Luật hình sự mới sẽ bổ sung tội về tham nhũng
Trước câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) về vấn đề thi hành án của các đại án kinh tế, đại án tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tâm sự: “Mỗi khi ta xét xử đại án tham nhũng, không khí Nhân dân phấn khởi, nhưng anh em thi hành án rất lo.”
Phân tích thực tế tình hình thi THADS, Bộ trưởng cho biết: Thu hồi tài sản của đại án tham nhũng rất ít vì nước ta chưa có hệ thống đăng ký tài sản minh bạch. Việc mua bán trả tiền qua thẻ tín dụng chưa nghiêm. Đặc biệt, có sự cắt khúc nghiêm trọng trong quá trình xử lý vụ án: Điều tra một khúc, truy tố một khúc, xét xử một khúc. Và hoạt động thi hành án lại hoàn toàn tách biệt khỏi hoạt động tố tụng.
Bộ trưởng cũng không phủ nhận một phần lý do là có một số cán bộ thi hành án chưa làm hết trách nhiệm. Ở một số trường hợp, không thể tổ chức thi hành khi thuộc vụ án phần thi hành phải có đơn đề nghị thi hành án. Lấy ví dụ ở đại án Vinashin, Bộ Trưởng nói: Các công ty “con”, công ty “cháu” của Vinasshin không đòi bồi thường thì cơ quan thi hành án không thể yêu cầu Vinashin thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng: Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu đề xuất để có sự kết nối, liên thông của cơ quan THADS với các khâu từ đầu quá trình điều tra, tố tụng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với tài sản để đảm bảo thi hành án.
Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Văn Đương về việc thay đổi chính sách hình sự đối với tội tham nhũng, Bộ Trưởng nói: “Đinh hướng sửa đổi Luật Hình sự đã được banh hành Nghị quyết. Liên quan đến những tội tham nhũng, Ban soạn thảo cùng Ban phòng chống tham nhũng đang nghiên cứu đề nghị bổ sung một số tội liên quan đến hành vi này, và nội luật hóa một số tội trong công ước quốc tế về chống tham nhũng mà ta là thành viên. Một số tội đó là kê khai tài sản gian dối, tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân, làm giàu bất hợp pháp… Đồng thời cũng đề nghị trình CP bổ sung vấn đề truy tố pháp nhân…
Công tác ban hành văn bản luật cần được nhìn lại
Về câu hỏi tình về tình trạng xin lùi, xin rút lại việc ban hành văn bản luật, pháp lệnh trong chương trình QH mà ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải trình: Báo cáo QH, từ năm 2013, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút. Từ đầu năm đến nay là lùi 13 văn bản, rút là 2 văn bản. Con số này đã ít hơn năm 2012.
Về khách quan, một số dự án xin lùi vì chờ tổng kết, báo cáo có kết luận của Trung ương. Như Luật đất đai, luật Hợp tác xã… hoặc chờ thời điểm, chờ đàm phán… Một số luật lùi để xem xét đồng bộ với luật khác, ví dụ Luật Ngân sách để chờ luật Địa phương, hay Luật Hộ tịch, chờ Luật Căn cước. Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo rút vì Chính phủ chỉ đạo xây dựng luật
Bộ trưởng cũng thừa nhận, về chủ quan, đúng là có những dự án cuẩn bị chưa kỹ, chưa xác định được mục tiêu chính sác như Luật Đô thị, Luật Quy hoạch. Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm của Bộ Tư pháp, của Bộ trưởng đối với phần việc này.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Bá Thuyền về quyền khởi kiện người dân khi bị thiệt hại bởi văn bản pháp luật ban hành chậm, ban hành sai, Bộ trưởng nói: “Tôi đồng tình, trong nhà nước pháp quyền, cũng cần nghiên cứu để người dân có quyền khởi kiện văn bản Nhà nước khi ban hành văn bản sai, chậm phải có trách nhiệm đối với thiệt hại của họ. Đã đến lúc, cần giao trách nhiệm cho Tòa án tối cao. Nếu phát hiện thấy văn bản trái Hiến pháp, Tòa án tối cao có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó.”