Được thu tiền dịch vụ tư vấn
Ông Trần Văn Tư (Thanh Trì, Hà Nội) hỏi: “Tôi thấy nhu cầu xác định giá đất hiện nay là rất lớn. Vì thế, tôi muốn thành lập công ty có chức năng tư vấn xác định giá đất để kinh doanh. Tôi muốn hỏi quyền và nghĩa vụ của đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này là gì? Điều kiện hoạt động của tổ chức tư vấn xác định giá đất”?
Liên quan đến vấn đề này, từ trước và sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, mặc dù có giai đoạn thị trường bất động sản (BĐS) ít giao dịch, trầm lắng nhưng nhìn chung hoạt động kinh doanh BĐS vẫn có sức thu hút nhất định đối với người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt thời gian gần đây, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu khởi sắc. Đi cùng với nó, nhu cầu xác định giá đất một cách khoa học, khách quan được nhiều người chờ đợi. Vì thực tế, đã qua thời kỳ “bong bóng” BĐS, thời kỳ giá đất tăng cao một cách chóng mặt, hiện nay BĐS đang dần trở lại với giá trị thực của nó, với các đối tượng khách hàng là những người có nhu cầu thực. Vì vậy, vị trí, vai trò cũng như quyền và trách nhiệm của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, tư vấn giá đất một cách khách quan trên cơ sở khoa học, chính xác là hết sức quan trọng.
Liên quan vấn đề này, Điều 116 Luật Đất đai năm 2013 quy định quyền của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất như sau: “a) Thực hiện tư vấn xác định giá đất theo quy định của Luật này, Luật Giá và quy định khác của pháp luật có liên quan; b) Yêu cầu bên thuê tư vấn cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc tư vấn xác định giá đất; được nhận tiền dịch vụ theo thoả thuận trong hợp đồng; c) Đơn phương chấm dứt hoặc huỷ bỏ hợp đồng tư vấn xác định giá đất khi bên thuê tư vấn vi phạm điều kiện do hai bên thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật;…”.
Về nghĩa vụ của tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, Luật Đất đai quy định: “a) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả tư vấn xác định giá đất; b) Thực hiện thoả thuận theo hợp đồng tư vấn xác định giá đất với bên thuê tư vấn; c) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức, kết quả hoạt động tư vấn xác định giá đất định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất; d) Thực hiện nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan theo quy định của pháp luật; đ) Đăng ký danh sách Định giá viên và việc thay đổi, bổ sung danh sách Định giá viên với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức tư vấn xác định giá đất đặt trụ sở chính; e) Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về kết quả tư vấn xác định giá đất;…”.
Không đủ 3 Định giá viên có thể bị phạt 10 triệu
Điều kiện hoạt động của tổ chức tư vấn xác định giá đất được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Theo đó, tổ chức đó phải có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc thẩm định giá hoặc tư vấn định giá BĐS, và phải có ít nhất 3 Định giá viên đủ điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất khi hoạt động.
Như vậy, việc bắt buộc phải có ít nhất 3 Định giá viên đủ điều kiện hành nghề tư vấn xác định giá đất là một trong hai điều kiện bắt buộc để tổ chức được hoạt động tư vấn xác định giá đất.
Nếu tổ chức không có đủ 3 Định giá viên thì bị phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai). Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, như: tước giấy phép hoạt động từ 6 tháng đến 9 tháng đối với tổ chức có giấy phép hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động từ 9 tháng đến 12 tháng đối với tổ chức không có giấy phép hoạt động.
Theo Điều 116 Luật Đất đai năm 2013, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất có quyền: “Yêu cầu bên thuê tư vấn cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc tư vấn xác định giá đất; được nhận tiền dịch vụ theo thoả thuận trong hợp đồng; đơn phương chấm dứt hoặc huỷ bỏ hợp đồng tư vấn xác định giá đất khi bên thuê tư vấn vi phạm điều kiện do hai bên thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật;…”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com