Khó thay đổi lớn về cơ sở vật chất
Vì sao Bộ GD&ĐT không thực hiện được yêu cầu về tiến độ triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nghĩa là sẽ triển khai ngay từ năm 2018, thưa Giáo sư?
- Nếu Quốc hội yêu cầu sang năm nhất định phải áp dụng chương trình mới trên cả nước thì chúng tôi vẫn phải thực hiện và có thể thực hiện được. Nhưng qua phát biểu của những người có trách nhiệm ở Quốc hội, tôi hiểu điều Quốc hội quan tâm hàng đầu không phải tiến độ mà là chất lượng của chương trình. Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) là việc lớn, chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là xây dựng một chương trình để sử dụng lâu dài. Tuy rằng về nguyên tắc, sau khi ra đời, chương trình sẽ vẫn được tiếp tục cập nhật, bổ sung, phát triển để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; nhưng mục tiêu và những định hướng lớn của chương trình phải có tính ổn định, lâu dài.
Ông có thể cho biết cụ thể lộ trình giãn thời gian thực hiện chương trình mới thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Lộ trình sắp tới sẽ có điều chỉnh so với lộ trình trước đây đã xây dựng. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, năm học 2018-2019 sẽ triển khai CTGDPT mới đồng thời ở lớp đầu cấp của ba cấp học là lớp 1, lớp 6, lớp 10. Theo lộ trình này, đến năm thứ 4, sẽ chỉ triển khai đến lớp 4, lớp 9; và năm thứ 5 sẽ chỉ còn lớp 5.
Trong phương án mới, chúng tôi đề xuất năm đầu sẽ triển khai CTGDPT mới ở lớp 1, trong khi đó sẽ tiến hành thực nghiệm ở các lớp khác. Năm thứ hai triển khai lớp 2, lớp 6. Năm thứ ba sẽ là lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm thứ tư là lớp 4, lớp 8, lớp 11. Năm cuối là lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Hai cấp học THCS, THPT cần có thời gian để chuẩn bị kỹ hơn nên triển khai sau một bước thì hợp lý hơn.
Khi thời gian triển khai chương trình mới được lùi lại, việc chuẩn bị chắc chắn sẽ tốt hơn, nhưng liệu thời gian đó có đủ để thực sự sẵn sàng để chương trình mới thành công?
- Nếu lùi thời gian triển khai, chương trình sẽ được chuẩn bị kỹ hơn, việc tập huấn cho giáo viên sẽ tốt hơn. Còn về cơ sở vật chất, Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu rõ là chương trình phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, vì vậy chương trình không đặt ra những yêu cầu quá cao về cơ sở vật chất. Để thực hiện chương trình mới, chỉ cần các địa phương bảo đảm sĩ số tối đa trong lớp theo đúng quy định từ nhiều năm trước của Bộ GD&ĐT, đó là 35 học sinh trên lớp với tiểu học và 45 học sinh trên lớp với THCS và THPT.
Bên cạnh đó, các trường tiểu học cần học 2 buổi/ngày; những nơi nào không có điều kiện cũng phải học được tối thiểu 6 buổi/tuần, nếu không sẽ rất khó nâng cao được chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện CTGDPT đối với những lớp chỉ học được 5 buổi/tuần. Có thể nói đòi hỏi về cơ sở vật chất không lớn lắm, nhưng các địa phương phải vào cuộc, không thể coi đây chỉ là việc của ngành Giáo dục, để một mình để ngành Giáo dục xoay xở.
Vậy công việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa từ nay đến tháng 9/2019, thời điểm triển khai chương trình mới cụ thể ra sao, thưa GS?
- Chúng tôi phải tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên, hoàn thiện các chương trình môn học; sau đó xin phép Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng 60 ngày để lấy ý kiến nhân dân, rồi hoàn thiện, thẩm định, trình Bộ trưởng ký. Công việc này có thể kéo dài đến hết năm 2017. Sau đó là biên soạn sách giáo khoa. Theo tôi, sắp tới Bộ trưởng nên ra thông báo mời các tổ chức, cá nhân viết sách và bắt tay vào việc tập huấn cho tác giả sách giáo khoa. Người viết sách phải có đủ thời gian nghiên cứu mô hình sách giáo khoa Việt Nam, mô hình sách giáo khoa thế giới, đi thực tế ở phổ thông để có đủ những hiểu biết cần thiết cho công việc viết sách giáo khoa. Viết xong, sách còn phải được thực nghiệm. Lần này thực nghiệm có khác trước, đó là thực nghiệm cả chương trình, cả sách nhưng chỉ thực nghiệm cái mới và thực nghiệm trong cả quá trình xây dựng chương trình chứ không phải chỉ thực nghiệm trong lúc làm sách giáo khoa.
GS Nguyễn Minh Thuyết |
Không để giáo viên quá cực nhọc
Để có trò giỏi, phải có thầy giỏi. Vậy đội ngũ giáo viên, theo ông liệu có chuẩn bị kịp? Rào cản lớn nhất có phải từ giáo viên?
- Tôi không lo lắng về trình độ giáo viên Việt Nam hiện nay, vì nhìn chung đội ngũ đã cơ bản đạt chuẩn. Điều tôi lo nhất là động lực đổi mới trong mỗi giáo viên. Tự đặt mình vào địa vị của giáo viên sẽ thấy được điều đó. Anh chị em giáo viên đang làm một công việc rất quen thuộc, giờ phải thay đổi là một thử thách rất lớn. Tôi từng dạy học nhiều năm nên cũng hiểu khá rõ điều này.
Nói đến việc tạo động lực đổi mới cho giáo viên, mọi người hay nghĩ đến thu nhập. Nhưng thực tế, đó không phải là điều quyết định. Để tạo động lực cho giáo viên, trước hết, những người xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa phải làm sao có được chương trình thật mới mẻ, sách giáo khoa thật hấp dẫn. Các cấp quản lý cũng phải tạo hứng khởi bằng cách tôn trọng quyền sáng tạo của giáo viên, đừng quản lý theo kiểu cầm tay chỉ việc. Dạy học phải lấy chuẩn của chương trình, chứ không phải lấy sách giáo khoa làm căn cứ. Nếu cán bộ quản lý, chỉ đạo chỉ nhăm nhăm “chỉnh” giáo viên vì nói thiếu câu này, thừa câu kia trong sách giáo khoa hay sách giáo viên thì giáo viên không thể dạy tốt được.
Riêng về chế độ với giáo viên, đòi hỏi tăng lương lúc này là phi thực tế. Nhưng ít nhất cũng phải cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, trả lương và phụ cấp theo đúng công sức lao động, đúng chế độ Nhà nước quy định, đừng làm giáo viên cực nhọc quá trong công việc. Ví dụ, giáo viên dạy vượt sĩ số quy định thì phải được trả thù lao phù hợp với công lao động bỏ ra. Cuối cùng, điều vô cùng quan trọng là sự đồng thuận, đồng lòng của xã hội, trong đó có phụ huynh học sinh để động viên và phối hợp với thầy, cô giáo dục con em.
Việc giao nhiệm vụ cho học sinh, sinh viên tự tìm hiểu vấn đề, trao đổi nhóm rồi lên lớp trao đổi với giáo viên sẽ khó hơn rất nhiều so với việc giáo viên truyền thụ kiến thức theo bài soạn sẵn có của mình. Người học tự nghiên cứu, tự làm chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều thắc mắc. Do vậy, phương pháp dạy học mới thử thách giáo viên nhiều hơn. Giáo viên phải rất nhiệt huyết thì mới làm được. Tất nhiên, một số công việc như phương pháp dạy học mới, nội dung mới sẽ phải tập huấn.
Vậy theo ông, mô hình trường học mới (VNEN) đang triển khai có thích hợp với chương trình mới sắp tới không?
- VNEN phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới, đề cao vai trò trung tâm, tính tự chủ, khả năng tự học của người học. Đó là xu hướng của thế giới và cũng phù hợp với xu hướng của chương trình mới. Thời gian vừa qua, việc thực hiện VNEN gặp khó khăn ở một số địa phương là do cách thức có phần vội vàng, chỉ đạo cũng có sự cực đoan, chứ không phải tại mô hình. Đây cũng là bài học mà chương trình mới cần phải rút kinh nghiệm. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất triển khai năm đầu tiên là lớp 1, không căng sức ra cả ba cấp học, để làm đến đâu chắc đến đấy.
Còn tương lai của VNEN trong chương trình mới như thế nào thì phải đặt nó trong bối cảnh thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Những yêu tố tích cực của VNEN chắc chắn được phản ánh trong chương trình, sách giáo khoa mới. Có thể sẽ có những sách giáo khoa thể hiện đậm nét “chất VNEN” hơn. Việc lựa chọn sách giáo khoa phụ thuộc vào các tập thể sư phạm.
Liệu trong tháng 10 chúng ta đã có thể công bố dự thảo chương trình bộ môn để lấy ý kiến dư luận chưa, thưa ông?
- Chúng tôi đang quyết tâm thực hiện. Trong tháng 8 vừa qua, Ban soạn thảo đã tổ chức 18 hội thảo lần lượt lấy ý kiến chuyên gia chương trình từng môn học. Đến nay, Ban soạn thảo đã có dự thảo lần thứ hai của các môn học. Các dự thảo này sẽ được chuyên gia và giáo viên các cấp góp ý lần nữa. Sau đó, chúng tôi sẽ trình Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GDĐT. Nếu được Ban Chỉ đạo đồng ý, chúng tôi sẽ đưa lên cổng thông tin của Bộ GDĐT và các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân.
Trân trọng cảm ơn!
“Dù có thể được lùi thời gian nhưng công việc của chúng tôi không hề giảm nhịp độ. Vẫn phải hết sức khẩn trương thì mới có được chương trình chất lượng tốt. Tháng 8 vừa qua, chúng tôi tổ chức 18 hội thảo chuyên gia về 18 chương trình môn học. Sau đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên gia, hội thảo nội bộ, dự kiến hoàn thành trong tháng 10. Công việc tiếp theo là đi xuống các trường lấy ý kiến giáo viên. Làm thật chắc chắn, sau đó xin phép Ban Chỉ đạo đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân. Sau đó, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện chương trình rồi thẩm định các chương trình môn học và thẩm định một lần nữa (lần thứ 3) chương trình tổng thể” – GS. Nguyễn Minh Thuyết.