Tết năm nay được nghỉ 9 ngày. Riêng điều đó đã khiến những người con xa quê (trong đó có tôi) mừng rơi nước mắt. Cứ nghĩ đến niềm vui được đón Tết ở cả họ nội, họ ngoại, được nắm tay những người thân yêu đi trên con đường làng ngập vàng hương hoa dại là niềm hạnh phúc trong tôi như vỡ òa.
Nhưng đâu đó vẫn có những tiếng thở dài ngán ngẩm: nghỉ gì mà nhiều thế? Biết làm gì với gần chục ngày nghỉ tết? Tôi biết, nhiều người không thích Tết kéo dài tới gần chục ngày, cái lý họ đưa ra là nghỉ tết nhiều vừa tốn tiền lại lãng phí thời gian. Họ không thích về quê- vì có biết ai ở quê mà về? Không thích thăm viếng cha già, mẹ héo và hờ hững với cả bữa cơm Tất niên sum họp đại gia đình.
Để không lãng phí dịp nghỉ dài ngày, người ta bồng bế nhau đi du lịch nước ngoài hoặc nghỉ dưỡng ở những khu sinh thái. Với họ, chuyện về quê đón tết là một khái niệm cổ hủ và lạc hậu, không còn phù hợp với lối sống hiện đại và gấp gáp nữa. Những giá trị và chuẩn mực của một gia đình truyền thống dường như đã bị mai một rất nhiều.
Xin hãy đến những bến tàu, nhà ga vào những ngày cận tết, ở đó có những em sinh viên, những anh chị công nhân và cả những kỹ sư, bác sĩ lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Họ xếp hàng từ sáng tinh mơ tới tận chiều tối mới có thể cầm vài tấm vé về quê. Có chứng kiến cảnh ấy mới thấy hết sức nặng của tình quê hương trong mỗi trái tim những người con đang lập nghiệp chốn đô thành.
Những hồi ức trở về như mới hôm qua- khi mẹ con tôi đi bộ ra chợ huyện mua đồ chơi Tết (ảnh minh họa từ Internet) |
Là người luôn sống trong hoài niệm nên tôi luôn nhớ đến nhói lòng những ngày tết êm đềm đã trôi xa. Đó là những ngày giáp tết, tôi cùng mẹ rửa lá rong và vo gạo nếp gói bánh chưng. Bố và anh trai thì hì hụi bổ củi, quét vôi ve từ trong nhà ra đến tận ngõ.
Những hồi ức trong tôi trở về như mới hôm qua, tôi và mẹ đi bộ ra chợ huyện mua đồ chơi Tết. Cảm giác lâng lâng sung sướng khi mẹ để cho tôi được tự chọn những chiếc bóng bay đủ hình dáng và màu sắc. Chiều Ba mươi tết, tôi cùng em gái thổi bóng phồng cả má rồi thi nhau treo lên cành đào trước cửa. Thi thoảng, những tiếng nổ bụp bụp lại vang lên do chúng tôi tranh nhau xem ai thổi bóng to hơn.
Thấm thoát thế mà đã hơn hai mươi năm xa quê - hơn hai mươi năm tôi khăn gói ra thủ đô nhập học và lập nghiệp. Nhưng chưa tết năm nào Hà Nội níu được chân tôi ở lại. Tết đối với tôi là dịp nghỉ dài ngày duy nhất trong năm để vợ chồng tôi được về quê thăm thân, báo đáp công ơn cha mẹ sau một năm vật lộn với những mưu sinh nơi đất khách. Là nơi tôi tìm lại "hơi ấm ổ rơm" như một sự vỗ về, an ủi.
Tết cũng là dịp cho các con tôi được gần gũi ông bà, họ hàng, được làm quen với những cánh cò trắng chao nghiêng trên cánh đồng lúa đang thì con gái. Để các con tôi thêm yêu từng bụi chuối, bờ tre- những thứ chỉ có trong tranh ảnh, sách vở đối với tụi trẻ con lớn lên từ thành phố.
Chỉ về quê đón tết, tôi mới được quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, được thắp hương lên mộ những người thân đã khuât. Đón tết ở quê, tôi mới cảm nhận hết giá trị thiêng liêng và đầm ấm của bữa cơm đoàn viên trước buổi giao thừa, mới thấy hết sự gần gũi của tình làng nghĩa xóm. Về quê đón tết, tôi lại được cùng mẹ vào bếp để nấu những món ăn truyền thống của quê hương, được nghe mẹ kể về những đổi thay của chuyện làng, chuyện xóm.
Có về quê, tôi mới được sống lại những cảm xúc của những ngày đã xa, được hít hà mùi khói bếp vương vít lẫn vào trong tóc và thưởng thức những củ hành, củ kiệu do tự tay mẹ muối. Tôi lại đi tên con đường làng có những hàng bạch đàn già nua đã bong hết lớp áo nâu bạc phếch, lại được nhìn thấy những gương mặt thân quen của bạn bè từ thời chăn trâu, cắt cỏ.
Nhiều người không muốn về quê đón Tết, họ thích đi du lịch để thư giãn và xả stress- tôi không vì quan điềm cá nhân để phản đối hoặc lên án, bởi tôi tin họ có những lý do riêng. Nhưng, những ai còn mẹ, còn cha, còn những người thân yêu luôn mong chờ ở quê nhà thì hãy “đừng để buồn lên mắt mẹ” vào những dịp cả đại gia đình đoàn tụ, sum vầy.
Tết năm nay chúng tôi lại về quê- về để báo đáp công sinh thành của mẹ cha; về để nhận sự thương yêu, sẻ chia từ những người thương quý./.