Theo UBND TP Thanh Hóa, trên địa bàn TP trước đây có 11 cơ sở kinh doanh bar, pub, lounge, vũ trường... Hiện còn 7 cơ sở hoạt động gồm Bar Lam Kinh, Hero, Forever, Athena, Zone 8, Beer Moi và JP Club.
Trong đó, chỉ Bar Lam Kinh có đăng ký hoạt động vũ trường và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự (GCN, do Công an tỉnh cấp). Các cơ sở còn lại đều không bảo đảm diện tích, quy mô cũng như tính chất hoạt động nên không phải là “vũ trường” theo quy định pháp luật. UBND các phường, xã có loại hình cơ sở hoạt động thành lập các tổ kiểm tra liên ngành để thực hiện công tác quản lý nhà nước tại cơ sở.
Với các cơ sở kinh doanh trên, UBND TP giao Công an TP chỉ đạo đội nghiệp vụ, cán bộ phụ trách địa bàn, công an cấp xã mở hồ sơ điều tra cơ bản từng cơ sở theo Hướng dẫn 440/HD-CAT-PC06 ngày 17/10/2022 của Công an tỉnh, chủ động nắm tình hình và đề xuất kiểm tra, xử lý khi cơ sở có biểu hiện vi phạm.
Trong đó, đã xử phạt do không bảo đảm điều kiện về PCCC với 8 cơ sở (Hero, Forever, Kome, Lake lounge, Leep lounge, Laloca, Chell 16+, Athena). Đêm 20, rạng sáng 21/10/2023 Công an TP đã bắt các đối tượng sử dụng trái phép ma túy tại cơ sở JP Club. Tổ kiểm tra liên ngành và công an các phường, xã đã chủ động kiểm tra, xử lý các lỗi về PCCC, gây mất yên tĩnh trong khu dân cư.
Với nội dung phản ánh của Báo PLVN, UBND TP cho biết, 6 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP không được đăng ký kinh doanh là vũ trường và bản chất không phải là vũ trường theo quy định pháp luật.
“Thực tế, có nhiều điểm giống với hoạt động của dịch vụ vũ trường (có âm nhạc sôi động, có DJ chơi nhạc để khuấy động không khí, kích thích sự sôi động, hào hứng của khách; có bán rượu, bia; có thể có hoặc không có vũ công, sân khấu để nhảy múa); có tình trạng mở cửa đón khách quá 12h đêm”, văn bản nêu.
Theo báo cáo, cam kết của các phòng, ban đơn vị chức năng, UBND phường có liên quan và Công an TP, cho thấy không có việc bao che, “bảo kê”, tham nhũng, tiêu cực với các cơ sở kinh doanh trên.
Tại văn bản, UBND TP cũng nêu các khó khăn, vướng mắc như: Việc hoạt động quá giờ của các cơ sở trên hiện nay chưa có chế tài xử lý (vì đây không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện); việc xử lý kinh doanh khí N2O mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe (quá trình thực hiện quy trình xử phạt còn nhiều vướng mắc, chưa được bố trí kinh phí thực hiện công tác giám định); việc xử lý các hành vi liên quan lĩnh vực văn hóa chưa thực hiện được do chưa có chế tài cụ thể trong lĩnh vực này.
Công an TP Thanh Hóa và các đơn vị chức năng đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tham mưu UBND TP trong công tác quản lý nhà nước với các cơ sở này hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, lợi dụng một số kẽ hở quy định, một số chủ cơ sở vẫn tìm cách đối phó, “lách luật” để hoạt động.
Liên quan việc này, lãnh đạo UBND phường Điện Biên và phường Lam Sơn cũng nêu ra khó khăn trong việc quản lý, thanh, kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh bóng cười. Ông Trịnh Khắc Thông (Phó Chủ tịch UBND phường Lam Sơn) nói: “Phường không thể lúc nào cũng đi kiểm tra được, theo quy định thì được kiểm tra 3 lần/năm, trừ khi có phản ánh của công dân, phường mới được quyền kiểm tra… nên việc cơ sở kinh doanh bán “bóng cười” ngay sau khi bị xử phạt, UBND phường không biết”. Còn bà Lê Thị Quỳnh Thơ, Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho hay: “Chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị đề nghị hướng dẫn, xử lý lên cấp trên vì UBND phường không đủ thẩm quyền”.