Người phụ nữ kỳ lạ đó tên là Trại Kim Hoa (1872- 1936), tuy thân phận là gái điếm, nhưng được dân chúng Bắc Kinh tôn sùng, coi là vị cứu tinh; các văn nhân, học giả, nhà nghiên cứu thì dành những lời có cánh để ca ngợi.
“Hộ quốc nương nương”
Học giả Lâm Ngữ Đường viết: “Bắc Kinh được cứu, tránh khỏi một cuộc thảm sát quy mô lớn, trật tự dần được khôi phục, đó là nhờ vào phúc âm của kỹ nữ Trại Kim Hoa”; Giáo sư, nhà văn Hồ Thích: “Một kỹ nữ chưa từng có trong lịch sử”; nhà viết kịch Hạ Diễn: “Hết thảy các nhân vật lớn trong triều đều không bằng một cô kỹ nữ”; nhà thơ nổi tiếng, Giáo sư Lưu Bán Nông: “Trung Quốc có hai “bảo bối”, Từ Hi và Trại Kim Hoa; một người trong triều, một người ngoài dân gian; một người bán nước, một người bán thân; một người đáng hận, một người đáng thương”; còn họa sĩ lừng danh Tề Bạch Thạch thì mong sau khi chết được mai táng cùng Trại Kim Hoa…
Năm 1936, sau khi Trại Kim Hoa vừa qua đời 3 tháng, vở kịch “Trại Kim Hoa” của kịch tác gia Hạ Diễn được biểu diễn liên tục 22 buổi vẫn kín rạp, gây chấn động thành Bắc Bình (Bắc Kinh). Nhà văn Lỗ Tấn viết cảm thán: “Ngay từ khi ngủ với Thống chế Đức Alfred Graf von Waldersee vào thời Nghĩa Hòa Quyền, Trại Kim Hoa đã trở thành Cửu Thiên Hộ Quốc Nương Nương rồi”.
Trại Kim Hoa, người phụ nữ làm nghề hạ tiện nhưng được ca ngợi hết lời đó là một gái điếm nổi tiếng sống vào cuối đời Thanh, đầu thời Dân Quốc, được báo chí gọi là “Trung Quốc đệ nhất loạn thế giai nhân”. Đã có mấy chục cuốn truyện, vở kịch, bộ phim về Trại Kim Hoa nối nhau ra đời, càng ra đời sau càng được viết ly kỳ, cuốn hút.
Trong đó có mấy cuốn “Trại Kim Hoa ngoại truyện” của Tăng Phồn, “Trại Kim Hoa di sự” của Thẩm Vân Nông là đáng tin hơn cả; đặc biệt cuốn “Trại Kim Hoa bản sự” do Lưu Bán Nông viết theo lời kể của chính Trại Kim Hoa được coi là “có giá trị sử liệu nhất”.
Theo đó, Trại Kim Hoa đã được mô tả với những sự tích kiểu giai thoại như: “cứu hơn 10 ngàn người”, “Trại Kim Hoa là thần hộ mệnh của thành Bắc Kinh”…Cũng có người nghi ngờ điều đó bởi tất cả đều là lưu truyền trong dân gian, nhưng Trại Kim Hoa là nhân vật lịch sử có thật với nhiều chuyện đời thật được ghi nhận…
Trại Kim Hoa năm 13 tuổi |
Từ gái làng chơi thành Công sứ phu nhân
Trại Kim Hoa, tên thật Triệu Linh Phi, nhũ danh Triệu Thái Vân, sinh ở Huy Châu, tỉnh An Huy, sinh vào năm Đồng Trị thứ 11 (1872) trong một gia đình thân sĩ. Sau khi mẹ qua đời vì bệnh, theo cha đến Tô Châu. Là một cô gái có vẻ đẹp trời sinh hiếm có, ngay từ nhỏ cô bé đi đến đâu cũng đã cuốn hút ánh nhìn của đám mày râu.
Năm 1886, cô gái xinh đẹp Triệu Thái Vân mới 14 tuổi đã bị bán lên thuyền hoa trên sông Tô Châu làm kỹ nữ tiếp khách “bán nụ cười không bán thân”, đổi tên là Phó Thái Vân. Chỉ ít lâu sau, vẻ đẹp nghiêng thành và nụ cười tươi như hoa của Phó Thái Vân đã khiến danh tiếng cô lan truyền khắp thành Tô Châu.
Năm 1887, Triệu Thái Vân gặp được quý nhân khiến cuộc đời cô thay đổi hẳn. Quý nhân đó là Hồng Quân - Trạng nguyên khoa cử dưới triều Đồng Trị - đang giữ chức Học chính ở Giang Tây vừa về Tô Châu để chịu tang mẹ xong, vừa thấy mặt, quan trạng đã mê mẩn sắc đẹp của nàng nên cưới bằng được về làm người thiếp thứ hai và đổi tên nàng thành Hồng Mộng Loan.
Thế là từ một kỹ nữ thuyền hoa, Thái Vân bỗng chốc trở thành “Trạng nguyên phu nhân”. Khi đó Hồng Quân đã có tuổi, nhưng hai người vợ cũ đều hiền lành, nhu thuận, không tranh chấp gì nên cuộc sống của cô cũng dễ chịu…
Tháng 5/1888, chính phủ nhà Thanh phái Hồng Quân đi làm đại sứ ở 4 nước châu Âu Đức, Nga, Hà Lan, Áo. Theo lệ, đại sứ phải có phu nhân đi theo để tiện cho nghi lễ ngoại giao. Chính thất Vương phu nhân (vợ cả) của Hồng Quân bị ốm không đi được nên ông đưa Hồng Mộng Loan đi theo, nhân cớ đó sắm sửa phục sức cho người đẹp.
Thế là, mới 15 tuổi, Hồng Mộng Loan đã theo chồng đi sứ châu Âu với danh nghĩa Công sứ phu nhân. Vợ chồng họ mang theo một toán tùy viên và người phục vụ đáp thương thuyền “Saxion” tới Berlin. Trong thời gian đi sứ, Hồng Mộng Loan đã cùng chồng sống ở Berlin trong thời gian dài, rồi đến Saint Peterburg, Geneva và cả London, đắm mình trong giới thượng lưu, hân hạnh được Hoàng đế William đệ Nhị và Hoàng hậu Augusta Victoria của Đức tiếp kiến.
Chính trong thời gian này, Hồng Mộng Loan đã quen với Thống chế Đức Alfred Graf von Waldersee, người sau này là Thống soái Liên quân 8 nước ở Bắc Kinh. Cũng trong thời gian sống ở Đức, Hồng Mộng Loan đã sinh con gái với Hồng Quân, đặt tên là Đức Cung. 3 năm sau, tháng 11/1890, Hồng Quân mãn nhiệm trở về Thượng Hải, tháng 12 quay về Bắc Kinh giữ chức Tả thị lang Binh bộ, định cư Bắc Kinh.
Về nước, Hồng Quân báo cáo với chính phủ nhà Thanh: “Những người hiểu biết đều cho rằng trong vòng 10 năm tới sẽ xảy ra chiến tranh ở châu Âu”; cho rằng Trung Quốc cần “tu minh chính sự, lo việc phòng bị”, dự đoán sẽ xảy ra chiến tranh. Ông cũng tinh thông lịch sử, để ý đến chuyện địa lý vùng Tây Bắc.
Ông phát hiện một tấm bản đồ ở Nga, thấy có giá trị bèn nhờ người khắc gỗ để in, mà không biết rằng tấm bản đồ ấy đã vẽ một diện tích lớn lãnh thổ Trung Quốc vào cương vực của Nga. Năm 1892, khi Trung Quốc và Nga xảy ra tranh chấp lãnh thổ, người Nga đưa ra tấm bản đồ do Hồng Quân cho khắc in làm chứng cứ khiến Trung Quốc bị mất phần lãnh thổ rộng 120 ngàn km2. Vì vậy, Hồng Quân bị bãi chức, sau đó phát bệnh rồi chết.
Gái lầu xanh đời Thanh |
Quay lại chốn lầu xanh
Năm Quang Tự 19 (1893), Hồng Quân qua đời vào ngày 23/8 (âm lịch). Trên đường hộ tống linh cữu Hồng Quân về quê nhà ở Tô Châu, Hồng Mộng Loan đã rời khỏi gia tộc họ Hồng, ở lại Thượng Hải. Bà thuê một căn phòng ở ngõ Ngạn Phong, đường Nhị Mã, bỏ tiền mua về 2 cô gái, treo biển Tư Ngụ, tự đổi tên thành Tào Mộng Lan. Do tên tuổi Trạng nguyên phu nhân và Công sứ phu nhân của bà được lan truyền nên người ta gọi bà là “Hoa bảng trạng nguyên” (hàm ý đầu bảng làng kỹ nữ).
Năm Quang tự 24 (1898), chính thất của Hồng Quân là Vương Thị cho rằng Hồng Mộng Loan làm ô uế danh tiếng họ tộc nên nhờ trạng nguyên Tô Châu là Lục Nhuận Tường thông báo cho tri phủ Thượng Hải cưỡng ép Hồng Mộng Loan phải đóng cửa, cải giá, rời khỏi Thượng Hải trong vòng 3 ngày. Để tránh tai họa, Hồng Mộng Loan phải tức tốc đóng cửa kỹ viện rời đến Thiên Tân trong cảnh nợ nần thê thảm.
Ban đầu đến ở nhà Cao Tiểu Muội, khách chơi hay tin tìm đến rất đông. Sau đó bà đến thuê kỹ viện Kim Hoa cũ ở đường Tân Giang Bắc, đổi tên mình thành Trại Kim Hoa, treo biển “Trại Kim Hoa Thư ngụ”, lập ra “Kim Hoa ban” – đội kỹ nữ của bà để đón khách các nơi tìm đến. Thời đó, các nhà chứa ở Thượng Hải có mấy thứ bậc: “Thư ngụ” cao nhất, đến “Trường tam”, rồi “Huyền nhị”, thấp nữa là “Yên hoa quán”, hạng thấp nhất là “Dã kê” (Gà hoang – tức gái đứng đường). Trại Kim Hoa tự đặt mình vào hạng “Thư ngụ” cao nhất.
Tấm biển hiệu làm bằng chữ vàng nền đen, rất bắt mắt. Trại Kim Hoa không hề che dấu nhân thân của mình, mà còn lấy đó để kéo khách. Trong phòng bà ta có treo bức chân dung Hồng Quân để cho người khác biết mình là phu nhân Trạng nguyên, phu nhân Công sứ. Quả nhiên nhờ vậy mà Trại Kim Hoa trở thành nhân vật nổi tiếng, rất nhiều người tìm đến để được “thưởng thức”, việc kinh doanh của bà rất phát đạt. Có nguồn nói quan đại thần Lý Hồng Chương cũng tìm đến, nhưng chỉ uống rượu và nghe hát, thưởng thức kiểu “nhã hứng”.
Năm Quang Tự 25 (1899), bà chuyển về Bắc Kinh, lần lượt treo biển làm ăn ở ngõ Thạch Đầu, Tây Đơn rồi ngõ Thiểm Tây. Do kết thân với cự phú Bắc Kinh Lư Ngọc Phảng, nhận làm em, nên được người ta gọi là “Trại Nhị gia”.
Về sau bà lại chuyển về Thiên Tân. Trong thời gian này, bà sống cùng nhà sáng tác Kinh kịch Tôn Tác Đồng, (người ta gọi là Lục Tam Gia). Hai người gắn bó thân thiết, ông chống lưng cho bà và cũng ảnh hưởng đến việc làm ăn của bà. Trại Kim Hoa hai lần định đưa “Kim Hoa ban” đến Bắc Kinh nhưng tuần thành ngự sử nha môn ban lệnh cấm mở kỹ viện nên đều không thành.../. (Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 91, ngày 13/2/2017)