“Đột nhập” trung tâm xả thải
Khu công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (KCN Lê Minh Xuân) đóng tại địa bàn 2 xã Tân Nhựt và Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM). Nơi đây tập trung một số nhà máy, xí nghiệp nhựa, cao su, nấu cán kim loại, sản xuất ắc qui, hóa chất, xi mạ, dệt nhuộm...
Thời gian qua, người dân đã nhiều lần bức xúc phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại đây. Sau khi các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc, tình hình có tạm lắng được một thời gian. Tuy nhiên, không lâu sau thì sự việc lại tái diễn với mức độ trầm trọng hơn. Nhiều đám ruộng của người dân không thể nào sản xuất được vì khói, bụi và nước thải tràn ra, làm vụ nào gần như mất trắng vụ đó.
“Lúc trước gia đình tôi còn dùng nước giếng để nấu ăn nhưng giờ có khoan sâu hơn 200m cũng chỉ dám dùng để tắm, giặt. Nói là đã khắc phục nhưng hầu như đêm nào họ cũng xả nước đỏ lòm, hơi bốc nghi ngút, mùi hóa chất nồng nặc, khói, bụi bay mù trời...”, cụ Nguyễn Thị Sang (82 tuổi, ở cạnh KCN) bức xúc.
Qua nhiều ngày điều tra, chúng tôi thấy dù đây là vùng nông thôn với dân cư thưa thớt nhưng những dòng kênh xung quanh KCN Lê Minh Xuân có màu nước đen kịt, có nơi màu nâu đỏ. Tại kênh số 9 (ấp 1, xã Tân Nhựt, giáp ranh KCN Lê Minh Xuân), ban ngày chỉ thấy nước màu đen, các cống đều không có nước chảy. Tuy nhiên, người dân cho biết cứ đêm đến, lợi dụng đây là khu vực rất ít dân, đường đi lại khó khăn, cây cối rậm rạp nên các cơ sở sản xuất lại lén xả thải trực tiếp ra môi trường.
Để kiểm chứng vấn đề này, trong nhiều đêm liền phóng viên đã đóng giả làm người đi soi ếch. Lội ruộng vào sát tường rào các nhà máy, xí nghiệp tại KCN Lê Minh Xuân, chúng tôi phát hiện những ống khói không ngừng bốc khói và bụi bay mù trời. Theo quan sát, những luồng khói bụi này không bay cao mà là là rồi rơi xuống khu dân cư, ruộng đồng, vì đây là loại khói bụi có trọng lượng nặng khiến người dân khó thở và hết sức độc hại.
Tiến về phía các miệng cống tại kênh 9, chúng tôi thấy hai họng cống có đường kính khoảng 1,5m đang xả nước thải ra ào ào. Thứ nước này có màu đỏ ngầu, hơi bốc nghi ngút với nhiệt độ khá nóng.
Theo người dân, nước thải độc hại còn làm chết lục bình tại một con kênh chạy dọc đường số 1 của KCN (thuộc xã Lê Minh Xuân). Khi chúng tôi thắc mắc vì sao ở ngoài kênh B có một số nơi lục bình cũng chết thì người dân cho rằng, lục bình ở đó chết là do dân đi ghe thuyền xịt thuốc vì nó cản trở đi lại. Lục bình bị xịt thuốc sẽ rũ lá và chết rất nhanh. Tuy nhiên, lục bình chết ở con kênh chạy dọc đường số 1 của KCN là chuyện bất thường vì tại đây không có tàu thuyền đi lại.
Chưa hết, qua điều tra, chúng tôi còn phát hiện có rất nhiều chất thải rắn được một số doanh nghiệp xả thải bừa bãi ngoài đồng ruộng, bãi đất trống ngay gần KCN này...
Cán bộ môi trường cũng nóng ruột
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Lũy, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho hay, xã đã phối hợp kiểm tra thường xuyên tại các cơ sở gây ô nhiễm. Tuy nhiên, vì lực lượng quá mỏng lại chỉ làm vào giờ hành chính nên rất khó phát hiện các cơ sở xả thải ra môi trường. Khi phát hiện cũng chỉ biết báo cáo và kiến nghị lên cấp trên vì không thuộc thẩm quyền của xã. Ông Lũy mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp mạnh để giải quyết vấn nạn ô nhiễm nguy hại này.
Ông Ngô Nguyên Hồng, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, cán bộ phụ trách địa bàn các xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt cho biết thêm: “Hiện nay, công suất tối đa của nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Lê Minh Xuân chỉ đạt 6.000m3/ngày thì rất khó xử lý hết nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra. Hơn nữa, địa hình KCN thấp hơn hệ thống cống của KCN nên nước thải cũng rất khó chảy hết về hệ thống xử lý chung. Chính vì vậy, nhiều lúc nước thải từ KCN này tràn ra cống thoát nước mưa, chảy ra môi trường”.
Cán bộ này nói ông đã gặp gỡ Ban Quản lý KCN, đã có kiến nghị lên Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan khác để tìm cách khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp gì.
Phía đại diện KCN Lê Minh Xuân thừa nhận có tình trạng một số doanh nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường, một phần do công nghệ lạc hậu, một phần do ý thức kém. Để hạn chế tình trạng này, KCN Lê Minh Xuân đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đo chất lượng nước thải sau xử lý nhằm kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng đã lắp đặt trạm quan trắc tự động 24/24h chất lượng nước thải sau xử lý. Ngoài ra, Ban Quản lý KCN cũng đã có văn bản kiến nghị đến Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường.., đề nghị các cơ quan này tăng tần suất kiểm tra định kỳ và đột xuất, lấy mẫu thường xuyên và đột xuất đối với các doanh nghiệp dệt nhuộm, xi mạ... để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, không thể để các doanh nghiệp “thoải mái” sản xuất kinh doanh, thu lợi nhuận bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân.
Nhiều doanh nghiệp không sợ “roi”?
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, chỉ tính từ năm 2013 đến nay, riêng về ô nhiễm không khí, khói bụi tại KCN Lê Minh Xuân, UBND huyện này đã ban hành hơn 30 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Theo đó, có một số doanh nghiệp bị phạt nhiều lần như Công ty TNHH SX-TM-DV dệt nhuộm Ngọc Nhi bị xử phạt 2 lần, Công ty TNHH Nhuộm dệt may và Thương mại Huy Phú 2 lần. Riêng Công ty TNHH TM-DV Phước Hải bị phạt 3 lần với số tiền gần 300 triệu đồng.