Thay đổi diện mạo nhờ thể thao
Ngày 17/10/1986, Barcelona (Tây Ban Nha) giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè 1992. Sự kiện này đã thúc đẩy chính quyền nước này nâng cấp, chỉnh trang thành phố cho đạt chuẩn quốc tế, đồng thời thực hiện chính sách mở cửa hội nhập quốc tế và định hướng phát triển kinh tế hướng ra biển. Sự kiện Olympic 92 tại Barcelona đã được coi là “cú huých” để thành phố và quốc gia này “thay đổi diện mạo”, từ đó hướng tới tổ chức nhiều hơn các giải thể thao lớn.
Hiện nay, Tây Ban Nha nổi bật với các sự kiện thể thao về bóng đá, giải đua xe công thức 1, đua xe máy, đua thuyền buồm, chạy việt dã… Sở hữu những sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới như Giải đua xe Formula 1 Gran Premio de Espana, Giải xe đua thể thao công thức 1 - Formula 1 Gran Prix, Giải vô địch đua xe thế giới FIA World Rally Championship…, vùng Catalunya đã tận dụng lợi thế này để marketing du lịch.
Năm 2003, Catalunya đã ban hành nhãn thương hiệu du lịch thể thao vào năm 2003 với mục tiêu quảng bá Catalunya là điểm đến thể thao hàng đầu, định vị điểm đến Catalunya mang tầm quốc tế. Các đối tượng được gắn nhãn thương hiệu là các thành phố, cơ sở thể thao, cơ sở lưu trú và đại lý lữ hành.
Các môn thể thao được gắn nhãn thương hiệu là điền kinh, chèo thuyền, canoeing, chèo xuồng, lặn, bóng đá, quần vợt, nhảy dù, đi xe đạp, bơi lội, chạy, các môn thể thao nhóm hoặc 3 môn phối hợp. Không chỉ trở thành nơi hội tụ của các sự kiện thể thao lớn, Catalunya còn là “cái nôi” nuôi dưỡng vận động viên khi có khí hậu và cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện các chương trình tập huấn của các vận động viên.
Năm 2012, Hàn Quốc tổ chức Giải vô địch Ballentine - một trong những sự kiện lớn đẳng cấp ở châu Á - Thái Bình Dương về bộ môn golf. Giải đấu thu hút những gôn thủ lừng danh nhất, nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông và mang lại lợi ích lớn cho các nhà tài trợ, có quỹ giải thưởng lớn, được tài trợ bởi một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Hàn Quốc, được tổ chức tại sân golf đẳng cấp nhất Hàn Quốc.
Hàn Quốc thúc đẩy sự kiện thể thao gắn với du lịch |
Chính phủ hỗ trợ giải vô địch Ballentine nhằm tăng thu hút đầu tư vào Hàn Quốc trong lĩnh vực du lịch, truyền thông, quan hệ công chúng… Cơ quan du lịch quốc gia Hàn Quốc là đối tác chính thức của giải vô địch Ballentine. Sự kiện được tổ chức nhằm hướng tới hoạt động thường niên với mục tiêu khẳng định Hàn Quốc là điểm đến du lịch golf hàng đầu thế giới; quy tụ các tay golf hàng đầu thế giới.
Toàn bộ thời gian trước và trong sự kiện, Cơ quan du lịch quốc gia Hàn Quốc đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc xúc tiến hình ảnh du lịch Hàn Quốc ra khắp thế giới, lồng ghép thêm các phong cảnh đẹp của Hàn Quốc vào các chương trình đưa tin cùng slogan “Korea always welcome you”.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã khuyến khích du lịch thể thao từ rất sớm. Pacific League là một trong hai giải bóng chày chuyên nghiệp của Nhật Bản, thu hút rất nhiều tuyển thủ, người hâm mộ từ Đài Loan (Trung Quốc). Thông qua đó, Cơ quan du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) đưa tin, quảng bá về du lịch nước này qua các trận thi đấu bóng chày, đồng thời xúc tiến bán các tour đặc biệt liên quan để sự kiện này.
Bên cạnh đó, Nhật Bản thu hút khách du lịch thể thao tham gia các hoạt động thể thao như trượt tuyết và lướt ván tuyết. 3 thành phố tại Nhật Bản nổi tiếng với các khu trượt tuyết và lướt ván tuyết vào mùa đông thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế là Niseko của Hokkaido, Zao của Tohoku và Hakuba của Nagano…
Để chuẩn bị cho Olympic và Paralympic Games Tokyo 2020, Nhật Bản đã chọn 91 thành phố làm chương trình “đơn vị chủ nhà” để giao lưu quảng bá với những nước tham gia các trận đấu. Chính phủ hỗ trợ ngân sách đối với các thành phố đã đăng ký để thực hiện chương trình giao lưu quảng bá và hỗ trợ các trại huấn luyện.
Đây là kế hoạch mang tính chiến lược để ngành du lịch Nhật Bản đạt mục tiêu 40 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2020, nâng cao thương hiệu du lịch Nhật bản là điểm nghỉ dưỡng và du lịch MICE, đưa Nhật Bản trở thành điểm đến hàng đầu. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Covid-19 đã tác động không nhỏ tới “tham vọng” này của Nhật Bản.
Còn nhắc tới xứ sở chùa vàng Thái Lan, du khách có thể nghĩ ngay đến các loại hình thể thao truyền thống như đua thuyền, đấm bốc Thái, thả diều, sepak takraw. Song, trong nhiều năm qua, Thái Lan đã phát triển du lịch thể thao ở cả loại hình hiện đại, bao gồm golf, quần vợt, marathon, bóng đá.
Quốc gia này có tiềm năng về du lịch thể thao với 229 sân golf, 21 trung tâm huấn luyện Muay Thai, 10 sàn đấu Muay Thai, 4 chương trình thi đấu Muay Thai. Các sự kiện thể thao lớn diễn ra thường xuyên trong năm tại Thái Lan, ví dụ năm 2017 tất cả các tháng đều có ít nhất một sự kiện thể thao lớn.
Các giải đấu thể thao chuyên nghiệp và sự kiện thể thao quần chúng được Chính phủ Thái Lan tận dụng để tạo hiệu ứng về truyền thông du lịch, tạo động lực thu hút người tham gia và các cổ động viên.
Từ đó, ngành du lịch Thái Lan lồng ghép quảng bá những sản phẩm du lịch độc đáo như các tour tham gia vào sự kiện thể thao quốc tế tại Thái Lan, bao gồm Lễ hội Wai Kay Muay Thai thế giới, Giải vô địch thế giới mô tô nước (Jet ski), Lễ hội thả diều thế giới, Giải marathon thế giới, Hội chợ du lịch golf Thái Lan, Giải quần vợt mở rộng Thái Lan… Những tour du lịch này đều được đông đảo bạn bè thế giới đón nhận.
Lợi ích nhãn tiền
Nhìn vào những thành công và nguồn thu to lớn từ du lịch thể thao, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang đẩy mạnh tạo dựng các lợi thế của riêng mình để cạnh tranh trên thị trường du lịch thể thao.
Rõ thấy nhất, du lịch thể thao là loại hình sản phẩm không có tính mùa vụ, đặc biệt phù hợp với các thành phố, đô thị, có thể dễ dàng mở rộng ra quy mô thế giới. Bởi lẽ các môn thể thao như bóng đá, cầu vợt, đua xe… đều là những bộ môn thể thao toàn cầu. bên cạnh đó, sự kiện thể thao là cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia.
Để làm được điều này, ngành du lịch các nước đã chuẩn bị và thực hiện các chiến dịch du lịch thông qua các sự kiện thể thao, ví như marketing, xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch của điểm đến gắn với sự kiện thể thao đó. Các thông tin được cung cấp cho du khách trước khi có sự kiện thể thao qua trang web chính thức, mạng xã hội, báo đài truyền thông trong nước, ngoài nước.
Du lịch thể thao không chỉ đơn thuần là tổ chức cho du khách, vận động viên hoạt động thể thao như leo núi, chạy bộ, chèo thuyền,… mà còn là bài toán về thu hút người hâm mộ đến xem giải thể thao cũng như người theo dõi trên các nền tảng “streaming” trực tuyến thông qua Internet, truyền hình.
Để nâng tầm du lịch thể thao tại một quốc gia, thách thức lớn nhất là cơ sở hạ tầng phải đồng bộ, đảm bảo chất lượng đẳng cấp quốc tế cả vể phần địa điểm tổ chức sự kiện và năng lực tổ chức, quản lý sự kiện thể thao,…
Điều này yêu cầu có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức, quản lý, xây dựng, cải tạo. Bởi lẽ, nếu địa phương quan tâm sẽ cho khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực thích hợp tổ chức các chương trình du lịch thể thao, kêu gọi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Còn các doanh nghiệp về thể thao trong và ngoài nước, với lợi thế sẵn có của mình, có thể đóng góp ý tưởng, trực tiếp đầu tư, tài trợ hoặc phối hợp thực hiện để có những sự kiện thể thao hấp dẫn, hút khách. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành cũng có vai trò thiết kế tour du lịch và hướng dẫn du khách đến với những hoạt động thể thao sôi động, phù hợp xen kẽ với các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng.