Báo cáo trước QH, Tổng Thanh tra CP cho biết, vừa qua, ngành Thanh tra đã tích cực trong việc phát hiện, chuyển cơ quan điều tra một số vụ án tham nhũng. Nhưng đúng là con số chuyển chưa nhiều. Cụ thể, thanh tra đã chuyển hơn 200 vụ việc (240 người vi phạm) qua cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự, trong đó Thanh tra Chính phủ chuyển hơn 40 vụ.
Trong số những vụ việc đó, có nhiều vụ tính khả thi của việc điều tra truy tố xét xử chưa đầy đủ, yếu tố cấu thành tội phạm tham nhũng cũng chưa rõ. Vấn đề này, ngành thanh tra sẽ tiếp tục triển khai, quan tâm thực hiện, tích cực chuyển các vụ việc sai phạm tới cơ quan điều tra xử lý.
Liên quan việc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng, Tổng thanh tra cho biết từ 2011-2013 toàn ngành có 85 cán bộ công chức bị xử lý/28.000 cán bộ toàn ngành, có 14 người bị xử lý hình sự, có 11 người có dấu hiệu tham nhũng.
Theo chất vấn của ĐBQH, đây con số không nhiều cán bộ công chức của Thanh Tra Chính phủ bị xử lý. Ông Tranh cho rằng những năm qua ngành đã khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém, nhưng vẫn còn nổi lên mấy nguyên nhân trong đó vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh xử lý cán bộ do bệnh thành tích.
Theo Tổng thanh tra, giải pháp của thời gian sắp tới là khắc phục tình trạng nể nang, tăng cường giáo dục tư tưởng cán bộ, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu...
ĐB Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi cho Tổng thanh tra CP: “Vừa qua, cùng với một số vụ án tham nhũng lớn, còn nhiều “tham nhũng vặt”. Tổng thanh tra nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Tổng thanh Tra Huỳnh Phong Tranh nói: “Tham nhũng vặt, trong luật gọi là tham nhũng nhỏ. Trong thời gian qua, chúng tôi có nhận thấy diễn ra trên một số lĩnh vực. Thời gian sắp tới, chúng tôi nhận thức nếu thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa sẽ hạn chế được.” Theo Tổng thanh tra, để hạn chế “tham nhũng vặt” cần làm tốt trách nhiệm của “người đứng đầu” trong việc giáo dục cán bộ, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Trong phần trả lời chất vấn của mình, Tổng thanh tra cũng thẳng thắn thừa nhận: Tham nhũng đang là thách thức lớn. Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, việc phát hiện xử lý chưa đáp ứng mong muốn của nhân dân. Theo ông, đây là vấn đề của nhiều ngành. Tổng thanh tra dự báo sắp tới, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi, khó khát hiện, thiệt hại do tham nhũng vẫn còn cao, nhưng thu hồi, xử lý tài sản còn thấp. Hành vi tham nhũng sẽ ở nhiều dạng khác nhau .
Về vấn đề giải pháp, theo ông Huỳnh Phong Tranh, Thanh tra CP đánh giá có 4 giải pháp phòng ngừa hiệu quả tích cực gồm: công khai tài sản, công khai minh bạch hoạt động trong các cơ quan, đơn vị; thứ hai là xây dựng, thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn; thứ ba là thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc nghề nghiệp; thứ tư là cải cách hành chính.
Hai giải pháp được đánh giá là có hiệu quả trung bình gồm: chuyển đổi công tác; trả lương qua tài khoản.
Ba giải pháp được xem là có hiệu quả thấp gồm: minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nộp lại quà tặng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
|
ĐB Nguyễn Bá Thuyền chất vấn Tổng thanh tra |
Thời gian tới, thanh tra chính phủ có đề xuất những giải pháp gồm: Chính phủ và Quốc hội nên nghiên cứu tiếp tục sửa đổi luật phòng chống tham nhũng theo hướng luật càng ngày càng chặt chẽ và có tính pháp lý cao hơn; thứ hai là triển khai tích cực chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kê khai tài sản, thu nhập, thứ ba là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy.
Về chất vấn đối với năng lực đạo đức cán bộ đáp ứng nhu cầu thanh tra phòng chống tham nhũng, ông Huỳnh Phong Tranh nhận trách nhiệm vì trong thời gian qua ngành thanh tra cũng đã tham gia tích cực trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng nhưng mức độ chưa nhiều, chưa đạt.
Liên quan đến vấn đề dư luận xôn xao thời gian qua khi báo chí đưa tin về số tài sản khủng của một vị là cán bộ ngành thanh tra, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi với Tổng thanh Tra: “Điều đó có đúng không, nếu có thì xử lý thế nào?”
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh trả lời: Khi nhận được thông tin từ báo chí, với trách nhiệm của mình, Thanh tra Chính phủ đã chủ động yêu cầu Phó tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh báo cáo nguồn gốc và kê khai tài sản từ năm 2007 đến nay. “Đối chiếu việc kê khai này thì đều đúng qua các năm”, ông Tranh cho biết.
Cùng với đó, Thanh tra cũng đã yêu cầu ông Ngô Văn Khánh làm báo cáo giải trình việc kê khai tài sản. Bản giải trình đã được trình trước Ban cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ cũng như gửi tới các cơ quan chức năng. “Anh Ngô Văn Khánh là cán bộ thuộc Trung ương quản lý nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào cuộc nắm tình hình, từ đó có xem độ chính xác và sẽ kết luận sau”, Tổng Thanh tra cho biết
Tờ Vnexpress dẫn lời đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) yêu cầu làm rõ việc Thanh tra đã công bố nhiều kết luận trong đó giá trị tài sản thu hồi lớn, nhưng thực tế kết quả thu hồi xử lý sau thanh tra ra sao.
Tổng Thanh tra thừa nhận, giai đoạn 2008-2011, việc xử lý sau thanh tra tỷ lệ rất thấp, trong đó thu hồi tiền chỉ đạt 30% và 20% với đất đai. Một trong những nguyên nhân thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp là có trường hợp kết luận Thanh tra chưa khả thi. Phần khác là do chế tài chưa đủ mạnh, chưa có tổ chức hoàn chỉnh để thực thi kết luận.
“Với tư cách người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về khuyết điểm này”, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn.
Để việc thu hồi tài sản đạt hiệu quả cao, Thanh tra Chính phủ cho biết đang "đề nghị ban hành nghị định xử lý sau thanh tra, mới đây đã thành lập Vụ Giám sát xử lý sau thanh tra" và dẫn chứng, tỷ lệ tiền thu hồi sau thanh tra năm 2012 đã tăng lên 51% và 53% trong năm 2013. Trong khi tiền thu được sau kiến nghị năm 2012 lên đến 83%.
Cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định Phong tỏa tài sản với đơn vị không thực hiện kết luận. “Thanh tra chỉ có quyền phát hiện, kiến nghị chứ không có quyền xử lý, cưỡng chế nên việc thực hiện kết luận còn hạn chế”, ông Huỳnh Phong Tranh nói./.