Sử dụng dữ liệu công khai có phải vi phạm bản quyền?
Một trong những tranh chấp điển hình phải kể tới vụ kiện giữa Getty Images và Stability AI xoay quanh vấn đề bản quyền khi sử dụng dữ liệu để huấn luyện AI. Getty Images cáo buộc Stability AI đã thu thập và sử dụng một lượng lớn hình ảnh có bản quyền của họ để phát triển và huấn luyện mô hình AI mà không có sự cho phép. Theo tuyên bố của Getty Images, Stability AI đã vi phạm bản quyền bằng cách tạo ra những hình ảnh mới dựa trên kho dữ liệu mà Getty Images sở hữu, từ đó không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính mà còn xâm phạm quyền kiểm soát của Getty đối với tài sản trí tuệ của mình.
Ngược lại, Stability AI khẳng định họ chỉ sử dụng các hình ảnh từ nguồn công khai, không hề cố ý vi phạm bản quyền. Theo Stability AI, dữ liệu đầu vào cho các mô hình AI của họ bao gồm hình ảnh mà họ cho rằng được lấy từ các nền tảng chia sẻ công khai hoặc đã được công chúng sử dụng rộng rãi và như vậy, việc sử dụng đó là hợp pháp. Tuy nhiên, vụ kiện này đã làm nổi bật một vấn đề pháp lý phức tạp: liệu việc sử dụng dữ liệu công khai để huấn luyện AI có vi phạm bản quyền hay không.
Các chuyên gia cho rằng vụ kiện này sẽ tạo ra tiền lệ quan trọng cho ngành AI trong việc sử dụng dữ liệu từ các nguồn mở. Một số lập luận rằng, trong bối cảnh AI ngày càng phát triển, cần phải có quy định rõ ràng hơn về quyền sử dụng dữ liệu công khai, nhất là đối với dữ liệu có bản quyền như hình ảnh hoặc âm thanh. Nhiều khả năng, kết quả của vụ kiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức mà các công ty AI thu thập và sử dụng dữ liệu từ Internet. Theo trang tin công nghệ The Verge (Mỹ), kết quả vụ kiện có thể xác định giới hạn pháp lý của việc dùng dữ liệu công khai cho mục đích phát triển công nghệ trong tương lai.
Các bức ảnh tạo bởi Stable Diffusion bị tố sao chép phong cách nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ. (Ảnh: Stable Diffusion) |
Trong bối cảnh đó, một số quốc gia đã ban hành quy định chặt chẽ hơn về sử dụng dữ liệu nguồn mở. Tại Liên minh Châu Âu, Luật Bản quyền kỹ thuật số đã quy định rõ ràng về cách các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng dữ liệu có bản quyền để tránh vi phạm quyền tác giả. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu nội dung khi dữ liệu của họ bị sử dụng trái phép, đặc biệt trong bối cảnh AI sử dụng dữ liệu để tự học và sáng tạo.
Sao chép phong cách nghệ thuật bằng AI
Giới nghệ thuật cũng có một vụ tranh chấp đình đám giữa Sarah AndersenCác, Kelly McKernan, and Karla Ortiz với Stability AI, Midjourney và DeviantArt. Các nghệ sĩ này cáo buộc rằng các công ty trên đã vi phạm quyền tác giả khi sử dụng AI để sao chép phong cách nghệ thuật cá nhân của họ mà không được phép. Trong đơn kiện, các nghệ sĩ nhấn mạnh rằng AI đã được huấn luyện trên kho dữ liệu hình ảnh chứa các tác phẩm của họ, dẫn đến việc tạo ra những hình ảnh mới mang dấu ấn phong cách mà họ đã xây dựng và phát triển theo thời gian. Theo các tác giả, phong cách nghệ thuật cũng là một yếu tố thuộc quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi được bảo vệ như bất kỳ sản phẩm sáng tạo nào khác.
Vào ngày 30/10, Thẩm phán William H. Orrick của Tòa án Quận tại Hoa Kỳ đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc trong vụ kiện vi phạm bản quyền của ba nghệ sĩ chống lại các công ty đứng sau Midjourney, Stable Diffusion và Dream Up. Tuy nhiên, một số cáo buộc quan trọng của nguyên đơn vẫn được tiến hành, bao gồm cáo buộc Stability A.I. sao chép 16 tác phẩm đã đăng ký bản quyền của Sarah Andersen. Thẩm phán cho phép các nguyên đơn sửa đổi đơn kiện và nêu rõ chi tiết vi phạm bản quyền của từng bị đơn. Vụ việc làm rõ thêm tranh cãi về quyền tác giả đối với các tác phẩm do AI tạo ra từ dữ liệu có sẵn.
Đây là một trong những vụ kiện đầu tiên nhắm đến việc bảo vệ phong cách cá nhân của nghệ sĩ trước sự phát triển của công nghệ AI. Vụ kiện này cũng làm nổi bật một vấn đề pháp lý mới: liệu phong cách nghệ thuật cá nhân có thể được bảo vệ tương tự như tác phẩm có bản quyền. Với tốc độ phát triển của AI tạo sinh, các nghệ sĩ lo ngại rằng nếu không có sự bảo vệ pháp lý cụ thể, các công ty công nghệ sẽ tiếp tục “sao chép” phong cách của họ mà không cần xin phép. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà còn có thể làm lu mờ cá tính sáng tạo và giá trị độc đáo của mỗi nghệ sĩ.
AI có được coi là công cụ sáng tạo độc lập?
Ngày càng có nhiều tác phẩm sáng tạo do AI tham gia vào quá trình đồng sáng tạo cùng con người, đặt ra câu hỏi về việc bảo hộ bản quyền. Theo Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ (USCO), các tác phẩm do AI tạo ra không được đăng ký quyền tác giả, điều này đã được khẳng định qua các vụ việc gần đây. Tuy nhiên, với tác phẩm “Zarya of the Dawn” của Kristina Kashtanova, USCO đã thể hiện quan điểm linh hoạt hơn: câu chuyện gốc do Kashtanova sáng tạo được bảo hộ bản quyền, nhưng phần hình ảnh do AI tạo không được bảo vệ. Kashtanova lập luận rằng AI Midjourney chỉ là công cụ hỗ trợ, nhưng USCO không đồng tình, cho rằng AI không có tính sáng tạo như con người và kết quả đầu ra không thể dự đoán trước, khác biệt so với công cụ truyền thống của nghệ sĩ.
Bức ảnh chụp gốc bên trái của Getty Image, bên phải là bức ảnh tạo bởi Stability AI có sự tương đồng. (Ảnh: The Verge) |
Theo USCO, các tác phẩm do AI tạo như của Midjourney, ChatGPT hay Dall-E không đủ điều kiện để nhận sự bảo hộ bản quyền, chứng nhận đăng ký hay quyền lợi pháp lý khác tại Mỹ. USCO cho rằng những hình ảnh của Midjourney trong tác phẩm của Kashtanova không mang tính gốc, do đó không thể bảo vệ. Dù vậy, USCO vẫn có thể xem xét thay đổi cách tiếp cận trong tương lai, khi công nghệ AI ngày càng phát triển và các tác phẩm đồng sáng tạo giữa con người và AI ngày càng gia tăng.
Các vụ việc trên đều hướng tới một vấn đề pháp lý cơ bản trong bối cảnh hiện nay: liệu sản phẩm do AI tạo ra có thể được coi là tác phẩm có bản quyền hay không. Nhiều quốc gia như Mỹ, Anh vẫn quy định chỉ có con người mới có quyền tác giả, song sự sáng tạo của AI đang làm mờ ranh giới này. Để giải quyết, chính các quốc gia này cũng đang phải xem xét sửa đổi Luật Bản quyền để bảo vệ quyền lợi của người tạo ra AI hoặc chủ sở hữu AI khi sản phẩm do AI tạo ra trở nên phổ biến. Đồng thời, vụ kiện của các nghệ sĩ như Sarah Andersen đã cho thấy nếu pháp luật không điều chỉnh cũng sẽ khó bảo đảm quyền lợi cho những người sáng tạo trong thời đại AI.
Tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay chưa có điều khoản nào đề cập rõ ràng đến quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do AI tạo ra. Pháp luật chủ yếu tập trung vào bảo vệ quyền tác giả của con người, điều này gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh AI ngày càng được sử dụng để sáng tạo trong các lĩnh vực như nghệ thuật, truyền thông và giải trí. Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc cập nhật các quy định về bản quyền cho sản phẩm do AI tạo ra là vô cùng cần thiết. Chẳng hạn, những tác phẩm mà AI sản xuất dựa trên nguồn dữ liệu gốc có bản quyền cần được quy định rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan.
Việc bổ sung các quy định này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của những người sở hữu dữ liệu gốc, mà còn bảo đảm tính công bằng khi AI sử dụng dữ liệu của họ để tạo ra sản phẩm mới. Các quy định chi tiết sẽ tạo ra một hành lang pháp lý để quản lý và bảo vệ các tác phẩm liên quan đến AI, đồng thời giảm thiểu rủi ro pháp lý, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển công nghệ AI trong tương lai. Điều này cũng thể hiện sự nhạy bén của pháp luật trong việc điều chỉnh những tiến bộ công nghệ phức tạp như AI.