Đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động trọng tài
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì Tòa án đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động trọng tài thông qua việc hỗ trợ và giám sát hoạt động trọng tài như chỉ định trọng tài viên (đối với trọng tài vụ việc), giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của trọng tài, hỗ trợ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hỗ trợ triệu tập nhân chứng và thu thập chứng cứ, đăng ký phán quyết trọng tài (đối với trọng tài vụ việc), xem xét hủy phán quyết trọng tài... Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Tòa án có thể tồn tại mà không cần có trọng tài nhưng trọng tài không thể tồn tại nếu thiếu sự trợ giúp kịp thời của Tòa án.
Thời gian qua, một trong những kết quả nổi bật nhất của Tòa án trong việc hỗ trợ hoạt động trọng tài là áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo số liệu thống kê, Tòa án đã ban hành 15 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng trọng tài nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các bên tranh chấp khi tham gia trọng tài. Hoạt động hỗ trợ này của Tòa án có ý nghĩa quan trọng đối với trọng tài, góp phần làm tăng thêm tính hấp dẫn và tính hiệu quả của phương thức trọng tài, đảm bảo khả năng thi hành phán quyết trọng tài. Trên thực tế, sau khi Tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tỷ lệ các bên đạt được thương lượng và hòa giải mà không cần Hội đồng Trọng tài phải ra phán quyết trọng tài là rất cao, chiếm đến 40%.
Ngoài ra, Tòa án cũng đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ trọng tài như giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng Trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được (khoảng 10 yêu cầu), thu thập chứng cứ phục vụ tố tụng trọng tài.
Phải có cam kết chính trị
Bên cạnh sự hỗ trợ có hiệu quả của Tòa án đối với trọng tài, vẫn còn một số hoạt động chưa đạt được như mong đợi. Đáng lưu ý hơn cả là vấn đề hủy phán quyết trọng tài. Luật Trọng tài thương mại được đánh giá là khắc phục các hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, giới hạn căn cứ hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, tỷ lệ phán quyết trọng tài bị hủy trong giai đoạn Luật có hiệu lực lại cao hơn giai đoạn Pháp lệnh có hiệu lực.
Đơn cử tại TP.HCM, nếu như từ giữa năm 2003 đến giữa năm 2010 (7 năm áp dụng Pháp lệnh) chỉ có 24 đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong nước được Tòa thụ lý thì từ ngày 1/1/2011 đến ngày 31/1/2014 (hơn 3 năm áp dụng Luật), Tòa đã thụ lý 24 đơn. Và số trường hợp Tòa hủy phán quyết trọng tài tăng lên rõ rệt so với số trường hợp Tòa không hủy phán quyết trọng tài. Nếu ở giai đoạn áp dụng Pháp lệnh, tỷ lệ là 2/11 đối với phán quyết trọng tài trong nước (tương đương khoảng 18%) thì ở giai đoạn áp dụng Luật, tỷ lệ tăng lên 5/12 (khoảng 41%). Hay thống kê riêng của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, tỷ lệ hủy phán quyết trọng tài trong những năm 2003 - 2010 là 43% và trong những năm 2011 – 2014 lên đến 50% và tỷ lệ hủy là rất cao so với các nước trên thế giới.
Tình trạng hủy phán quyết trọng tài của Tòa án gây tâm lý lo ngại cho người dân và doanh nghiệp khi đưa ra quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Môi trường kinh doanh và pháp lý của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự quan ngại của các tổ chức quốc tế được chia sẻ trong nhiều diễn đàn, hội thảo.
Tại một hội thảo diễn ra hồi tháng 5/2013 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp Hàn Quốc tổ chức, Luật sư Hee-Kyung Byun cho rằng: “Trên thực tế đã có một số lượng lớn các phán quyết bị Tòa hủy, điều này ảnh hưởng tiêu cực tới bản chất của phương thức trọng tài”. Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2013, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ lo lắng: “Các phán quyết của trọng tài thường dễ dàng bị đảo ngược khi đưa ra Tòa”.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị cần quan tâm hơn nữa tăng cường vai trò hỗ trợ, giám sát của Tòa án đối với hoạt động trọng tài và nhấn mạnh trong vấn đề này phải có cam kết chính trị mới thực hiện được. Theo Luật sư Vũ Ánh Dương – Tổng Thư ký VIAC, TANDTC có bộ phận chuyên theo dõi, giám sát việc hủy phán quyết trọng tài, còn các TAND bố trí một số thẩm phán chuyên giải quyết việc trọng tài nói chung và yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nói riêng.
Cùng quan điểm với ông Dương, Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng phân tích, việc phân công cho TAND TP.Hà Nội, TAND TP.Đà Nẵng, TAND TP.Hồ Chí Minh giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là hết sức đúng đắn để tránh tình trạng hiểu và áp dụng sai pháp luật, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý đối với việc giải quyết các yêu cầu liên quan đến trọng tài thương mại. Từ đó, ông Dũng đề xuất cần có tòa chuyên trách với đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về lĩnh vực trọng tài./.