Thế nhưng, ít ai biết được một bí mật của KKK trong những năm đầu thành lập, đó là KKK không chỉ nhắm đến người Mỹ gốc Phi, mà còn tiêu diệt những người Trung Quốc làm việc tại Mỹ - minh chứng rõ nét hơn cho một giai đoạn được coi là “đáng xấu hổ với nước Mỹ” về nạn phân biệt chủng tộc.
Thuyết “Người da trắng thượng đẳng”
Sau cuộc nội chiến kéo dài 4 năm, kết thúc vào năm 1865 với sự đầu hàng của 11 tiểu bang ở miền Nam theo chế độ nô lệ, chủ nghĩa khủng bố sắc tộc với các cuộc tấn công nhằm vào người da màu vẫn diễn ra tràn lan. Nếu người Mỹ gốc Phi tiếp tục bị lóc lột tàn tệ trong các nông trại ở bang phía Nam, thì những công nhân người Ấn Độ, Mexico cũng phải làm việc trong điều kiện chẳng khác nào nô lệ khắp các bang ở Đông Nam – cho dù về mặt lý thuyết, chế độ nô lệ đã bị xóa bỏ trên đất Mỹ. Những cuộc tấn công, cướp bóc, giết người do những tên khủng bố da trắng thực hiện cũng diễn ra ở nhiều nơi khác như Oregon, Utah, California.
Một trong những biểu tượng cho giai đoạn đầy đen tối này trong lịch sử nước Mỹ chính là hình ảnh người đàn ông mặc áo choàng trắng, đội mũ hình nón trắng trùm kín mặt, chỉ để lộ ra hai mắt – những sát thủ giấu mặt sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào người da màu. Đó cũng là chân dung của thành viên hội kín KKK – viết tắt của Ku Klux Klan.
Theo tiếng gốc Hy Lạp, Ku Klux Klan nghĩa là “Vòng tròn của những người anh em”. “Những người anh em” này hoạt động theo mô hình hội kín, hoạt động bí mật và các thành viên không nhìn thấy mặt nhau, cùng thực hiện các chiến dịch để đạt mục tiêu tối thượng là sự thống trị của người da trắng – còn được biết đến là thuyết “Người da trắng thượng đẳng”. KKK do một số cựu binh của Liên minh miền Nam thành lập ở Pulaski, bang Tennessee vào cuối năm 1865. Vài năm sau, KKK bắt đầu lan sang miền Tây.
Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy các hội nhóm của KKK ở miền Nam và miền Tây có liên hệ trực tiếp với nhau, nhưng các hội nhóm ở cả hai miền đều dùng những thủ đoạn tương tự nhau, thực hiện những cuộc tấn công khiến người ta rùng mình mỗi khi nhắc tới để duy trì thuyết “người da trắng thượng đẳng”.
Một trong số những vụ bị “đưa ra ánh sáng” của KKK là vụ sát hại ba nhà hoạt động nhân quyền James Earl Chaney, Andrew Goodman và Michael Schwerner – những người đấu tranh cho quyền bỏ phiếu của người Mỹ gốc Phi hồi năm 1964.
KKK sử dụng thủ đoạn treo cổ nạn nhân |
Cùng đề cao thuyết “người da trắng thượng đẳng”, song các hội nhóm KKK ở miền Tây thể hiện sự biến tướng bằng cách đa dạng hóa danh sách các nạn nhân. Nếu các hội nhóm ở miền Nam chủ yếu tấn công người Mỹ gốc Phi, thì các thành viên KKK ở miền Tây còn nhằm vào những công nhân người Trung Quốc, thậm chí cả những ông chủ dám “cả gan” thuê họ.
Vào tháng 4/1869, người ta đã tìm thấy một bức thư nặc danh ở San Jose với lời đe dọa “sẽ hủy diệt tất cả những kẻ nào dám thuê công nhân Trung Quốc – dù chỉ là một người!”. Thế nhưng, KKK không dừng lại ở những lời đe dọa. Nhiều báo cáo sau này cho thấy khắp bang California xảy ra tình trạng tấn công, bạo hành công nhân người Trung Quốc. KKK muốn công nhân Trung Quốc phải khiếp hãi mà từ bỏ, nhường lại công ăn việc làm cho những công nhân da trắng.
Một trong những vụ tấn công được ghi lại là vào tháng 4/1868. Khi đó, các thành viên KKK tấn công một nông trại ở hạt Nevada, bang California. Họ đánh đập và cướp phá tài sản của công nhân Trung Quốc, lấy đi khoảng 30 đồng tiền vàng – một lượng tài sản rất lớn ở thời điểm đó. Báo chí cũng đưa tin về vụ phóng hỏa các nhà thờ của người Trung Quốc ở một số thị trấn ở California – và người ta nghi ngờ thủ phạm là các thành viên của KKK.
Khi một quan chức địa phương muốn mở trường học dành cho người Trung Quốc ở thành phố Nevada, ông ta nhất quyết rằng việc xây dựng phải được tiến hành ban ngày, và phải hoàn thành trong ngày Chủ nhật để “tránh việc bị KKK phóng hỏa”. Rất nhiều báo cáo khác cũng cho thấy các hoạt động bài người Trung Quốc còn diễn ra ở Utah và Oregon. Trong khi ở San Jose, các công ty bảo hiểm còn xem xét việc “điều chỉnh các chính sách bồi thường liên quan đến các mối đe dọa do KKK gây ra”.
Các nạn nhân Trung Quốc sau vụ thảm sát năm 1871 |
Ngoài các cuộc tấn công nhỏ lẻ này, thỉnh thoảng KKK lại thực hiện một cuộc tấn công lớn nhằm vào người Trung Quốc di cư. Mùa đông năm 1867, dưới sự kích động của các thành viên KKK, khoảng 400 người lao động da trắng đã đánh đuổi những công nhân Trung Quốc làm việc theo hợp đồng khỏi chỗ làm của họ ở ga xe lửa Portrero ở San Francisco.
Vụ bạo loạn đã khiến 12 người Trung Quốc bị thương, một người sau đó đã tử vong vì vết thương quá nặng. 10 người trong số các công nhân da trắng gây ra cuộc bạo loạn sau đó đã bị kết tội và chịu án phạt tù. Thế nhưng, bằng cách “lách luật” nào đó, tất cả đều được thả. Cũng giống như ở miền Nam, hung thủ gây ra các vụ bạo lực sắc tộc ở miền Tây cuối cùng ít khi phải chịu án phạt tù.
Vụ tấn công nhằm vào người Trung Quốc quy mô lớn nhất diễn ra vào tháng 10/1871. Sau khi một băng nhóm xã hội đen của Trung Quốc giết một cảnh sát da trắng, khoảng 500 người da trắng – mà nhiều người trong số họ là thành viên của KKK hoặc bị KKK xúi giục - đã điên cuồng tụ tập tại trung tâm khu phố người Hoa. Trong men say trả thù, đám đông hỗn loạn đã bao vây các cư dân Trung Quốc, dùng dao đâm và dùng súng bắn chết một số người, kéo lê một số người khác tới giá treo cổ và tùng xẻo.
Tàn cuộc, người ta đã tìm thấy thi thể 18 người Trung Quốc trên đường phố, chiếm tới 10% tổng số dân Trung Quốc sống trong thị trấn. Không một ai trong số các nạn nhân – trong đó có cả một bác sĩ và một bé trai 12 tuổi – là người đã từng tham gia vào vụ bắn chết viên cảnh sát trước đó. Và một lần nữa, toàn bộ những người da trắng tham gia vào vụ bạo loạn này đã được thả chỉ sau một thời gian ngắn bị giam giữ ở San Quentin.
Trong khi các nhóm bán vũ trang của KKK giết hại hàng nghìn người Mỹ gốc Phi thời kỳ sau Nội chiến, số nạn nhân là người Trung Quốc thực sự ít hơn nhiều - dù hiện nay chưa ai có được con số thống kê chính xác. Bởi vậy, lịch sử về giai đoạn đầy bạo lực chống lại người Trung Quốc gần như ít được chú ý. Người ta chỉ biết về thế kỷ này như một giai đoạn bất công cùng khổ đối với người Mỹ gốc Phi.
Với việc tiết lộ những bí mật của nhóm cực hữu KKK thời kỳ đầu, người ta có thể thấy được mức độ khủng khiếp, khả năng thích ứng, tính chất địa lý của tình trạng bạo lực sắc tộc ở Mỹ trong thời kỳ mà nhiều người đánh giá là “đáng xấu hổ với nước Mỹ” này.
Quang trọng hơn, các bài học cho hiện tại có thể được rút ra từ những câu chuyện của quá khứ, đó là những hình thái cực đoan của nạn phân biệt chủng tộc có thể xảy ra ở bất cứ vùng đất nào của nước Mỹ.
Và vụ Dylann Roof xả súng tại nhà thờ Emanuel AME ở Charleton khiến 9 người thiệt mạng mùa hè vừa qua là chương mới nhất trong lịch sử đã kéo dài hơn một thế kỷ của những kẻ đề cao thuyết “người da trắng thượng đẳng” – và thật đáng lo ngại là không ai có thể khẳng định đó là chương cuối cùng hay chưa.