Giữ an toàn tuyệt đối cho vùng vải
Năm nay, sản lượng vải thiều trong toàn tỉnh Bắc Giang khoảng 180.000 tấn, riêng huyện Lục Ngạn đã cung cấp hơn 120.000 tấn. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng đã tác động đến kế hoạch tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Tuy nhiên, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có một mùa tiêu thụ vải an toàn và hiệu quả.
Huyện đã tổ chức gặp gỡ các nhà phân phối lớn trên toàn quốc để ước tính số lượng đăng ký tiêu thụ của các đối tác này. Theo số liệu đã đăng ký, hiện đã có khoảng 20.000 tấn vải thiều sẽ được tiêu thụ qua kênh siêu thị. Số lượng tiêu thụ tại các chợ đầu mối và các thị trường khác khoảng 30.000 tấn và xuất khẩu (khoảng 50% sản lượng).
Ông Nam cho biết thêm, Lục Ngạn cũng đã lên các phương án đảm bảo giao thông, các phương án thanh toán và các điều kiện để đóng gói tốt nhất phục vụ tiêu thụ vải. Ngoài ra, huyện cũng đã làm việc với hải quan cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai để đề nghị 2 cửa khẩu này làm việc với hải quan nước bạn tạo điều kiện thông thoáng cho vải thiều xuất khẩu đi luồng riêng; đồng thời nâng lên thời gian làm việc tại các cửa khẩu trong vụ vải, đặc biệt vào chính vụ (khoảng giữa tháng 6) có thể nâng thời gian làm việc lên khoảng 16 tiếng/ngày.
Tính đến thời điểm này, Bắc Giang trở thành vùng dịch lớn. Tuy nhiên, may mắn là huyện Lục Ngạn vẫn an toàn. Do đó, theo ông Nam, để đảm bảo một mùa vụ tiêu thụ vải an toàn, huyện đã thành lập 7 chốt kiểm soát ở điểm giao với các huyện khác để bảo vệ vùng vải thiều không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hiện 190 thương nhân Trung Quốc cũng đã được phép sang Việt Nam thu mua vải khi đáp ứng đủ các yêu cầu phòng dịch từ Chính phủ Việt Nam. Huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị 8 khách sạn, nhà nghỉ để cách ly 190 thương nhân này trong vòng 21 ngày.
“Sau 21 ngày cách ly, những thương nhân này tiếp tục bị kiểm soát tại chỗ thu mua trong vòng 7 ngày. Trong vòng 7 ngày này, các thương nhân không được đi lại, giao tiếp với bất kỳ người nào khác. Huyện sẽ cử cán bộ quản lý việc đi lại của thương nhân để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho vùng vải” - ông Nam nói. Ngoài ra còn có một số thương nhân Trung Quốc đang ở Việt Nam cũng đã đăng ký với UBND huyện để tiến hành thu mua vải.
Thiết lập 7 điểm cầu quốc tế
UBND tỉnh Bắc Giang vừa thay đổi các kịch bản tiêu thụ vải ngay trong tâm dịch. Theo đó, tỉnh đã dự trù 3 kịch bản (kế hoạch trước khi Bắc Giang trở thành vùng dịch là 2 kịch bản tiêu thụ). Ở kịch bản 1, khi dịch bệnh được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi với sản lượng tiêu thụ 50% trong nước (khoảng 90.000 tấn), 50% xuất khẩu (khoảng 90.000 tấn).
Với tình huống này, vải được tiêu thụ tại thị trường trong nước tập trung tại các chợ đầu mối; tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị; DN chế biến xuất khẩu, chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử (TMĐT). Thị trường xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ, EU…
Ở kịch bản 2 với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, sản lượng vải thiều được tiêu thụ trong nước khoảng 70% (tương đương 130.000 tấn), 30% xuất khẩu (khoảng 50.000 tấn). Vải tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền (TP HCM), Long Biên (Hà Nội), Hòa Cường (Đà Nẵng)… khoảng 55.000 tấn; các tập đoàn phân phối lớn 20.000 tấn; chợ truyền thống 13.000 tấn và một phần vải dành để sấy khô.
Tình huống xấu nhất, dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu đóng băng, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Ở kịch bản này, số lượng tiêu thụ tại các chợ đầu mối lớn khoảng 80.000 tấn; các tập đoàn phân phối có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại khoảng 30.000 tấn; các DN chế biến xuất khẩu 30.000 tấn. Số còn lại tiêu thụ tại chợ truyền thống, sàn giao dịch thương mại.
Để chuẩn bị cho các kênh tiêu thụ vải thiều, ngày 8/6/2021, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với các điểm cầu trong và ngoài nước. Điểm cầu chính tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh, dự kiến khoảng 500 đại biểu. Các điểm cầu quốc tế sẽ bao gồm Trung Quốc (4 điểm cầu), Nhật Bản, Australia, Singapore.
Ngoài ra còn các điểm cầu của đại diện các Cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro); Cơ quan Thương mại và đầu tư Australia tại Việt Nam và một số tập đoàn, doanh nghiệp, nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ đầu mối, sàn TMĐT.