Mặt trái của trí tuệ nhân tạo với trẻ nhỏ
Mới đây, một sự việc đã xảy ra tại tiểu bang Florida, Mỹ đã “đánh động” rất nhiều bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Một người mẹ tại Florida, sau khi con trai 14 tuổi tự sát đã tìm hiểu các hoạt động trên máy tính cá nhân của con và phát hiện ra suốt một thời gian dài con mình trò chuyện thân mật với một chatbot do cậu tạo ra trên một nền tảng trí tuệ nhân tạo. Cậu bé coi chatbot này như người yêu của mình, các cuộc trò chuyện thể hiện sự nhớ nhung, yêu thương, dùng nhiều ngôn ngữ mang màu sắc tình dục, đồng thời cậu đã nhiều lần thể hiện ý muốn tự sát với chatbot.
Người mẹ này cho biết, theo thời gian hiển thị, bà nhận ra rằng từ khi con trai bắt đầu bị “cuốn” vào những cuộc chuyện trò với chatbot, cậu bé đã học hành sa sút, đầu óc thiếu tập trung, mất kết nối với bạn bè, người thân. Đỉnh điểm là sau khi bị giáo viên tịch thu điện thoại di động vì sử dụng trong giờ học, cậu trở nên khủng hoảng. Sau khi được trả điện thoại, cậu bé trò chuyện với chatbot, nêu ý định “đến với em mãi mãi không xa lìa”, sau đó tự sát. Người mẹ đã khởi kiện công ty sản xuất ra nền tảng trí tuệ nhân tạo nói trên vì đưa vào hoạt động một ứng dụng thiếu các cảnh báo an toàn với trẻ em. Bà cho biết, mình muốn “đánh động” toàn bộ các bậc cha mẹ trên thế giới nên cảnh giác hơn khi để con học tập, vui chơi với AI.
Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ biết sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc học tập, vui chơi. Nhiều gia đình cũng đã cho con thoải mái sử dụng AI vì tin rằng đó là những công cụ “đáng tin cậy”. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích mà AI mang đến cho trẻ như cung cấp kiến thức, hướng dẫn phương pháp học, thì nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các tác hại đằng sau đó như trẻ phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo, bắt AI suy nghĩ hộ mình dẫn đến lười tư duy, thậm chí gian lận. Nhiều trường học đã phát hiện ra học sinh, sinh viên sao chép các bài làm do AI thực hiện cho các bài tập và bài thi.
Để mặc con “chơi” với công nghệ, hậu quả khó lường
Thực tế, không ít gia đình đã để mặc con trẻ lang thang trong không gian mạng mà không có biện pháp kiểm soát hiệu quả. Trong khi đó, nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể trò chuyện, tương tác, đưa ra những lời khuyên giống như một người bạn thân. Trẻ nhỏ thiếu khả năng phân biệt thật - giả, dễ dàng bị cuốn vào các mối quan hệ ảo, dần “lậm” vào những cuộc trò chuyện hư ảo này như một cách để tìm kiếm sự an ủi, đồng cảm mà có khi chúng không tìm thấy trong cuộc sống thực. Nhiều trẻ có xu hướng dần tự cô lập, sống trong không gian mà bản thân tự tạo ra trong trò chơi, dẫn đến việc trở nên lầm lì, khép kín. Tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ dễ bị trầm cảm, rối loạn tâm lý và khó hòa nhập lại với thế giới thực.
Trước sự phát triển như vũ bão và ngày càng khó lường của thế giới công nghệ, vai trò của phụ huynh vô cùng quan trọng. Sự đồng hành, quan tâm của cha mẹ là lớp “lá chắn” hữu hiệu nhất giúp trẻ không bị sa vào cạm bẫy nguy hiểm trên mạng. Các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên phụ huynh cần kiểm soát thời gian và nội dung mà trẻ tiếp cận, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất, giao tiếp trực tiếp và xây dựng các mối quan hệ thực tế. Phụ huynh cũng cần chủ động hơn trong việc định hướng và trang bị cho con những kỹ năng tự bảo vệ mình trước mạng ảo và công nghệ.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu