Mốc son bắt đầu từ tên gọi
Sài Gòn, giờ đây thi thoảng được nhắc đến như một cái tên bán chính thức của đô thị trung tâm phía Nam, xuất phát điểm chỉ là một khu chợ nhỏ của những người gốc Hoa qua lập nghiệp tại nước Việt, có bán kính chưa quá 1km2.
Đến tháng 4 năm 1861, sau khi chiếm được thành Gia Định, Phó Đô đốc Léonard Charner ra nghị định xác định địa giới thành phố Sài Gòn bao gồm cả vùng Sài Gòn và Bến Nghé. Sau năm 1956, tên gọi Sài Gòn được dùng chung để chỉ cả 2 vùng đất này. Sài Gòn là một cái tên mang tính lịch sử, nhưng đồng thời cũng gợi nhớ đến một quá khứ đau thương, bị xâm lược, bị đô hộ của dân tộc.
Để thay cũ, đổi mới, bước qua quá khứ, hướng đến một tương lai tươi đẹp, tự do và hòa bình, Sài Gòn đã được đổi tên, vinh dự lấy tên của Vị Chủ tịch vĩ đại của dân tộc. Ý nguyện này, từ rất lâu đã là tâm nguyện của nhân dân Nam bộ, được thể hiện ở bản Dân nguyện được kí tên bởi 57 đại biểu nhân dân Nam bộ.
Ban dân nguyện ra đời ngày 25/8/1946, đã cất lên tiếng nói của lòng dân: “Xin Quốc hội và Chính phủ trung ương đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại làm tên thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hi sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam bộ”. Cho đến khi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, câu chuyện đổi tên một lần nữa được đặt ra, cấp thiết hơn.
Và cuối cùng, ngày 2/7/1976, Kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa I của đất nước thống nhất đã thông qua việc đổi tên Sài Gòn thành TP.HCM. Việc đổi tên gọi đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao của toàn thể người dân Sài Gòn, người dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Đây cũng chính là vinh dự lớn lao cho nhân dân thành phố anh hùng đã không tiếc máu xương cho trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Việc đặt tên Bác cho thành phố cũng chính là lưu lại một kí ức lịch sử, từ thành phố này Bác đã lên tàu ra nước ngoài, mở đầu 30 năm hành trình đi khắp năm châu bốn bể, tìm đường cứu nước, giành tự do, giải phóng dân tộc.
Một thời gian khó
Để có một thành phố rực rỡ hôm nay, nhiều người chưa quên ở những buổi đầu tiên chính quyền và nhân dân thành phố đã phải đối mặt nhiều gian nan, vất vả. TP.HCM từng chứng kiến bao cảnh đời nghiệt ngã, tàn dư của chế độ cũ những năm sau giải phóng.
Nhà báo Trần Thanh Phương, trong thiên kí sự Sài Gòn tầng cao, Sài Gòn tầng thấp của mình đã mô tả những câu chuyện nhỏ để thấy những nỗi lo ngổn ngang của một thời kì. Những gái mại dâm trôi dạt, những băng cướp táo tợn sót lại từ trước năm 1975, ma túy lấp ló trên mọi nẻo đường, trẻ em lang thang, cơ nhỡ trên từng góc phố… những nạn nhân của lối sống xa hoa, hưởng thụ chế độ Ngụy đứng trước một cuộc sống mới, bơ vơ không biết về đâu.
Đối mặt với tệ nạn, chính quyền TP.HCM non trẻ còn phải đứng trước nỗi lo an nguy đất nước, khi thù ngoài, giặc trong vẫn còn đó, khi chính trị vẫn chưa hoàn toàn ổn định và những thương gia tư bản bóc lột, những tên ác ôn và những tổ chức chống phá thi thoảng vẫn trỗi dậy, gây hoang mang lòng dân.
Còn đó, những quả mìn chưa nổ vẫn rải rác trên những mảnh đất, chất độc da cam thấm sâu vào thế hệ con, cháu. Và còn đáng sợ hơn những quả mìn, đó là sự ngăn cách của lòng người. TP.HCM, trước kia là Sài Gòn, thành phố từng rất nhiều năm chịu sự nắm quyền của chế độ Mỹ Ngụy- những sai lệch về tư tưởng đôi chỗ đã thấm sâu. Vẫn còn những tư tưởng ngược nhau, những quan điểm chính trị lầm lạc.
Ngay cả trong những gia đình, bi kịch của các con ở những đầu chiến tuyến khác nhau cũng làm rạn nứt tình thân. Sau thống nhất đất nước, cần phải thống nhất lòng người và đó là cả một quá trình gian khó vô vàn, nỗ lực của cả Chính phủ và nhân dân trong công cuộc hòa giải dân tộc, xoa dịu những vết thương. Những năm tháng đó, TP đã thực sự nỗ lực hơn cả sức của mình. Chính quyền vắt sức để vượt khó, những thanh niên tình nguyện lên đường đến các vùng kinh tế mới, khai khẩn đất hoang, những gia đình khá giả góp sức, góp tiền cho công cuộc xây dựng đất nước.
Những năm 1978, ở TP.HCM, nhiều người còn nhớ “Hội nghị Diên Hồng” của các cụ già với khẩu hiệu “Đất nước chưa yên, tuổi già chưa nghỉ, các cụ đã tổ chức vận động các gia đình cho con em lên đường làm nghĩa vụ quân sự và chính các cụ cũng làm gương, động viên con cháu trong gia đình mình.
Những người thuộc những thế hệ trước lớn lên trong thời kỳ hòa bình, đổi mới đất nước thường nhớ như in về giai đoạn làm kinh tế khó khăn, những bữa ăn độn triền miên và thật hiếm hoi khi bữa cơm trong nhà có thịt. Đó là thời của tem phiếu, xếp hàng và TP đã biết tận dụng những doanh nhân thế hệ sau giải phóng đầy năng lực, giàu tấm lòng.
Từ đó, những hình thái kinh tế mới đầu tiên ra đời, cơ chế trói tay chân được xóa bỏ, tạo tiền đề cho nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đúng đắn về sau.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Chủ tịch Hội đồng Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Sài Gòn Co.op nhớ lại: “Trước tình hình đó, trong lòng chúng tôi luôn đau đáu câu hỏi, tại sao thị trường nước ngoài người ta vẫn kinh doanh được, trong khi mình lại khó khăn, chật vật? Có dịp gặp gỡ với một số tổ chức hợp tác xã ở các nước, chúng tôi thấy họ vẫn hoạt động rất mạnh, hiệu quả.
Do đó, chúng tôi nghĩ rằng, phải hình thành một tổ chức hợp tác xã hoạt động tự do theo quy luật chung của thị trường thì mới phát triển được. Từ đó mà chúng tôi mới nung nấu thành lập Liên hiệp Hợp tác xã mua bán TPHCM”.
Và trên bàn làm việc, trong suy tư của các vị lãnh đạo lúc bấy giờ đều đau đáu nỗi niềm làm sao giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cho dân. Từ đó, mới có những việc làm “xé rào”, đổi mới đã hình thành chủ trương mới về quản lý kinh tế sau đó.
Xứng đáng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một thời gian khó của kí ức đã lùi xa. Ngày nay, TP.HCM trở thành một trung tâm hàng đầu về kinh tế - xã hội – văn hóa của cả nước. Một đô thị rực rỡ thu hút đầu tư nước ngoài, luôn đi đầu trong đổi mới. Đô thị ấy đã phát huy mạnh mẽ các giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc văn hóa các nước phát triển, để tạo nên một văn hóa đô thị mới đầy hiện đại, cởi mở mà vẫn rất đậm đà bản sắc.
41 năm thành phố được giải phóng, 40 năm thành phố vinh dự, chính thức mang tên Bác, từ một thành phố với quy mô kinh tế tổng giá trị ước hơn 2,5 tỷ đồng, nay đạt hơn 957 ngàn tỷ đồng; một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân trong lưu vực như Nhiêu Lộc -Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, mang lại màu xanh cho những dòng kênh này.
Thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố đến hết năm 2015 đạt 5.538 USD/người/năm, tăng hơn 73% so với năm 2010, diện tích sàn nhà ở trung bình đạt 17,32 m2/người so với năm 1977 đạt 8,9m2/người, trong điều kiện dân số tăng từ 3,4 triệu người vào năm 1976 đến nay hơn 8,2 triệu người; kéo giảm chênh lệch thu nhập các nhóm dân cư từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị - nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 xuống còn 1,2 lần năm 2014; đến cuối tháng 6 năm 2016, số hộ dân có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm chỉ còn 3,32%.
Những thành tựu ấy đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tự hào nhắc lại tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào đầu tháng 7.
Những nỗ lực không ngừng của TP để xứng đáng với tên gọi Hồ Chủ tịch được Nhà nước ghi nhận. Đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc những đổi thay mọi mặt của TP.HCM, cũng trong lễ kỉ niệm này, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã nhận định:
“40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu bền bỉ, vượt lên khó khăn, thách thức, huy động tốt mọi nguồn lực với tư duy mới, cách làm mới phù hợp với thực tiễn của thành phố, của đất nước, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng..., đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ở tất cả mọi mặt của đời sống TP đều đạt những thành tựu đáng trân trọng, từ việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục trong nhiều thập niên, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội, chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và phát triển đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế đều có chuyển biến tích cực, khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, TP còn đạt những thành tựu trong cải cách hành chính, cải cách tư pháp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn vững vàng về chính trị, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước…
Một tên gọi mới đã mở ra cả một trang sử vàng. TP.HCM hôm nay đã khác Sài Gòn xưa. Cái khác không chỉ đến từ việc thay đổi tên gọi, mà đó còn là cả một quá trình thay da đổi thịt. Thành phố, cũng như mỗi người dân, đều là một con người mới, mang tư tưởng đúng đắn, mang sắc vóc của thời đại. Thành phố Hồ Chí Minh, tên gọi ấy đã trở thành một niềm tự hào.
“Nỗ lực phấn đấu để thành tựu đạt được trong thời gian tới của TP.HCM không chỉ là tỉ lệ tăng trưởng cao hơn cả nước, tỉ lệ đóng góp ngân sách ngày càng cao, mà quan trọng hơn chính là kinh nghiệm, mô hình, giải pháp mới, mang tính đột phá trong vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, góp phần tích cực để Đảng, Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa”, đó là nhiệm vụ mà đất nước giao cho TP.HCM, được thể hiện từ lời dặn dò của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.