Nhưng vấn đề quan trọng là sự phản ứng và hành động của các bên chịu trách nhiệm thực hiện như khối các cơ quan tư pháp, cơ quan hành pháp, truyền thông và gia đình đã tạo nên những hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe, gia đình của trẻ cũng như ảnh hưởng lâu dài cho xã hội. Phải chăng sự chậm trễ này có nguyên nhân từ pháp luật?
Trẻ em thiệt vì tư duy “trọng chứng hơn trọng cung”
Trong buổi tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em – Im lặng hay lên tiếng?” diễn ra ngay sau khi một loạt các vụ xâm hại trẻ em có nguy cơ “chìm xuồng” bị truyền thông phanh phui, có một câu hỏi nhức nhối được các chuyên gia xã hội học đưa ra.
Đó là Nhà nước đã có nhiều cơ chế để bảo vệ trẻ em, có tới 15 cơ quan bảo vệ trẻ em và đường dây nóng bảo vệ trẻ em là 18001567, nhưng vì sao mà không đáp ứng được nhu cầu bảo vệ trẻ em và khi bị xâm hại thì nạn nhân và gia đình các em không biết phải gọi ai để đưa “yêu râu xanh” ra ánh sáng để pháp luật trừng trị?
Đi tìm trả lời cho câu hỏi này, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho rằng lỗ hổng pháp lý ở Việt Nam là thường ưu tiên những chứng cứ xác thực, nhưng vấn đề xâm hại ở trẻ em thì rất phức tạp vì những ảnh hưởng không để lại dấu vết bằng mắt thường có thể nhìn thấy được, mà để lại trong tâm trí, tinh thần của các em. Lỗ hổng trong việc trọng chứng cứ khiến cho những vụ xâm hại trẻ em kéo dài.
Tham khảo một số luật pháp quốc tế có thể thấy các cơ quan chức năng được phép bằng chuyên môn nghiệp vụ dựng bằng chứng xác đáng. Chẳng hạn, như trường hợp của nghệ sĩ Minh Béo xảy ra tại Mỹ là không có chứng cứ nhưng cơ chế phòng vệ, bảo vệ trẻ em rất tốt nên chỉ cần thông tin liên quan đến việc xâm hại tình dục trẻ em được phản ánh tới cảnh sát thì họ đã dựng chứng cứ để bắt đúng người đúng tội.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về pháp luật hình sự cũng cho rằng, pháp luật đang có một “khoảng trống”. Theo luật sư, “trong vụ việc ở Hoàng Mai, có nhân chứng chứng kiến, trên cơ thể nạn nhân có dấu vết phù nề, có sự thừa nhận của nghi can trong băng ghi âm. Nhưng không phải vụ xâm hại tình dục trẻ em nào cũng có được “may mắn” nhiều chứng cứ như vậy.
Trong khi đó, hiện nay các cơ quan điều tra trọng chứng hơn trọng cung, luôn yêu cầu phải có “dấu vết vật chất” vì thế mà nhiều vụ dâm ô trẻ em mãi bị “chìm xuồng”. Ở nước ngoài, chỉ cần có hành vi gợi ý tình dục với trẻ em là đã bị khởi tố, điển hình như vụ Minh Béo. Rõ ràng rằng pháp luật Việt Nam đang có một “khoảng trống”, dường như phải đợi đến khi thủ phạm xâm hại đến thân thể trẻ em, để lại dấu vết mới ra tay thực thi.
Khoảng trống pháp luật giúp kẻ ấu dâm thoát tội
Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác bảo vệ trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ,TB&XH cho rằng: “Quy định hiện hành đang có khoảng trống và chưa đầy đủ khiến nhiều hành vi dâm ô trẻ em bị bỏ sót khi các yếu tố chưa đủ cấu thành tội phạm để khởi tố.
Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định khi xâm hại tình dục trẻ em, tùy từng trường hợp cụ thể mà đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em hoặc tội dâm ô với trẻ em. Trong trường hợp đối tượng có ý định giao cấu nhưng không giao cấu được do khách quan thì hành vi có thể cấu thành tội hiếp dâm trẻ em.
Tuy nhiên, để xác định dấu vết làm căn cứ khẳng định có hành vi xâm hại tình dục hay không là điều không đơn giản bởi nó liên quan trực tiếp đến tâm lý, lời khai của người bị hại, người liên quan…”.
Mặt khác, theo Thông tư Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục số 23/2010/TT-LĐTBXH của Bộ LĐ,TB&XH thì có rất nhiều cơ quan có thẩm quyền can thiệp, chăm sóc trẻ em như cơ quan LĐ,TB&XH các cấp, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong can thiệp và trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Nguyên Tú - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng trợ lý pháp lý - Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, thông thường khi muốn tố giác một hành vi phạm tội thì các nạn nhân thường có tâm lý đến cơ quan công an để trình báo. Sau khi tiếp nhận thông tin, cơ quan công an sẽ có tiến hành các hoạt động tiếp theo để xử lý tố giác tội phạm. Đối với trường hợp những đứa trẻ bị xâm hại cũng vậy, cơ quan công an là nơi đầu tiên mà các gia đình thường nghĩ đến để tố giác tội phạm.
Sau khi tiếp nhận, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Những cơ quan, tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em khác đóng vai trò hỗ trợ, phối hợp với cơ quan điều tra để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ như tư vấn, bảo vệ nạn nhân, hỗ trợ tâm lý để nạn nhân có thể nói lên được những sự thật cho cơ quan cảnh sát điều tra.
Nhìn nhận về việc chậm trễ xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trong những trường hợp mà dư luận đưa ra gần đây, ông Trần Nguyên Tú cho rằng: “Không có đủ thông tin nên rất khó đánh giá về việc này, tuy nhiên tôi cho rằng đối với những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em thì cần phải có giải pháp để vụ việc được xử lý nhanh, qua đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các cháu”.
Cần có cơ chế giám định tiền tố tụng để giữ dấu vết vạch mặt thủ phạm
Ở góc độ pháp luật, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia Nguyễn Đức Nhự cũng có nhiều băn khoăn. Bởi, hiện nay có một thực tế là nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em khi đến với cơ quan giám định trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất nhưng cơ quan giám định cũng gặp rất nhiều khó khăn vì chứng cứ đã bị… xóa sạch, vì khi vụ việc xảy ra, gia đình, chính quyền, cơ quan công an thường đưa nạn nhân đến các cơ sở sản khoa của bệnh viện để thăm khám.
Do không có nghiệp vụ pháp y mà chỉ có nghiệp vụ sản khoa nên trong quá trình thăm khám các y bác sĩ trong nhiều trường hợp đã vô tình có tác động làm mất dấu vết sinh học hoặc bỏ sót các thương tích ở các vùng khác của cơ thể có liên quan như: vết tinh dịch, lông bộ phận sinh dục, dấu hiệu chống đỡ… là những bằng chứng rất quan trọng giúp tìm ra thủ phạm. Cũng có những trường hợp gia đình nạn nhân do dự trong việc tố giác tội phạm, nên trình báo cơ quan chức năng muộn cũng là nguyên nhân khó khăn cho việc giám định và truy nguyên nghi can.
Bên cạnh đó, theo Luật Giám định tư pháp nếu người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
“Như vậy có thể hiểu nếu gia đình đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cho các cháu đi giám định mà không được đi giám định ngay thì phải đợi sau 7 ngày khi nhận được thông báo từ chối mới có thể có quyền tự mình yêu cầu giám định. Như vậy là quá lâu đối với các trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục cần đi giám định ngay.
Do đó chúng tôi đề nghị đối với các trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục cần có cơ chế cho phép đương sự tự yêu cầu giám định từ giai đoạn tiền tố tụng (thực tế đối với các trường hợp khác như xét nghiệm ADN thì các cơ quan tố tụng có thể chấp nhận kết quả xét nghiệm trước đó như là giám định tiền tố tụng; còn đối với những trường hợp bị xâm hại tình dục thì phần lớn do gia đình không biết để đề nghị cơ quan công an cho đi giám định sớm, nếu họ tự đi giám định trước thì theo luật lại vướng như đã nói trên). Khi cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết luận giám định đó để giải quyết vụ án thì sẽ trở thành kết quả giám định tư pháp” – ông Như kiến nghị.
... Từ ba khía cạnh trên, tuy chưa phản ảnh đủ hết được thực tế nhưng có thể thấy đã và đang tồn tại những rào cản về thể chế hay cách thức xử lý “có vấn đề” khiến cho bạo lực tình dục không những không giảm mà còn gia tăng với diễn biến ngày càng phức tạp trong thời gian qua.
Dạy trẻ “ngoan ngoãn là im lặng và nghe lời” thì trẻ dễ bị xâm hại tình dục cũng là điều dễ hiểu
Trước thực tế về nạn xâm hại tình dục trẻ em, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) đã gửi bước tâm thư kêu gọi những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này. GBVNet chỉ ra trong bức tâm thư rằng “nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, dù đã có bằng chứng rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu hình sự, lại được xử lý theo cách ‘hòa giải’”.
Theo các nhà xã hội, nhiều cán bộ trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, thay vì thực hiện trách nhiệm của mình lại đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em là thiếu hiểu biết hoặc không hành xử đúng mực.
Thay vì nghiêm khắc nhận trách nhiệm và củng cố, tăng cường các giải pháp bảo vệ và xử lý bạo lực và lạm dụng tình dục lại quy trách nhiệm cho phụ nữ và trẻ em phải tự bảo vệ mình.
Minh chứng cho nhận định này, với tư cách một người chuyên dạy kỹ năng sống cho trẻ em, bà Lê Thị Thanh Thủy - Giám đốc CLB Ô Xinh (Hà Nội) chỉ ra lỗ hổng trong việc nhà trường, gia đình và xã hội đã không quan tâm hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ ở trẻ.
Theo Giám đốc CLB Ô Xinh, một đứa trẻ vừa mới sinh ra đã bày tỏ cảm xúc là tiếng khóc, người mẹ dỗ dành bằng tiếng à ơi thì đứa trẻ cảm thấy yên tâm và nín. Vậy thì cảm xúc đó cần phải được bồi đắp nhưng hiện tại, ở mầm non cô giáo hoặc bố mẹ thì bắt con không được khóc, bắt con theo ý của mình, đến khi lớn lên thì trẻ phải nghe lời người lớn, tôn trọng thầy cô và dần dần hạn chế quyền tham gia của trẻ. Đến khi sự việc xảy ra, như vụ xâm hại này thì đứa trẻ phải làm gì? Về mặt kỹ thuật thì nói các bé kể lại nhưng bé có dám kể lại không, kể lại với ai thì rất khó khăn.
Có một sự thật ở đa số các gia đình hiện nay là đổ lỗi cho trẻ. Chẳng hạn, khi bé nói về tình trạng mất an toàn ở chỗ nào đó, ngay lập tức, phản xạ của các bố mẹ sẽ mắng con là “Sao mày lại vào đó”, nhưng thực tế đó không phải là lỗi của trẻ. Một phần nguyên nhân của trẻ bị xâm hại nhiều lần là trẻ không chia sẻ với bố mẹ.
Điều mà phụ huynh thường nói với con cái là bố mẹ đang rất bận, sao con cứ hay làm phiền. Dần dần hình thành cho trẻ là bố mẹ đang rất bận, việc này là việc của mình. Hoặc một đứa trẻ đi học về bị bạn xé sách vở, làm rách cặp sách… khi kể với bố mẹ thì ngay lập tức trẻ nhận được lời đổ tội: “Chắc con phải làm gì đó thì bạn mới làm như vậy” thay vì những lời động viên, chia sẻ.
Từ việc rất nhỏ, trẻ sẽ hình thành cơ chế là cách tốt nhất đừng nói nữa, vì rõ ràng không phải lỗi tại mình, nhưng mọi người lại đổ lỗi cho mình vì một lí do nào đấy. Và một điều bình thường của não bộ là tự bảo vệ bằng cách tốt nhất không nói, hoặc là mình sẽ tự giải quyết, hoặc tìm cách để giải quyết. Nhưng với kỹ năng, hiểu biết, môi trường trẻ tiếp xúc, việc tự giải quyết có thể đẩy các em đến hậu quả nghiêm trọng hơn.