Dù giải thích hoặc biện minh như thế nào đi chăng nữa, dù quy đó là sự nhỏ nhen của phụ huynh thì bản chất của vấn đề không thay đổi: Phụ huynh tỏ thái độ bất mãn với nhà trường và dỡ bỏ truyền thống “tôn sư, trọng đạo”. Trước hết, nhà trường đã gây ra chuyện này, lạm thu từ chiêu bài “tự nguyện”, “xã hội hóa” đến hơn 500 triệu đồng chính là nguồn cơn gây ra chuyện đòi lại quà của phụ huynh, bất chấp việc con em mình vẫn ở trong “vòng tay yêu thương” của các cô giáo. Đây không phải vấn đề vật chất mà là một sự tỏ thái độ, phản ứng trước sự lạm thu của nhà trường.
Không thể tin nổi một ngôi trường dân lập danh tiếng tại Hà Nội, được điều hành bằng một nhà sư phạm danh tiếng lại có thể xảy ra chuyện dọa đuổi học sinh, phạt các em bằng hình thức lao động cưỡng bức và phản ứng không thể hiện sự giáo dục chút nào trước sự phản ảnh, góp ý từ phụ huynh học sinh. Cách ứng xử đó không phải là ở trong một môi trường sư phạm.
Cũng rất khó tin khi một bộ phận sinh viên trong các trường Đại học sinh hoạt bê tha, làm đủ trò, đủ việc, trừ việc học và lên tiếng phê phán giảng viên “chỉ biết lên lớp cho hết giờ và nhận tiền” không quan tâm gì đến sinh viên. Dạy và học như thế, cử nhân thất nghiệp là lẽ đương nhiên!
Đây chỉ là những hiện tượng không thể tin nổi nhưng nó là màu chủ đạo của bức tranh giáo dục hiện tại. Những chuyện khó tin này là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục với triết lý “đào tạo con người mới với đầy đủ phẩm chất cả tri thức và đạo đức” mà thay đổi luôn xoành xoạch từ sách giáo khoa đến chương trình, từ cách đánh giá học sinh, giáo viên đến cách thi cử, tuyển sinh,... và càng thay đổi lại càng rối rắm thêm ra. Đặc biệt, sự “thương mại hóa” học đường đã thành công kéo theo các nạn bạo lực học đường gia tăng và sự xuống cấp đạo đức của cả thầy và trò, làm thay đổi hẳn vị thế người thầy, vốn có vai trò quyết định trong việc “chở đạo”, hình thành nên nhân cách học sinh trở nên mờ nhạt và không còn đáng kính như xưa.
Chúng ta đã có một nền giáo dục với triết lý rõ ràng là học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân nhưng trước hết là “diệt giặc dốt” trong mỗi con người. Dần dần, tư tưởng học để vinh thân, phì gia đã làm thay đổi ý thức học tập của mỗi con người và hệ lụy của nó khiến cả một thế hệ bị cận thị, không nhìn xa được nữa.
Cũng từ đây mà nạn “mua điểm, bán bằng” xảy ra cùng với những học giả, bằng thật, thói hư danh học vị phát triển cùng với rất nhiều thói xấu khác. Một nền giáo dục mà không cung cấp đủ dũng khí và hiểu biết cho thế hệ tiếp nối để chống lại cái ác, cái xấu, cái bất công trong xã hội là một nền giáo dục thất bại.
Một nền giáo dục mà bị chi phối trở lại là dùng bằng cấp để đánh giá năng lực con người làm tiêu chí chứ không phải là tri thức thực sự có trong con người đó thì chính là tạo ra mối nguy hiểm cho xã hội sính bằng cấp và khi giáo dục bị chi phối bằng tiền thì có nghĩa những người tài thực sự bị loại khỏi “cuộc chơi”, gây tổn thất “chảy máu chất xám” của đất nước.
Nền giáo dục của chúng ta đang trong tình trạng bên trong thì bị tổn thương, bên ngoài thì cảm mạo, bệnh tật. Trước hết là cần tập trung chữa trị căn nguyên, sau đó mới tính đến một sự thay đổi từ từ và toàn diện. Vấn đề này cần đến thời gian chứ không thể “đốt cháy giai đoạn” bằng một “trận đánh lớn” hay “cải cách toàn diện” hoặc cứ là “quốc sách” để tiêu tiền ngân sách!