao làm nhiệm vụ dùng đôi gươm khổng lồ khua lùa các loài cá nhỏ hướng vào miệng chủ tướng, còn cá mực thì phun chất mực đen khiến các loài cá ấy chạy thẳng vào miệng Ông. Khi miệng đầy cá, Ông sẽ ngậm lại rồi xịt nước thành cột cao để cảm ơn hộ tướng giúp mình được ngon miệng.
Cũng theo cố nhà văn Sơn Nam, một số vùng khác truyền lưu câu chuyện Ông đi đâu cũng có đôi cá mực cầm cờ dẫn đường, lại phun mực đen để đánh dấu cho chủ tướng biết đường mà đi. Trên hành trình ấy, đôi cá đao bơi cạnh 2 bên thân Ông làm nhiệm vụ hộ vệ. Câu chuyện này và những truyền thuyết dân gian kể trên tưởng chừng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của tiền nhân vốn là dân vạn chài cổ xưa, nhưng nếu ai đã đến thăm lăng Ông Thủy Tướng ở Cần Giờ, có thể sẽ phải thay đổi suy nghĩ.
Bởi nơi đây chẳng những thờ cúng, trưng bày cốt Ông mà còn có bằng chứng sống động về sự tồn tại của hộ vệ Ông Nam Hải. Đó là một phần thân thể của hộ tướng cá Ông được thờ phụng một cách trang trọng cùng với chủ tướng ngay tại lăng. Đây cũng là điều đặc biệt mà có lẽ chỉ duy nhất ở đây mới có, gợi mở nhiều điều lý thú.