Theo AFP, các nhà lãnh đạo châu Phi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 4/12 tới sẽ tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi lần thứ 6 kéo dài trong 2 ngày tại Trung tâm hội nghị thuộc quận Sandton, Johannesburg, Nam Phi.
Trong khuôn khổ Diễn đàn này, dự kiến một loạt thỏa thuận liên quan đến việc xây dựng các nhà máy điện, các dự án cơ sở hạ tầng và nông nghiệp sẽ được các bên công bố.
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi vào năm 2009 và kim ngạch thương mại song phương được dự đoán sẽ vượt mức 300 tỉ USD trong năm nay. Trong đó, Trung Quốc trong thời gian qua đã liên tục đẩy mạnh việc mua dầu mỏ, quặng sắt uranium và đồng từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có châu Phi.
Trước thềm Diễn đàn, Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ chuyển hơn 117 triệu USD để hỗ trợ các nước ở khu vực Tây Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola, đồng thời cử hàng trăm nhân viên y tế tới đây để giúp đỡ các nước này đối phó với cuộc khủng hoảng.
Trong khuôn khổ Diễn đàn FOCAC này, dự kiến một loạt thỏa thuận liên quan đến việc xây dựng các nhà máy điện, các dự án cơ sở hạ tầng và nông nghiệp sẽ được các bên công bố.
Phát biểu từ Bắc Kinh ngày 2/12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Ming gọi hoạt động đầu tư – thương mại song phương giữa nước này với châu Phi là một “bình thường mới”. “Hợp tác Trung – Phi hiện đã ở giai đoạn cần phải được nâng cấp và chuyển đổi” – ông Zhang tuyên bố.
Tuy nhiên, các nước châu Phi cũng đã bắt đầu vấp phải nhiều khó khăn do hoạt động đầu tư từ Trung Quốc đã giảm đến hơn 40% trong nửa đầu của năm 2015. Ảnh hưởng nặng nề của sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc lên các nước châu Phi thể hiện rõ ở việc giá cả hàng hóa tại Zambia đã giảm mạnh đến 30% do giá đồng xuất khẩu của nước này bị giảm.
“Giá đồng giảm đã khiến nhiều công nhân ở các mỏ khai thác mất việc làm và đồng nội tệ đã mất đến 45% giá trị” – Bộ trưởng Thương mại Zambia Margaret Mwanakatwe cho biết.
Trước đó, cuối tháng 10 vừa qua, theo The Diplomat, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã mời các nhà lãnh đạo châu Phi tới New Delhi để dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ - châu Phi lần thứ 6 (IAFS).
Sự kiện này được tiến hành trong bối cảnh quan hệ về chính trị và kinh tế giữa Ấn Độ và các nước châu Phi đang bị lu mờ bởi quan hệ Trung – Phi.
Tại Hội nghị này, ông Modi đã cam kết đẩy mạnh dòng tín dụng của nước này tới châu Phi và nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Phi trong lĩnh vực nhập khẩu năng lượng của Ấn Độ. Ông Modi cũng chú trọng thúc đẩy như quan hệ giữa 2 bên thông qua các cam kết trong các lĩnh vực ngoại giao, thương mại, đào tạo…
Các nhà quan sát cho rằng, các sự kiện trên đã cho thấy sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên 3 phương diện: hàng hóa, thị trường và ủng hộ về mặt ngoại giao. Tuy nhiên, quyết định trong cuộc chiến giành ảnh hưởng này cho đến nay vẫn đang nằm ở suy tính của các nhà lãnh đạo các nước châu Phi./.