Hành trình hy hữu
Ngôi nhà của đại tá Trần Ngọc Giao ở thôn Tập An Nam khá cũ. Khi chúng tôi ghé thăm, vị đại tá về hưu đang cần mẫn chăm sóc vườn bí đang ra hoa, còn vợ ông, bà Huỳnh Thị Cúc (90 tuổi) ngồi bên cạnh trò chuyện cùng chồng.
Trò chuyện với chúng tôi, đại tá Giao bảo, con trai ông là đại tá Trần Hoàng Triệu (nguyên Chánh thanh tra Công an Quảng Ngãi) đã làm nhà khang trang mời ông bà sang ở cùng. Nhưng, ông vẫn thích ở bên căn nhà cũ của gia đình, bởi nó gắn liền với kỷ niệm thời gian khó. Trong ngôi nhà, hai ông bà già cười nói thủ thỉ bên nhau.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Giao luôn nhắc đến cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vừa nói, ông vừa cho xem “thư viện” nhỏ của gia đình từ tờ báo đầu tiên “Xin đưa hồn anh về Tổ quốc” và kèm theo nội dung lá thư trên báo Công an TP.HCM số 167 ngày 11/10/1989 đến bức thư ông Giao gửi lại cho báo Công an TP.HCM đăng một tháng sau đó thông tin ông còn sống, đều được lưu giữ cẩn thận.
Tay run run lật tìm lá thư cũ được cất giữ trong ngăn tủ tài liệu cho chúng tôi xem. Sự xúc động hiện ra trên gương mặt hằn sâu vết chân chim của vị đại tá. Với ông và gia đình, sự trở về của lá thư sau 22 năm 6 tháng lưu lạc quả là một điều kỳ diệu.
Theo đó, năm 1967, đại úy Giao, khi đó là tiểu đoàn trưởng đang chiến đấu trên chiến trường khu V. Trong dịp đi công tác về quê, ông ghé về thăm gia đình, sau đó dẫn đứa con trai duy nhất là Trần Hoàng Triệu (lúc ấy 15 tuổi) đi thoát ly với mình. Lúc này, người vợ trẻ khóc hết nước mắt khi phải xa chồng, giờ lại xa con. Nhưng vì đại cuộc, bà Cúc vẫn khích lệ hai cha con lên đường, yên tâm chiến đấu.
Ngày 6/4/1967, đại úy Giao viết một lá thư nói về tình hình hai cha con để vợ yên tâm và động viên vợ ở quê nhà. Lá thư có 6 trang giấy, nhờ một chiến sĩ giao liên mang về. Thư gửi từ huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam), căn cứ địa hiểm trở của khu V đến Quảng Ngãi chỉ mất khoảng 5 ngày đi đường, nhưng nó đã lưu lạc qua bên kia nước Mỹ xa xôi. Để rồi đến tháng 10/1989, nó mới đến tay người nhận là Huỳnh Thị Cúc, sau 22 năm 6 tháng.
Người có công đưa có thư trở về với người nhận là nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Theo đó, tháng 7/1989, đoàn nhà văn Việt Nam gồm 3 người: Nguyễn Khải, Lê Lựu và Nguyễn Quang Sáng được Trung tâm nghiên cứu về chiến tranh và hậu quả xã hội của chiến tranh Việt Nam tại Mỹ mời sang để giao lưu giữa những cựu binh đã có thời hướng nòng súng vào nhau.
Sau mấy ngày hội thảo, đoàn nhà văn Việt Nam được mời đi tham quan phòng trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam tại Trường Đại học Massachusetts.
Vừa bước vào phòng trưng bày, đập vào mắt các vị khách là một bức thư bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, được lồng vào khung kính, đặt ở vị trí khá trang trọng. Lá thư gửi cho một người vợ tên Cúc, đề tên người viết là Trần Ngọc Giao.
Ai cũng đoán rằng một người lính Mỹ nào đó, đã lấy lá thư này từ balô hay túi áo của Giao sau khi anh hy sinh. Hình ảnh về người vợ mòn mỏi chờ đợi chồng trở về cứ hiện lên trong đầu nên nhà văn Nguyễn Quang Sáng quyết định chụp lại 6 trang thư.
Khi về nước, ông đã viết bài “Xin đưa hồn anh về Tổ quốc” và kèm theo nội dung lá thư trên báo Công an TP.HCM số 167 ngày 11/10/1989, với hy vọng người vợ tên Cúc trong lá thư sẽ đọc được.
Lúc này, một đồng đội cũ của đại tá Giao xem tờ báo nhận ra người viết thư chính là thủ trưởng của mình năm xưa, vẫn còn sống. Ông vội đem tới cho ông Giao. Cầm tờ báo trên tay, ông Giao không thể diễn tả hết niềm xúc động.
“Tôi hồi hộp nói với người đồng đội cũ: “Đúng thư tôi viết rồi! Đúng 100%, chỉ sai có 3 chữ, có lẽ do hồi đó tôi viết không rõ”. Giọng tôi run run, vừa mừng vừa tủi, không thể ngờ rằng sau 22 năm 6 tháng lá thư gửi cho người vợ thân yêu lại trở về tận tay tôi qua một bài báo”, ông Giao nhớ lại.
Lá thư trở về sau 22 năm lưu lạc. |
Thủy chung một cuộc tình
Kể chúng tôi nghe về câu chuyện lá thư bị lưu lạc 22 năm 6 tháng, hai vợ chồng ông Giao mắt rưng rưng, nhìn nhau. Bà Cúc lật tờ báo cũ chỉ cho chúng tôi xem. Dù tuổi đã cao, nhưng bà đọc từng câu, chữ trong đoạn cuối thư không sót một từ. Và có lẽ đối với bà những dòng thư xưa không bao giờ phai nhòa trong ký ức.
Đoạn cuối bức thư, ông Giao viết: “Anh rất thông cảm với nỗi khó khăn của gia đình Cúc ở quê nhà, nhưng bây giờ đành chịu vậy, Cúc cố gắng giải quyết mọi việc gia đình mình cho tốt. Ngày nào kháng chiến thắng lợi, anh sẽ gánh vác một phần cho Cúc đỡ vất vả. Ngày thắng lợi chắc không xa lắm! Anh mong ngày kết thúc chiến tranh thắng lợi được sống trong tình thương của gia đình và bà con làng xóm. Gần 20 năm xa nhà rồi còn gì nữa! Ngày ấy rồi nhất định sẽ đến. Cuối thư, anh gửi đến Cúc tất cả tình yêu thương nhớ của anh”.
Đọc lá thư chan chứa tình yêu thương mà ông Giao dành cho người vợ của mình ở quê nhà, khó ai tin, cuộc hôn nhân của ông và vợ không bắt đầu từ tình yêu đôi lứa mà thông qua sự mai mối, dựng vợ gả chồng từ gia đình.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mới học hết lớp 3, Trần Ngọc Giao đã phải nghỉ học. Năm 1945, cách mạng tháng 8 bùng nổ, xã Phổ Văn cũng như nhiều làng quê khác ở tỉnh Quảng Ngãi hừng hực khí thế cách mạng. Nhà nhà người người nô nức đi theo kháng chiến. Chàng nông dân hiền lành Trần Ngọc Giao cũng tham gia vào công tác thanh niên ở địa phương được cử làm thầy giáo bình dân học vụ.
Năm 1946, khi ấy 19 tuổi, qua mai mối, chàng thanh niên Giao được đính ước với cô gái tên Cúc. Cho đến lúc đó, ông Giao vẫn chưa hề biết mặt vợ mình. Năm 1948, một năm sau ngày cưới ông Giao xa người vợ trẻ, để gia nhập vào bộ đội, hành quân lên chiến khu V. Khi bà Cúc sinh người con trai duy nhất Trần Hoàng Triệu, ông cũng không ở bên cạnh vợ.
“Tình yêu của chúng tôi như thế đó. 67 năm, hạnh phúc bên nhau. Bây giờ đã 90 tuổi mà vẫn sống với nhau thế này, thì còn gì bằng. Rồi niềm vui như được nhân lên khi con cháu đã thành đạt. Vợ chồng tôi đang sống một cuộc sống thật bình dị và hạnh phúc bên con cháu”, bà Cúc nhìn chồng cười hiền.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau câu chuyện lá thư của ông Giao, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện phim “22 năm, 6 tháng”. Sau khi bộ phim được chiếu, đã có rất nhiều người đến thôn Tập An Nam để được chính nhân vật kể về câu chuyện. Các em học sinh Trường THCS Phổ Văn vẫn thường xuyên vào thăm, mời ông Giao nói chuyện truyền thống trong các ngày lễ.
“Cháu nhìn xem, bây giờ làng xóm đông đúc, chứ trước đây, Đức Phổ là vùng trắng, từ bờ Trà Câu này nhìn thấy cả bờ biển Mỹ Á. Nhưng dù khủng khiếp đến đâu, tôi vẫn tin có ngày chiến thắng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói, ông ấy quý bức thư bởi nói lên được niềm lạc quan của anh bộ đội trong chiến tranh. Các cháu bây giờ chũng thích nghe tôi kể lại những câu chuyện của mình để các cháu biết một thời gian khổ nhưng hào hùng của cha ông”, đại tá Giao vừa nói vừa giơ tay chỉ về phía xa.
Đã tuổi 90, hai vợ chồng vị đại tá về hưu vẫn còn khỏe, khá minh mẫn, miệng cười móm mém, thanh thản, lạc quan giữa cuộc đời, sau những năm tháng biền biệt xa cách suốt hai cuộc kháng chiến. Hằng ngày, hai vợ chồng vẫn tất bật với vài sào rau màu, vui thú cùng đàn gà, chăm sóc từng chậu hoa, cây kiểng ngoài vườn.