Khám phá tiếng khèn Mông
Trên những bản làng ở độ cao chừng 800 đến 1500 mét so với mực nước biển, đồng bào Mông họ sống thật thà và rất gần gũi với thiên nhiên. Có lẽ âm thanh của tiếng khèn chính là một “khí cụ” gắn kết cộng đồng, làm cho con người gần gũi nhau hơn. Và âm thanh của tiếng khèn còn là sợi dây kết nối khiến cho các chàng trai và cô gái tìm được nhau, nhất là các phiên chợ tình. Tiếng khèn còn xua đi nỗi buồn phiền, nhọc nhằn của cả một ngày làm việc vất vả.
Bản người Mông nằm vắt vẻo trên các sườn núi, đường lên quanh co ngút ngát, nhìn thấy nhà rồi mà vắt kiệt mồ hôi, vẫn chỉ là ở trong tầm mắt. Càng lên cao nhiệt độ càng lạnh, cái khắc nghiệt của thời tiết đã tạo nên bản tính mạnh mẽ, kiên cường của con người. Người Mông có câu: “Một chân đứng không vững, một tay vỗ không vang”, vì thế họ cùng nhau lách đá làm nương, trồng ngô từ mùa này qua mùa khác. Chính bức tranh thiên nhiên hoang sơ của miền cao nguyên đá đã khơi gợi cho du khách sự tò mò. Và tiếng khèn, chính là nỗi lòng của họ, lúc thì khoan thai dập dìu, lúc thì dồn dập hoan ca, không khác gì cuộc sống của đồng bào.
Đối với cây khèn của người Mông, họ thường mang theo bên mình, kể cả khi đi làm nương, rẫy. Cũng nhờ có tiếng khèn mà cuộc sống của họ chan hòa hơn với thiên nhiên, giúp cuộc sống vui vẻ lạc quan, bớt khó khăn hơn. Theo Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết: Các dân tộc thiểu số khác họ chỉ mang khèn biểu diễn ở lễ hội. Riêng với người Mông, kể cả đi làm nương, rẫy họ vẫn mang khèn đi theo. Khèn là một nhạc cụ gắn với con người họ và được treo trang trọng ở trong nhà, tựa như một vật linh thiêng.
Khèn Mông thường được làm bằng gỗ cây pơ mu, có 6 ống trúc lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau. Các ông trúc phải phơi khô cho đều mới gắn vào thân khèn. Khi làm khèn quan trọng nhất vẫn là lưỡi đồng. Độ cao thấp của âm thanh phục thuộc vào người điều chỉnh các lưỡi đồng. Theo các cụ già cao niên kể, xưa kia có một nhà nọ sinh được 6 anh em trai, ai cũng hát hay, sáo giỏi. Vào dịp lễ hội họ cùng nhau thổi sáo góp vui, tiếng sáo của họ vi vút, xào xạc như cây rừng gặp gió. Lúc thì véo von tựa chim ca, lúc ào ạt như thác đổ, thiếu đi một người tiếng sáo trở nên lạc điệu.
Sau đó họ bàn với nhau chế ra nhạc cụ mới, người anh nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai góp cái ống thổi dài, 4 người còn lại chế ra những ống thổi tiếp theo, cộng đủ 6 ống. Lạ thay khi hoàn thiện, những âm thanh tầng tầng lớp lớp khi thổi ra có sức quyến rũ đến kỳ lạ, đó chính là tiếng khèn Mông ngày nay. Cây khèn được lưu truyền khắp nơi trên miền cao nguyên đá, bất cứ ở đâu có người Mông là ở đó có tiếng khèn.
Ở chợ tình có rất đông các cô gái Mông đến tham dự |
Tiếng khèn rung động cao nguyên đá
Tiếng khèn Mông gắn với các phiên chợ tình mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, đường sá đi lại khó khăn, người dân vẫn đi bộ đến chợ tình. Chợ tình không mua cũng không bán, họ đến chợ là để trao đổi, hỏi thăm nhau. Trong phiên chợ, các chàng trai sẽ được thể hiện các điệu múa khèn.
Anh Vua Minh Chơi (ở Làng Chải, xã Cán Chu Phì huyện Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết: “Tôi biết múa và thổi khèn từ lúc 14 tuổi. Cứ vào mua xuân hoặc đến chợ tình là đàn ông chúng tôi lại mang khèn đi để múa. Cái khó đối với người nghệ nhân là vừa múa vừa nhảy, phải ôm khèn hoặc lăn mình liên tục trên đất mà không lạc nhịp. Các động tác múa khèn thường phải mềm mại, không được khô cứng”.
Theo anh Chơi, việc múa khèn có rất nhiều các động tác đa dạng. Mình có thể múa đưa chân hoặc quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến đi lùi 4 hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Các động tác cơ bản vẫn là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động, quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc với tốc độ càng nhanh thì càng điêu luyện. Vũ điệu và âm thanh hòa quyện với nhau giúp cho người được thưởng thức cùng lúc cả âm lẫn hình. Để thể hiện được sự tinh tế tài hoa, người thổi khèn phải có sự đam mê và không ngừng học hỏi từ người đi trước.
Người múa khèn điệu nghệ là họ phải vận dùng khí hơi thổi làm sao cho đều. Chính vì vậy nên các chàng trai có thể thể hiện được đa chiều của sự khéo léo, sự sáng tạo.Và cũng từ những điệu múa khèn ấy mà đã có nhiều cặp đôi kết nên duyên vợ chồng. Muốn được các cô gái chú ý, người con trai Mông phải học múa khèn từ lúc 13, 14 tuổi. Khó nhất vẫn là điệu nhảy “đá gà”, “đá ngựa” bởi người múa vừa phải lăn mình, tấu trên dưới 30 bản nhạc khác nhau mà tiếng khèn không dứt.
Trong phiên chợ, chỉ cần xem qua các động tác múa khèn là các cô gái có thể đánh giá được bản lĩnh của người đàn ông rồi. Bởi chàng trai nào thổi khèn hay, điêu luyện nhất, múa giỏi, điệu nghệ nhất thì sẽ nhận được sự yêu quý, nhất là các cô gái người Mông xinh đẹp. Vào mùa xuân khi có hoa mận, hoa đào, các chàng trai lại sử dụng tiếng khèn của mình để nói thay tiếng lòng. Cây khèn truyền tải âm thanh và từ những âm thanh đó người con gái sẽ hiểu được nỗi lòng của chàng trai… Tiếng khèn dập dìu ấy là nỗi mong ước cho lúa ngô đầy bồ, gà đầy chuồng, con cháu được học cái chữ... Đất trời trở nên mở rộng hơn, con gái tựa như bông hoa rừng, con trai Mông tựa như cây thông núi đá. Và tiếng khèn cứ thôi thúc, hòa lòng người gắn kết cùng với cảnh sắc thiên nhiên trên miền cao nguyên đá.
Cứ như thế, nhịp cầu văn hóa nối trên miền cao nguyên đá Đồng Văn, chẳng khi nào đứt gãy. Và hết mùa này rồi lại mùa sau, họ sống gần gũi với nhau dệt lên những tấm áo chàm, gửi gắm trong đó là cả nỗi yêu thương. Để rồi tiếng khèn cứ đi theo họ mà không bao giờ đứt nhịp. Và “khí cụ” mang màu sắc văn hóa này đã tạo nên cái rất riêng, đó chính là điểm nhấn để du khách trên khắp mọi miền đất nước đến với miền cao nguyên Hà Giang, mảnh đất thân yêu nơi địa đầu Tổ quốc này.