Người đẹp đồng hành cùng du lịch
Từ khảo sát 22.000 người nước ngoài sinh sống trên toàn thế giới, tạp chí Condé Nast Traveler ghi nhận: “Việt Nam là lựa chọn tuyệt vời cho những người nước ngoài giàu kinh nghiệm. Đến đây, bạn sẽ bị lôi cuốn bởi nền văn hóa đầy màu sắc và sự thân thiện của người dân địa phương. Những người nước ngoài được khảo sát cho biết họ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống, cảm thấy như ở nhà trong vài tháng đầu tiên”.
Từ tín hiệu đáng mừng này, có thể thấy, trong bối cảnh chuẩn bị hậu dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng đã và đang có nhiều giải pháp hiệu quả, kịp thời để truyền thông và xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam với thế giới.
Có thể kể tới nỗ lực phát huy điểm đến Việt Nam “An toàn và Thân thiện” của cuộc thi Miss Tourism Vietnam 2020. Với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước và con người, Ban tổ chức cuộc thi cho biết điểm đến bán kết và chung kết cuộc thi đã hướng về tỉnh Đắk Nông – một địa danh vẫn còn hoang sơ, lạ lẫm với du khách trong và ngoài nước. Điểm nhấn là Công viên Địa chất Đắk Nông vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào giữa năm 2020.
Ngoài ra, cuộc thi sắc đẹp và du lịch Miss Tourism Vietnam 2020 còn quảng bá điểm đến khác của tỉnh Đắk Nông như Vườn Quốc gia Tà Đùng, Thác Lưu Ly, Thác Trinh nữ, Khu bảo tồn Thiên nhiên Nâm Nung, Cụm thác Dray Sáp - Gia Long, Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô,….
Các thí sinh trong cuộc thi cũng sẽ được tham gia các chuyến hành trình về nguồn, hòa cùng các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc M’nông, Ê-đê như sử thi, nghệ thuật cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống… Những hình ảnh này sẽ được truyền thông rộng rãi cho cả du khách trong và ngoài nước.
Tiếp đó phải kể đến chương trình truyền hình du lịch thực tế 4.0 sắp ra mắt cùng ứng dụng “Vietnam Why Not” về du lịch Việt Nam do Công ty TNHH Universe Media Vietnam (Unimedia) tổ chức sản xuất, vận hành, phối hợp với Appfast và TikTok đồng tổ chức.
Chia sẻ về sự ra đời của chương trình, ông Trần Việt Bảo Hoàng – Tổng Đạo diễn, CEO Unimedia cho biết: “Đi Việt Nam Đi – Vietnam Why Not không những chỉ mang sứ mệnh góp phần thúc đẩy nhu cầu, phát triển kinh tế du lịch mà còn tạo sự khác biệt, độc đáo với mong muốn đem đến một chương trình trải nghiệm du lịch thực tế hấp dẫn”.
Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch Việt Nam, các cơ quan, ban ngành địa phương các tỉnh, thành. Đặc biệt, chương trình quy tụ nhiều hoa hậu, á hậu, người mẫu nổi tiếng hiện nay của Việt Nam.
Đây là chương trình truyền hình thực tế kéo dài 10 tập phát sóng trên truyền hình và các website, ứng dụng trên mạng. Xuyên suốt cuộc thi, ứng dụng “Vietnam Why Not” sẽ được sử dụng, đóng vai trò là cổng thông tin chính thức, cập nhật liên tục hành trình của những người tham gia, từ đó tạo động lực cho khán giả tham gia hưởng ứng.
Truyền thông nhạy bén với xu thế
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn đang loay hoay với đại dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch - Bộ VH-TT&DL đánh giá hiện Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao.
Ngành Du lịch Việt Nam cần tranh thủ lợi thế này, tạo ra hiệu ứng truyền thông tốt để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam không chỉ trong ngắn hạn mà còn để về lâu dài.
Xu hướng du lịch của mọi du khách có thể sẽ thay đổi trong và sau thời gian diễn ra đại dịch bởi diễn biến đại dịch và chính sách về du lịch của các quốc gia có thể sẽ thay đổi. Do vậy, công tác truyền thông không chỉ cần đổi mới, sáng tạo về hình thức mà còn cần sự nhạy bén, linh hoạt với mặt xu thế.
Đơn cử, hiện nay, những chuyến đi nội địa, ngắn ngày hướng về các di sản văn hoá, thiên nhiên, tránh những tụ điểm đông đúc đang được ưa chuộng. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng địa phương cũng được đông đảo du khách trong ngoài nước quan tâm. Nắm bắt được xu thế này, đối tượng truyền thông được khoanh vùng tập trung hơn, tránh được lãng phí nguồn lực.
Thực tế còn cho thấy, các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không, đơn vị lữ hành cũng đã nhanh nhạy đưa ra các sản phẩm hấp dẫn về giá cả và chất lượng để thu hút du khách. Trong thị trường thông tin sôi động như vậy, người làm truyền thông cần cung cấp được cho du khách những hình ảnh, thông tin toàn diện, đầy đủ và trung thực về điểm đến, tránh tình trạng quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo.
Để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ với các hoạt động truyền thông hiệu quả, toàn diện. Trên nền tảng đó, ngành Du lịch tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh để phục hồi và phát triển thị trường du khách nước ngoài.