Suốt nhiều năm qua, cô đã yêu thương, chăm sóc các em bằng trái tim người mẹ. Không chỉ các bệnh nhi, mà cha mẹ và nhiều bác sỹ, cán bộ y tế tại Khoa nhi tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế trìu mến gọi cô bằng cái tên thân thiết: “Mẹ Nhật”.
Con số ám ảnh
Đến Việt Nam du lịch hơn 20 năm trước, cô gái trẻ từ xứ sở mặt trời mọc bị hút hồn bởi cảnh vật, đất nước và con người Việt Nam. Sau khi về nước, cô đã nhiều lần trở lại và dần yêu xứ Huế, trở thành giảng viên giảng dạy tiếng Nhật tại trường Đại học Sư phạm Huế.
Những lúc không đến giảng đường, cô tham gia vào một dự án giúp đỡ trẻ em đường phố. Đó cũng là lúc cô tình cờ được biết về tỉ lệ bỏ điều trị rất cao của các em bệnh nhi ung thư đang điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế (trong 10 em bị chẩn đoán ung thư thì có đến 5 em bỏ điều trị, chiếm 50%).
Con số đó đã khiến Kazuyo Watanabe bị ám ảnh.
Đến bệnh viện tìm hiểu nguyên nhân, cô được biết hầu hết gia đình của các bệnh nhi ung thư đều rất nghèo, “ăn bữa hôm lo bữa mai”, không có đủ tiền để chạy chữa. Đồng thời, cha mẹ của các cháu chưa hiểu biết đầy đủ về căn bệnh ung thư. Họ nghĩ rằng đó là “án tử” không có lối thoát nên đành ngậm đắng nuốt cay đưa con về nhà chờ ngày… “trời kêu ai nấy dạ”.
Trang thiết bị y tế của các phòng bệnh ở Huế lại rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của các em. Đó là ba lý do chính khiến nhiều trẻ em ung thư phải từ bỏ hi vọng sống, trong khi ở Nhật Bản đã điều trị thành công cho rất nhiều ca bệnh ung thư.
Kazuyo Watanabe nhớ lại lần đầu tiên đến bệnh viện để trò chuyện cùng các em, cô đặc biệt ấn tượng với bé Nguyễn Lan Anh (6 tuổi) lúc đó đã được điều trị ung thư máu hơn một năm. Căn bệnh quái ác khiến thân hình và gương mặt cô bé tiều tụy. Bị những cơn đau dày vò, nhưng bé vẫn chào cô bằng nụ cười ngây thơ trong trẻo.
Hình ảnh đó khiến trái tim người phụ nữ Nhật Bản đôn hậu thắt lại. Watanabe trở về Nhật không được bao lâu thì được tin cha mẹ của Lan Anh đã đưa cháu về nhà sau khi vét hết tiền để chữa trị. Gần một tháng sau cô nhận hung tin bé đã không còn.
“Tôi đã xin được tiền, chỉ vài ngày nữa sẽ đáp máy bay sang Việt Nam, nhưng không còn kịp để cứu cô bé…”, Watanabe rơi nước mắt.
Thấu hiểu những khó khăn mà trẻ em ung thư Việt Nam gặp phải, sau nhiều đêm dài trằn trọc, cô đã nghĩ ra giải pháp về Nhật xin nguồn tài trợ, kinh phí và trang thiết bị y tế, sau đó chuyển sang Việt Nam hỗ trợ điều trị cho các em.
Để thực hiện điều đó, cô phải từ bỏ công việc dạy tiếng Nhật tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Dù đó là công việc ổn định và yêu thích, nhưng tình thương các bệnh nhi còn lớn hơn gấp ngàn lần khiến cô quyết định bắt tay hành động.
Người phụ nữ từ đất nước Nhật Bản xa xôi đã thành lập dự án mang tên “Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á” (trụ sở tại Nhật Bản, do Watanabe làm chủ tịch) để chăm sóc và điều trị cho hàng trăm trẻ em ung thư ở bệnh viện Trung ương Huế.
Từ năm 2005 đến nay, đều đặn ba tháng một lần, cô Watanabe rời thành phố Tokyo để đến Huế, mang theo rất nhiều trang thiết bị y tế, đồ dùng cần thiết và kinh phí từ Nhật Bản đến Việt Nam hỗ trợ cho việc điều trị bệnh ung thư ở bệnh nhi. Mỗi lần như vậy, cô thuê một phòng trọ nhỏ trên đường Lê Lợi (TP. Huế) ở lại, ngày ngày đến bệnh viện tự mình chăm sóc, điều trị cho các cháu.
Kazuyo Watanabe cùng bác sỹ Châu Văn Hà thăm khám cho bệnh nhi ung thư |
Sống không cho riêng mình
Bác sỹ Châu Văn Hà (Trưởng khoa nhi tổng hợp 2, Trung tâm Nhi khoa, bệnh viện Trung ương Huế), người đã đồng hành cùng cô Watanabe từ khi dự án mới được thành lập, chia sẻ: “Mục tiêu của dự án là giảm thiểu tỉ lệ trẻ em bỏ điều trị, nâng cao tỉ lệ sống sót và điều trị thành công đối với trẻ em bị ung thư tại khu vực miền Trung. Hơn chín năm nay chưa một lần tôi thấy cô Watanabe nghỉ ngơi hay sống cho riêng mình…”.
Chị Hồ Thị Giai (31 tuổi, người dân tộc Vân Kiều, ngụ thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) xúc động: “Nếu không có sự động viên, giúp đỡ từ “mẹ Nhật” thì tôi đã buông bỏ hi vọng, chỉ còn nước về nhà chờ chết”.
Chị Giai kể, bố mẹ chị đều đã già yếu. Một mình chị nuôi ba đứa con còn nhỏ dại. Căn nhà sàn bốn bức vách thủng lỗ chỗ trở thành nơi trú ngụ của sáu con người. Nhà chị sống dựa vào mảnh nương và công việc làm thuê làm mướn, cảnh chật vật đói ăn thiếu mặc luôn bám riết lấy họ.
Cách đây hai năm, con gái đầu của chị là cháu Hồ Thị Băng (12 tuổi) bị hành hạ bởi những vết lở loét và chảy máu không ngừng nếu bị thương. Đưa con đến bệnh viện địa phương, bác sỹ chẩn đoán Băng mắc bệnh ung thư máu, phải vào bệnh viện Trung ương Huế điều trị, nếu không sẽ chết sớm. Vội vã gửi con lại bệnh viện nhờ các bác sỹ chăm sóc, chị chạy thốc chạy tháo về quê vay mượn để đưa con vào Huế điều trị, hành trang của hai mẹ con là số tiền 5 triệu.
Nhập viện được hơn một tháng thì khoản tiền đã cạn, quá trình truyền hóa chất bị dang dở, hi vọng dần lụi tắt. Chị đã định khăn gói đưa con về nhà chờ chết. Biết tin, cô Watanabe đã cùng các bác sỹ tìm đến khuyên can chị không nên bỏ cuộc và hỗ trợ chi phí cho những đợt điều trị.
Nhờ vậy Băng được khỏe mạnh đến ngày hôm nay. “Gần đây, thể trạng của cháu đã khỏe hơn rất nhiều, bác sỹ đã cho cháu xuất viện để về đi học trở lại. Đến mỗi đợt xạ trị, tôi lại đưa cháu vào Huế. Đến tiền xe đi đường “mẹ Nhật” cũng lo cho mẹ con tôi”, chị Giai kể.
Như trường hợp của Băng, rất nhiều ca bệnh đã may mắn được “mẹ Nhật” giúp đỡ, “nối” lại được sợi dây hi vọng với sự sống.
Bác sĩ Châu Văn Hà cho biết: Từ những hành động kịp thời của cô Watanabe, đến nay tỉ lệ bỏ điều trị của các em đã giảm rất nhiều, từ 50% giảm xuống còn chưa đầy 5%. Đó là một kết quả đáng mừng, khích lệ cô và các thành viên dự án cũng như đội ngũ y, bác sỹ thuộc Trung tâm Tim mạch tiếp tục làm những việc tốt cho cuộc đời./.