Kỷ luật trong nhà trường: 'Kẹt' giữa giáo viên và phụ huynh?

Kỷ luật hà khắc hay không vẫn phải từ yêu thương  (Ảnh minh họa).
Kỷ luật hà khắc hay không vẫn phải từ yêu thương (Ảnh minh họa).
(PLO) - Những ngày qua, sau khi bị “tố” hà khắc, Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã công bố bản nội quy có nhiều điều gây tranh cãi như học sinh đi học muộn quá 5 phút không được vào lớp, bị phạt lao động công ích; cấm gửi xe ngoài trường, quên quẹt thẻ 3 lần bị hạ hạnh kiểm; nhiều cấm đoán sử dụng FB…Trả lời báo chí, đại diện Trường Lương Thế Vinh cho rằng, họ không sai, không hà khắc và không thay đổi…

Có thật thiếu tình người?

Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh do PGS Văn Như Cương sáng lập vốn là nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi cũng như là ngôi trường có tiếng về tính kỷ luật cao. Trong trường, thầy Cương cho treo khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, đồng thời đưa ra nhiều quy định khá nghiêm cho học sinh.

Cách đây ít năm, khi trào lưu chơi facebook nở rộ, trong đó không thể không có học sinh, Trường Lương Thế Vinh đã ra nội quy gồm 4 điều cấm kỵ liên quan. Cụ thể, không được nói tục, chửi bậy; Không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung; Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status... Hay như, học sinh đến trường phải tắt điện thoại, không mang theo máy nghe nhạc, không la cà quán hàng, tuyệt đối không vào quán chơi điện tử trước và sau giờ học, không nhuộm tóc thời trang…

Mới đây, một phụ huynh học sinh viết tâm thư “tố” giáo viên chủ nhiệm của trường kỷ luật “hà khắc, thiếu tình người”. Theo phụ huynh này, chỉ cần học sinh đi muộn 5 phút là “chết với cô”; bản kiểm điểm nhiều như bươm bướm… khiến học sinh, phụ huynh căng thẳng, lo sợ. Thầy Văn Như Cương cho biết, trong bối cảnh đó, trường vừa ký bản nội quy phổ biến lại để nhắc nhở học sinh.

Theo thầy Cương, nội quy trường đưa ra không hề hà khắc mà là nghiêm minh để rèn giũa học sinh nhưng cũng rất bao dung. Thầy ví dụ, quy định học sinh đi học không quẹt thẻ quá 3 buổi/ kỳ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của kỳ đó nghe có vẻ rất rắn nhưng trên thực tế 3-4 năm nay không có một học sinh nào bị hạ hạnh kiểm. “Quy định cứng để răn đe học sinh. Học sinh không quẹt thẻ nghĩa là em trốn học, bỏ học và giáo viên có trách nhiệm phải báo cho phụ huynh được biết. Còn học sinh không quẹt thẻ vì quên thẻ thì phải báo cáo lý do và không bị xử lý gì cả”.

Theo thầy Cương, nhiều gia đình hiện nay quá chiều chuộng con, không cho con động tay, động chân vào bất cứ việc gì nên khi biết con phải viết bản kiểm điểm, phải nhổ cỏ, quét sân là xót xa. Còn nhà trường có quan điểm, học trò mắc lỗi phải lao động công ích là để trẻ biết giá trị của lao động và ghi nhớ để không mắc lỗi lần sau.

Thực tế, nhiều phụ huynh cũng mong muốn cho con vào trường không chỉ bởi kiến thức mà còn những bài học, sự rèn luyện nghiêm khắc về đạo đức. Nguyễn Thành Vinh, một cựu học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Nhiều người cho rằng, kỷ luật là cái gì đó ghê gớm nhưng chính nhờ kỷ luật học sinh mới vào nền nếp. Khi vi phạm lỗi như ngủ gật, muộn giờ bị thầy cô phạt có thể sẽ ấm ức đôi chút nhưng sau này trưởng thành hơn lại thấy nhờ đó mà bản thân phải cố gắng hơn, nghiêm túc hơn. Điều này rất tốt cho việc tạo thói quen về sau”.

Kỉ luật “thép” hay không thì vẫn phải từ trái tim

Trước những ồn ào xung quanh câu chuyện này, TS Toán Chu Cẩm Thơ - ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ những kỉ niệm của cô trên trang cá nhân: “Kỳ thực tập đầu tiên, tôi trở về trường cũ. Đón chúng tôi trong giờ chào cờ, 5 học sinh lớp tôi dự kiến chủ nhiệm bị đuổi học. Lớp của tôi, nào là đánh nhau, nào là trêu cô giáo,... còn học dốt thì đương nhiên (lớp hạng C, coi như bét trường). Các bạn trong nhóm rất sợ. Tôi thì chỉ lo: Tôi sẽ dạy ai đây? Tôi đến nhà các học sinh ấy. Còn nhớ, một em ở ngã ba đầu làng L-Y, nhà em là một quán sửa xe. Nghe thấy tôi đến, em chặn ở cửa bảo: “Cấm cô nói em bị đuổi đấy. Cô mà bảo, em sẽ xử cô. Bố em sẽ đánh chết em đấy”.

Thực ra thì bố bạn ấy làm gì coi tôi là cô giáo. May rằng cái kiểu của tôi rất già dặn, lại tưng tửng, cứ ngồi tán chuyện đủ kiểu, khiến cả lũ học trò cũng xúm vào. Lại có mấy bác nhận ra (chắc là do tôi học cùng khóa con các bác) nên cũng dừng vào nói chuyện. Cậu bé thì phục tôi sát đất. Em bảo, chưa thấy bố em nói chuyện kiểu thế bao giờ.

Tôi lại đến thăm một em khác. Em ấy chỉ thích trêu ghẹo cô giáo và các bạn nữ. Suốt ngày hát mấy bài của Ưng Hoàng Phúc. Khi tôi đến, hóa ra nhà em ở bãi xa làng. Mẹ em tần tảo. Chẳng biết là em bị đuổi học. Cậu học trò trông có vẻ “trơ tráo” thế mà biết vẽ và có máu anh hùng. Cậu ấy đẩy xe cho cô giáo lên dốc, giúp người khác bê vác... có vẻ rất chăm chỉ. Bạn ấy bảo, em làm việc gì cũng được, sau này vợ em phải thật xinh, thật sướng. Miễn là em không phải giải toán. Lúc các em trốn học, trèo vào tường, lại gặp tôi đứng ở ngay chân cột điện (cạnh nhà vệ sinh nam). Chúng ngạc nhiên hỏi: “Sao cô biết đứng ở đây? Tôi bảo: “Cô mày ngày xưa hay trèo ra từ chỗ này đấy!!!”

Tôi đã bảo lãnh cho mấy học sinh ấy trở lại lớp học. Cam đoan rằng không ai phá phách nữa. Để chơi được với mấy bạn này, tôi còn nhờ bạn học dạy chơi Đế chế, tập hát nhạc Ưng Hoàng Phúc,... Tôi cho chúng đổi việc tốt lấy điểm toán. Kiểu như không giật tóc bạn nào trong ngày thì được một lời khen. Không xé vở thì cũng được khen, được làm trợ giảng cho cô... cả 4 tuần thực tập, không bạn nào bị đuổi. Lớp tăng cả 20 bậc xếp hạng. Sau này, mẹ tôi kể, phụ huynh của lớp ấy đi bán nấm ở chợ làng tôi, gặp mẹ tôi cứ nhất định biếu mẹ tôi một túi nấm! Tôi không bao giờ quên lớp học ấy. Một điểm 5 toán cũng là kỳ tích. Cũng giống như tôi, thấy tất cả các học sinh đều có thể lập ra kỳ tích của mình. Đuổi học, đó là sự thất bại và bất lực của giáo dục”.

Còn thầy Nguyễn Minh Nhật (74 tuổi, nguyên giáo viên Trường Pétrus Ký, nay là THPT Lê Hồng Phong, TP HCM) bày tỏ quan niệm không có kỷ luật “thép”, học sinh sẽ không trưởng thành trong giai đoạn định hình nhân cách. Mỗi thời sẽ có những nội quy, kỷ luật riêng sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế. Những hình phạt của Trường Lương Thế Vinh với học sinh vi phạm là “phù hợp, vừa đủ để răn đe, không phạm vào danh dự, nhân phẩm của học sinh”.

Nhớ lại thời học phổ thông, thầy Nhật từng bị thầy giáo đánh đòn, bắt đứng ở góc lớp mỗi khi lười học hay vi phạm nội quy. Sau mỗi lần bị phạt, ông nhận ra thầy giáo không phải ghét bỏ mình mà đang rất thương trò, trò vì sợ cũng không dám tái phạm. Lúc đi dạy, ông gặp nhiều học sinh nghịch ngợm hoặc ỷ lại gia đình, đặc biệt là em có cha mẹ làm “ông to, bà lớn”, thiếu tôn trọng bạn bè và những người xung quanh.

“Nếu không có kỷ luật nghiêm khắc và áp dụng chung cho học sinh, sẽ không tạo ra trật tự kỷ cương, bình đẳng trong trường học”. Hơn nữa, hiện nay, khi học sinh bị phân tâm bởi tiện nghi cuộc sống thì việc siết chặt kỷ luật trong nhà trường càng phải chặt chẽ. Nếu buông lỏng kỷ luật, học sinh dù có học giỏi đến mấy cũng không trở thành công dân tốt, đồng thời khẳng định bản thân thầy khi răn đe, nghiêm khắc với học sinh phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, thương yêu trò.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Đình Độ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (TP HCM) cũng cho rằng, song song với việc giám sát thực hiện nội quy nhà trường, thầy cô cần khơi gợi ý thức tự giác, lòng tự trọng để học sinh cảm thấy cần thiết phải ép mình trong khuôn khổ, để trưởng thành.

Hơn lúc nào hết, lứa tuổi 15-16 ở bậc THPT, khi cái tôi của học sinh được định hình, sự biến đổi tâm lý rõ rệt thì nhà trường cần khéo léo trong việc đặt ra nội quy. Về lựa chọn hình phạt, theo thầy Độ cần thiết nhưng phải phù hợp, mang tính giáo dục. Điều quan trọng hơn cả hình phạt là sự thấu đáo, bao dung của thầy với trò. Học sinh hiểu thầy cô nghiêm khắc cũng chỉ mong mình trưởng thành, giỏi giang hơn thì các em mới tự giác tuân thủ và nhớ lời dạy lâu hơn, thầy giáo chia sẻ.

Có thể nói, dạy học không chỉ là một công việc mà còn là một nghệ thuật và mọi kỉ luật hay khuyến khích, với người thầy, hơn bao giờ hết đều chỉ có thể từ trái tim, mới đi thẳng tới trái tim… 

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội:

Số đông nhà giáo mắc bệnh nghề nghiệp: chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa (mặc dù nó đã lạc hậu cả về khoa học lẫn thực tiễn) không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng, coi thường những đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của học sinh. Luôn nói nhiều, không chịu lắng nghe, luôn đổ lỗi cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhà trường, đồng nghiệp, còn bản thân luôn cho là hoàn hảo.

Nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm, sinh lý đối tượng mình dạy, mình giáo dục nhưng đa phần số đông giáo viên ít quan tâm, ít làm được điều này. Lao động của thầy giáo không chỉ là trí tuệ mà là lao động bằng chính nhân cách, bằng sự yêu thương, nhạy cảm của họ với con người. Không phải ai cũng trở thành nhà sư phạm được. Cơ sở giáo dục đào tạo cũng phải chủ động thay đổi nhận thức. Chủ động sáng tạo thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Theo đó, mỗi nhà trường phải là một “thương hiệu”; học sinh luôn là “khách hàng”, là “thượng đế” được tôn trọng, được lắng nghe.

Anh Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh lịch sử giáo dục tại Trường ĐH Kanazawa, Nhật Bản:

Khi người thầy còn nhầm lẫn “quyền lực” với “quyền uy” sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ. Giáo dục quyền lực là giáo dục bằng nỗi sợ, làm cho các em sợ để tuân theo chứ không phải là làm cho các em cảm thấy thuyết phục. Nhược điểm của giáo dục quyền lực là khi học sinh ra khỏi trường hoặc thoát khỏi sự kiềm toả của giáo viên thì những cái ức chế trong trường bị bùng vỡ, như hiện tượng chửi tục, chửi bậy hoặc đánh nhau bên ngoài. Hiện tượng này giống như kiểu khi ta bóp túi bóng nước thì chỗ này nó lõm vào nhưng chỗ khác lại lòi ra.

Đọc thêm

Nâng cao vị thế, vai trò thầy, cô giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - “Không thầy đố mày làm nên”. Trong cuộc đời bất cứ ai, đều có rất nhiều người thầy. Trong bất cứ gia đình nào, ai cũng có con cái, người thân đi học. Thành công của mỗi con người đều có sự đóng góp của các thầy cô. Vì vậy, giáo dục là vấn đề từ xưa đến nay luôn được xã hội dành cho sự quan tâm đặc biệt.

Hoạt động ngoại khóa bổ ích về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích tại trường THPT Hữu Lũng, Lạng Sơn

Toàn cảnh hoạt động ngoại khóa trường THP Hữu Lũng
(PLVN) - Ngày 10/11, được sự cho phép của Sở Giáo dục tỉnh Lạng Sơn, trường THPT Hữu Lũng đã phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục Khoa học An toàn Việt Nam tổ chức hoạt động ngoại khóa kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT), phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) nhằm hướng tới một môi trường học tập an toàn và hạnh phúc.

Nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô TP HCM ôn kỷ niệm xưa

Nhà giáo đi B, nhà giáo nội đô TP HCM ôn kỷ niệm xưa
(PLVN) - Sáng 11/11, Sở giáo dục và Đào tạo và Cựu giáo chức TP HCM tổ chức họp mặt Nhà giáo đi B (vượt Trường Sơn vào Nam chống Mỹ cứu nước) và nhà giáo nội đô (thầy cô tham gia cách mạng, hoạt động trong lòng địch), nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024).

Vì sao giáo viên chủ nhiệm lớp 1 được phụ cấp cao hơn nhà giáo khác?

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tham gia ý kiến.

(PLVN) - Cho rằng giáo viên lớp 1 là người đặt viên gạch đầu tiên tạo nền tảng vững chắc cho những lớp sau, Đại biểu tỉnh Vĩnh Long đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cần có phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác cao hơn so với các nhà giáo khác để có thêm động lực nỗ lực nhiều hơn.

Khát vọng đưa giáo dục ngang tầm với các nước phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh trong bài: MOET).
(PLVN) - Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và ý kiến trao đổi của các thành viên Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91 đề trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến trước ngày 20/11/2024.

Cơ quan chủ quản yêu cầu Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại giải trình về thu, chi tài chính

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại có địa chỉ tại 126 P. Xốm, Phú Lâm, Hà Đông, TP Hà Nội.
(PLVN) - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại Nguyễn Trung Sơn khẳng định, khoảng 10 năm nay, nhà trường không có tiền để chi trả phụ cấp ưu đãi nghề (phụ cấp đứng lớp) và phụ cấp thâm niên nhà giáo cho cán bộ giao viên, kể cả bản thân ông. Vấn đề này đã được nhà trường báo cáo tài chính, kiến nghị với Bộ Công Thương hàng năm, nhưng chưa bao giờ nhận lại được phản hồi.  

Đại học Nha Trang tiên phong trong việc công bố dự thảo phương hướng tuyển sinh đại học từ năm 2025

Quang cảnh buổi Hội thảo
(PLVN) -  Ngày 5/11, Trường Đại học Nha Trang đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới tuyển sinh đại học nhằm thích ứng với chương trình Giáo dục phổ thông mới”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở GDĐT cùng lãnh đạo Phòng giáo dục Trung học của 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Nhiệm vụ trọng tâm đổi mới giáo dục

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là chuyện lớn của quốc gia, Đảng và Nhà nước luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15/9/1945”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.